itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Kiềm chế lạm phát nhưng không hy sinh tăng trưởng

Kiềm chế lạm phát nhưng không hy sinh tăng trưởng

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (phải) lạc quan về tương lai nền kinh tế.
 

Phó Thủ tướng cũng khẳng định “phải tìm các biện pháp an sinh xã hội và chấp nhận lạm phát cao để có tăng trưởng”.

Chiều qua (27-3), Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp báo ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 3-2008 của Chính phủ. Ông Hùng khẳng định không thể giải quyết vấn đề lạm phát trong ngày một, ngày hai và kêu gọi các doanh nghiệp, báo chí ủng hộ Chính phủ.

Cùng thắt lưng buộc bụng

Mục tiêu chỉ số lạm phát thấp hơn tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đề ra cho cả năm 2008 đã bị phá vỡ trong ba tháng đầu năm: GDP đạt 7,4% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 9,19%. Cả Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu là sự tác động của nền kinh tế đang bước vào thời kỳ suy thoái. “Đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu nhưng Chính phủ quyết định không hy sinh cái nào cho cái nào, nghĩa là không hy sinh tăng trưởng, cũng không hy sinh lạm phát” - ông Cao Viết Sinh nói. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định nền kinh tế toàn cầu đang bước vào chu kỳ suy thoái mới và “chúng ta không thể vượt qua khó khăn này trong ngày một, ngày hai được”. Phó Thủ tướng cũng khẳng định “phải tìm các biện pháp an sinh xã hội và chấp nhận lạm phát cao để có tăng trưởng”.

Thừa nhận lạm phát tăng cao đã làm lòng tin bị ảnh hưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng kiềm chế lạm phát không phải là việc riêng của Chính phủ. Ông kêu gọi toàn xã hội, các doanh nghiệp tiết kiệm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Giải quyết tình trạng “ông nào cũng đòi tăng giá”

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tăng gấp đôi học phí đại học là không đúng. Việc Hà Nội tăng giá nước trong bối cảnh hiện nay là không phù hợp, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội cân nhắc, lùi thời gian tăng giá nước lại. Đối với giá thép, Bộ Tài chính cũng đã làm việc với Tổng Công ty Thép và hiện nay đang có sáu đoàn kiểm tra nắm chi phí nhập khẩu, sản xuất, chống việc đầu cơ tăng giá. Chính phủ cũng chưa cho tăng giá điện và trong điều kiện giá dầu thế giới ở mức 100-110 USD/thùng thì sẽ dành 12.000 tỷ đồng để bù chứ không tăng giá xăng dầu. Phó Thủ tướng cho biết sắp tới Chính phủ sẽ triệu tập lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty 90, 91 để giải quyết tình trạng “trong tình hình này mà ông nào cũng đòi tăng giá thì gay”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bộc bạch: “Tôi lạc quan khi nhìn về tương lai trung hạn của nền kinh tế nước ta. Kinh tế thế giới suy thoái, có nhiều nền kinh tế tăng trưởng số âm hoặc 0% nhưng ta vẫn đạt được mức tăng trưởng cao. Với 5,4 tỷ USD trong quý I, chúng ta vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư. Mặc dù tăng giá xăng dầu trong tháng 3 nhưng CPI đã giảm một chút so với hai tháng đầu năm, chứng tỏ các nhóm giải pháp đã phát huy tác dụng” - Phó Thủ tướng nhận định.

Tiết kiệm 10% chi phí hội họp, đi nước ngoài...

Trả lời về việc điều chỉnh chỉ số lạm phát, Phó Thủ tướng cho biết năm nay không thể đạt được mục tiêu lạm phát thấp hơn tăng trưởng như nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ sẽ báo cáo cụ thể trước Quốc hội tại kỳ họp tới.

Về việc cắt giảm chi tiêu công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ không cắt giảm tổng vốn đầu tư nhà nước năm 2008 nhưng mức đầu tư đó sẽ được phân loại, tập trung cho những công trình có hiệu quả, có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm nay. Bên cạnh đó, chi tiêu, tiêu dùng cho hành chính phải thật tiết kiệm. Tiết kiệm điện, xăng dầu, tiết kiệm cả hội họp, đi nước ngoài... Theo ý kiến Bộ trưởng Bộ Tài chính thì sẽ tiết kiệm 10% khoản chi tiêu này”.

Theo Pháp Luật