itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích về kiềm chế lạm phát

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích về kiềm chế lạm phát

Mở đầu bài viết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điểm lại những nét chính của kinh tế toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Mỹ vốn chiếm 1/4 GDP của thế giới đang bị suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, giá dầu cùng các loại vật tư thiết yếu khác đang tăng ở mức cao nhất từ trước tới nay, đã làm cho nhiều nước trên thế giới phải điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng cho năm nay 1- 2%.

Đối với Việt Nam, do tổng kim ngạch nhập khẩu tương đương với 160% GDP, nên đã phải chịu những tác động mạnh hơn nhiều so với nước khác. Bên cạnh đó, thiên tai dịch bệnh liên tiếp trong hai năm trở lại đây đã tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp. Hết quý I vừa qua, với tốc độ tăng trưởng đạt 7,4% là cố gắng rất lớn của cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất lợi của nền kinh tế như lạm phát 3 tháng đã ở mức 9,19%, chênh lệch xuất - nhập khẩu lên đến hơn 7 tỷ USD và chiếm tới hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu. Tình hình đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người làm công ăn lương và người nghèo, đe doạ đến ổn định vĩ mô, tác động không thuận đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đề cập đến những hành động của Chính phủ trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Mục tiêu của Chính phủ đã coi kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Điều này có nghĩa, Chính phủ sẽ không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ cuối năm 2007, mà phải tập trung sức để kiềm chế bằng được lạm phát, phấn đấu bảo đảm tốc độ tăng giá giảm dần.

Theo tinh thần đó, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét giảm chỉ tiêu tăng trưởng và điều chỉnh lại chỉ tiêu lạm phát của năm nay cho phù họp với tình hình thực tế.

Để đạt được những nhiệm vụ và mục tiêu này, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng cũng cần bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá và xuất khẩu phát triển.

Hai là, cắt giảm đầu tư công và chi phí thường xuyên của các cơ quan sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, cố gắng giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách. Cắt giảm nguồn đầu tư này sẽ làm giảm áp lực về cầu, giảm nhập siêu, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Ba là, tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khắc phục nhanh hậu quả của thời tiết và dịch bệnh để tăng sản lượng lương thực, thực phẩm. Hiện nay, tiềm năng tăng trưởng của nước ta còn rất lớn, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới, vì vậy, phát triển sản xuất là giải pháp gốc, tạo hiệu quả nhiều mặt, vừa tăng nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lại không gây phản ứng phụ.

Bốn là, Cân đối cung cầu về hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, phân bón cho sản xuất và đời sống nhân dân là tiền đề quyết định để không gây ra đột biến về giá, ngăn chặn đầu cơ. Trong khi kiên trì chủ trương thực hiện cơ chế giá thị trường, xoá bỏ bao cấp qua giá, nhưng Chính phủ đã quyết định: Từ nay cho đến hết tháng 6, chưa tăng giá điện, giá than, giá xăng dầu; giữ ổn định giá xi măng, phân bón, nước sạch, thuốc, vé máy bay, tàu hoả; giao Bộ Tài chính rà soát để cắt, giảm các loại phí thu từ nông dân.

Để bảo đảm nguồn cung trên thị trường nội địa, giữ vững an ninh lương thực và kiềm chế sự tăng giá quá mức của nhóm hàng này, Chính phủ quy định lượng xuất khẩu gạo năm nay ở mức 4 triệu tấn và từ nay đến hết quý 3 không quá 3,2 triệu tấn. Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính đề xuất phương án nâng thuế xuất khẩu than, dầu thô và nghiên cứu khả năng áp dụng thuế xuất khẩu gạo.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đủ vốn và mua hết ngoại tệ cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, xử lý ngay các ách tắc về tín dụng xuất khẩu cho từng trường hợp cụ thể; tăng cường hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại đối với hàng xuất khẩu; cải cách mạnh thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đi đôi với việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp khác phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta để giảm nhập siêu, kể cả việc tăng thuế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu.

Năm là, Chính phủ yêu cầu các cơ quan nhà nước cắt giảm 10% chi tiêu hành chính, các doanh nghiệp phải rà soát tất cả các khoản chi nhằm hạ giá thành và phí lưu thông. Chính phủ kêu gọi mọi người, mọi nhà triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng. Đây là giải pháp vừa có tác dụng giảm sức ép về cầu, giảm nhập siêu, vừa góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền sản xuất xã hội.

Sáu là, Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng, như: xăng dầu, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm; ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu, khoáng sản.

Bảy là, Trước tình hình giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Chính phủ đã quyết định tăng 20% mức lương tối thiểu cho những người lao động thuộc khối cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2008. Chính phủ cũng quy định điều chỉnh mức lương tối thiểu theo hướng tăng lên đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam, lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

Riêng với người lao động đã qua học nghề, mức lương tối thiểu quy định cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, khoảng 1,8 triệu người về hưu và người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội đã được tăng lương 20%, hơn 1,5 triệu người có công đã được điều chỉnh trợ cấp lên 20% so với mức chuẩn hiện hành.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 289. Theo đó, thực hiện cấp bằng tiền tương đương 5 lít dầu hoả để thắp sáng một năm cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới; tăng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo từ 80.000 lên 130.000 đồng/người/năm; hỗ trợ một nửa mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế đối với thành viên thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản, tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản; hỗ trợ ngư dân để thay máy tàu sang loại máy mới tiêu hao ít nhiên liệu hơn; hỗ trợ về kinh phí bảo hiểm thân tàu cho tàu đánh bắt hải sản.

Chính phủ đã quyết định giữ ổn định mức thu học phí, viện phí và tiếp tục cho sinh viên, học sinh đại học, cao đẳng, học nghề có hoàn cảnh khó khăn được vay ưu đãi để học tập. Tiếp tục xuất gạo dự trữ quốc gia để cấp không thu tiền cho hộ đồng bào bị thiên tai, thiếu đói.

Cuối bài viết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chống lạm phát là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự trả giá và đánh đổi. Để chống lạm phát đạt kết quả, cùng với sự trả giá và đánh đổi là thấp nhất, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chấp hành và tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc của các cấp chính quyền. Chính phủ nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước toàn Đảng, toàn dân về kiềm chế lạm phát. Nhưng, công cuộc này chỉ có thể đạt được kết quả khi có sự ủng hộ và đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan thông tin đại chúng và của toàn thể nhân dân cả nước.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và với sự quyết tâm, chung sức chung lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta sẽ kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra.

Trung Kiên / VTV