itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Bí ẩn khoa học / Trứng phụ nữ châu Á... có giá!

Trứng phụ nữ châu Á... có giá!

Chọn trứng hiến thường là giải pháp cuối cùng đối với những phụ nữ không thể có thai, và khả năng tìm người hiến không chỉ có lý lịch trích ngang tốt, mà còn phải có một ngoại hình không khác mấy so với người mẹ tương lai.

Trong vòng hai thập kỷ qua, các bệnh viện và trung tâm sinh sản tại Mỹ đã gia tăng nhu cầu tuyển chọn người hiến trứng thuộc các chủng tộc ít người, đặc biệt là dân châu Á. “Vì những lý do liên quan đến văn hóa, nên trứng của phụ nữ châu Á đang trở nên khan hiếm... - Frank Chang, chuyên gia nội tiết sinh sản ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Shady Grove, cho biết. Thường thì nguồn cung này không đủ cho các nhóm người Mỹ gốc Á, thậm chí cho cả những người Mỹ nửa da trắng. May mắn lắm mới có thể tìm người hiến trứng thích hợp với yêu cầu...”.

Đặc trưng chủng tộc

Đối với nhiều chủng tộc thiểu số hoặc các cộng đồng người nhập cư tại Mỹ, đó còn là cơ hội để tránh được những nảy sinh về sau liên quan đến màu da cũng như những đặc trưng thể chất chủng tộc, nhằm giúp đứa bé tương lai dễ dàng hòa hợp với các mối quan hệ gia đình và cộng đồng. Đó cũng là điều bình thường khi một cặp vợ chồng Hàn Quốc sẽ yêu cầu người hiến phải là gốc Hàn, hoặc ít ra phải là châu Á...

Điều đó cũng có nghĩa là những người đăng ký nhận trứng sẽ phải đợi chờ lâu hơn, mất nhiều công sức hơn cho việc tìm kiếm, và các ngân hàng trứng cũng sẽ thu thêm phí cho việc tìm người, có thể lên đến hàng ngàn đô la. Chính thực tế nhu cầu đã làm tăng số lượng các trung tâm chuyên săn tìm người hiến trứng trên khắp nước Mỹ, đôi khi vươn ra thế giới để tìm kiếm người hiến cùng chủng tộc.

Website của Trung tâm Sinh sản Washington cũng vừa tăng nhu cầu về người hiến trứng gốc Trung Quốc, Ethiopia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Trong khi những người nhận ở Trung tâm Sinh sản Shady Grove chiếm khoảng 15% là châu Á - theo bác sĩ Chang. Nhiều trường hợp người hiến cần chủng tộc hiếm có thể phải đợi đến 2 năm. “Ai cũng muốn có một đứa con đáng yêu, và nếu giống họ thì càng tốt” – Diana Broomfield, một chuyên gia sinh sản ở Trung tâm Sinh sản Washington, cho biết.

Gốc châu Á

Là một chuyên viên công nghệ thông tin ở tuổi 38, Elaine và chồng Marcel, một giám đốc xây dựng người gốc Tây Ban Nha, đều đồng ý chọn người hiến phải là châu Á. Vì Marcel, 39 tuổi, muốn đứa con tương lai sẽ có nét gì đó hao hao với khuôn mặt Elaine, và họ cũng muốn khi ra đường không ai hỏi đứa trẻ có phải là con họ không...

Mặc dù luôn phải mất nhiều thời gian và chi phí để thỏa mãn yêu cầu này, nhưng các bác sĩ, người hiến và cả người cho đều coi yếu tố văn hóa Á Đông quả thực khan hiếm. Các bệnh viện ở khu vực phía Tây nước Mỹ càng khó khăn hơn trong việc tìm người hiến gốc Á, một phần vì các cộng đồng người châu Á thường giới hạn hơn về điều này. Với một số nền văn hóa, vô sinh đôi khi cũng được coi là một thất bại trong đời người, có thể ví như một thứ hậu quả nào đó từ lối sống bản thân hay do hệ lụy từ... kiếp trước. Việc nuôi con nuôi cũng thường không phổ biến trong cộng đồng châu Á và Hồi giáo. Một số cặp vợ chồng vô sinh đành chọn trứng hiến một cách bí mật, và càng không thể yêu cầu họ hàng hay bạn bè giúp hiến trứng. Chính quan niệm bí mật này càng làm cho người hiến trứng cùng chủng tộc châu Á trở nên đắt giá hơn...

Lỗ hổng cung-cầu càng rộng hơn về địa lý và ngôn ngữ khi các bệnh viện và trung tâm trứng tại Mỹ thường chỉ đăng quảng cáo bằng tiếng Anh, và nhiều bệnh viện còn có các nhân viên chỉ biết nói mỗi tiếng Anh. Nên một số người đã phiêu lưu bằng cách đăng tin tìm người hiến trên đài phát thanh với thứ tiếng của mình...

Thương mại hóa

Các nhà xã hội học phê bình kịch liệt và lên án phương cách tìm kiếm như vậy và cho rằng, việc tuyển mộ và chi phí nhiều cho người hiến trứng là một bằng chứng thương mại hóa sinh sản một cách trắng trợn. Nhưng các bác sĩ và người hiến trứng cho rằng, đó chỉ là khoản bồi thường “gọi là” cho thời gian và sức lực mà họ bỏ ra, có cả nguy cơ về sức khỏe trong suốt quá trình lấy trứng vốn thường khó khăn và phức tạp hơn việc hiến tinh trùng. Người hiến trứng thường được chọn ở tuổi sinh sản, tức độ tuổi 20. Sau khi trải qua các kiểm tra sức khỏe và tâm lý, họ sẽ được tiêm loại hormone kích thích trứng chín trong khoảng một tháng, sau đó sẽ được gây mê để bác sĩ thực hiện thủ thuật lấy trứng. Hầu hết các bệnh viện chuyên khoa ở khu vực Washington đều chi trả cho người hiến khoảng 6.000 USD...

Đào Hùng / NLĐ