itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Thuốc trường thọ

Thuốc trường thọ

Hành trình tìm kiếm viên thuốc trường xuân đang ngày một ngắn hơn khi các phát hiện mới đây về hai loại gien được cho là nắm giữ tuổi thọ con người, có thể giúp trì hoãn sự phát triển của nhiều chứng bệnh liên quan đến tuổi tác...

Phát hiện

Một nhóm các nhà khoa học ở ĐH Y Harvard (Mỹ) vừa phát hiện hai gien SIRT-3 và SIRT-4, có khả năng bảo vệ tế bào trước sự tổn thương do các tác nhân liên quan đến lão hóa, đặc biệt là tính năng hoạt động của chúng như nguồn năng lượng cho tế bào, một kiểu “pin” hỗ trợ có tên mitochondria...

Đây là kết quả tình cờ từ nghiên cứu nhằm tìm kiếm các khả năng kéo dài tuổi thọ con người, như ăn tất cả những loại dinh dưỡng cần thiết để có một sức khỏe tốt hay cắt giảm lượng calorie còn khoảng một nửa khẩu phần tiêu thụ hằng ngày... Theo các nhà khoa học, hướng nghiên cứu này có thể gia tăng triển vọng sống của con người lên từ 30% đến 50%, đặc biệt sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ các chứng bệnh do lão hóa, như ung thư, tim mạch và đột quỵ... Tuy nhiên, việc giảm năng lượng tiêu thụ để sống lâu hơn có vẻ khó khăn khi chúng ta phải chấp nhận sự khổ sở do cơn đói liên tục, đặc biệt là mất đi một trong những “tứ khoái” của con người: dục tình; và có thể sự khổ sở ấy còn làm cho chúng ta có cảm giác như mình sẽ sống lâu hơn!?...

Hướng đi mới

Thế nhưng, trên tạp chí Tế bào số ra tháng trước, manh mối chính của cơ chế trì hoãn tiến trình lão hóa từ việc giới hạn tiêu thụ năng lượng đã được các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ. Theo các tác giả, một viên thuốc hiệu quả cho việc chống lại sự lão hóa có thể không quá xa vời, đặc biệt là bạn sẽ không phải chịu đau đớn, khổ sở do ăn kiêng.

Theo các nhà nghiên cứu ở ĐH Cornell, khi các tế bào bị bỏ đói vì thiếu năng lượng, các gien mới phát hiện SIRT-3 và SIRT-4 - vốn chịu trách nhiệm tạo ra loại enzyme có tên sirtuins, giúp bảo vệ tế bào từ các chứng bệnh do tuổi tác - sẽ tăng tốc hoạt động. “Hai gien này có thể sẽ là mục tiêu tiềm tàng của loại dược phẩm tương lai cho các chứng bệnh liên quan đến lão hóa – BS David Sinclair, tác giả nghiên cứu, cho biết.

Khi áp dụng chế độ ăn kiêng liên tục 48 giờ cho chuột thí nghiệm, cơ thể chúng liền tạo ra mức enzyme sirtuins cao hơn để bảo vệ tế bào khỏi thoái hóa. “Phát hiện này giúp giải thích rõ hơn cho cách giới hạn năng lượng sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự sống sót của tế bào – BS D. Sinclair giải thích thêm - Và một gien khác cũng thuộc về gia đình 7 loại sirtuins này, đó là SIRT-1, có một tác động mạnh mẽ đến sự trường thọ khi được kích hoạt bằng các phân tử resveratrol trong rượu vang đỏ...”.

Triển vọng

Một số dạng cấu tạo khác của resveratrol, như loại dược phẩm SRT-501, do Công ty Dược Sirtic Pharmaceuticals có trụ sở tại Massachusetts chế tạo, đang trong giai đoạn thử nghiệm trên bệnh nhân mắc chứng rối loạn chuyển hóa và tiểu đường loại 2; có điều, loại thuốc này chỉ tác dụng trên 3 dạng sirtuins...

Trong những năm qua, hướng tác dụng kích hoạt từ bên trong được nhiều nhà khoa học kỳ vọng nhất là mitochondria - một yếu tố thiết yếu của trường thọ. Khi sự bền vững của mitochondria bắt đầu mất ổn định, năng lượng tế bào sẽ bị vắt cạn, sự sống còn của nó sẽ được tính từng ngày. Việc tập luyện thể chất, ăn kiêng không chỉ giúp cải thiện chất lượng của mitochondria – một yếu tố quan trọng đầu tiên của cơ chế phòng thủ chống lại những tác hại do lão hóa- mà còn có tác dụng như resveratrol hay loại dược phẩm SRT-501, cũng giúp gia tăng chức năng của mitochondria. SRT-501 là phân tử tí hon đầu tiên đã tham gia thử nghiệm lâm sàng trên người, được thiết kế để kích hoạt gien SIRT-1 trong các liệu pháp chữa trị bệnh lão hóa.

Trong một thí nghiệm ở Bệnh viện Newcastle, loại thuốc SRT-501 được sử dụng trên 30 bệnh nhân bị hội chứng Melas (mitochondrial encephalopathy, lactic acidosis và stroke) - một dạng rối loạn di truyền nguy hiểm, ảnh hưởng đến các phân tử mitochondria của người bệnh - đã cho thấy kết quả khả quan.

Hiện tại, các nhà khoa học còn ứng dụng kỹ thuật này để tạo ra các phôi thai lai tạo cho nghiên cứu tế bào gốc, bằng việc cấy ADN người vào trứng động vật như thỏ hoặc bò. Phôi thai lai tạo này sẽ chứa mitochondria động vật, có khả năng hoạt động như một tế bào động vật thực thụ với sức mạnh phòng thủ và năng lượng vượt trội so với phôi thai của một loài riêng rẽ. “Chúng tôi đang sở hữu những tế bào lai tạo cực mạnh, nắm giữ bí mật vì sao chúng ta sống lâu hơn so với các động vật khác như bò và thỏ...” – Sinclair cho biết. Và, từ khả năng này sẽ đưa đến hướng phát triển viên thuốc trường thọ trong tương lai...”.

Theo NLĐ