itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Truyền điện không dây

Truyền điện không dây

Giáo sư Marin Soljacic

Truyền tải điện mà không cần dây dẫn... Một thay đổi lớn có thể sẽ đến sau 125 năm kể từ khi nhân loại thiết lập mạng lưới phân phối điện bằng dây cáp.

Cho đến hiện nay, ai cũng thấy việc truyền dẫn điện đều phải thông qua hệ thống dây điện với nhiều phiền toái như vấn đề thất thoát điện năng do điện trở dây dẫn, vấn đề mỹ quan, kinh tế và an toàn điện khi phải đưa điện đến mọi nơi bằng hệ thống dây dẫn...

Một nhóm nghiên cứu thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) do GS Marin Soljacic cùng các cộng sự đã phát minh ra một kỹ thuật mới. Kỹ thuật này có thể giúp truyển dẫn điện mà không cần phải có dây nhợ gì hết!

Hệ thống truyền điện qua các thiết bị mà không cần dây có tên là WiTricity.

Kỹ thuật mới của nhóm nghiên cứu MIT đã ứng dụng sự cộng hưởng, lợi dụng đặc tính hai vật cộng hưởng ở cùng một tần suất để trao đổi năng lượng một cách hiệu quả, trong khi đó lại tương tác với nhau rất yếu khi chúng không cộng hưởng ở cùng một tần suất.

Họ đã ứng dụng những trường từ tính thay vì âm thanh để tạo ra sự cộng hưởng mà những vật dụng thông thường chỉ tương tác rất yếu, cho nên không bị tiêu hao điện năng cho những vật không phải là đối tượng nạp điện. Họ đã làm hai cuộn dây đồng có đường kính 50cm cộng hưởng với nhau, một cuộn nối với 1 bóng điện và cuộn kia nối với nguồn điện.

Thí nghiệm trên đã cho một kết quả đầy triển vọng. Bóng điện 60W cách nguồn điện 2m không có bất cứ một loại dây nối nào giữa chúng đã bật sáng.

Kết quả này vẫn đạt được ngay cả khi đặt các chướng ngại vật như gỗ, sắt và các thiết bị điện tử ở giữa 2 cuộn dây đồng.

Các nhà khoa học đã thành công trong việc truyền dẫn điện không cần dây qua điện thoại di động, máy tính xách tay, thiết bị nghe nhạc MP3, rô-bôt gia đình và các thiết bị điện tử khác.

Bóng điện sáng cách nguồn điện 2m, không có dây nối và bị ngăn bởi một chướng ngại vật (Ảnh: BBC)

Nhà vật lý đứng đầu nhóm nghiên cứu, GS Marin Soljacic thuật lại, phát minh của ông đã được gợi hứng từ chiếc điện thoại di động bị hết pin. Từ đó, ông suy nghĩ liệu có thể tăng hiệu quả cảm ứng trong một khoảng cách dài và truyền điện không dây để điện thoại của ông có thể xạc pin mà không cần phải cắm điện.

Đây là bước đi đầu tiên đầy khả quan hướng đến khả năng truyền tải điện không dây. Cách đây hơn 120 năm, vào năm 1882, nhà phát minh người Mỹ Thomas Alva Edixon (1847 - 1931) đã thiết lập mạng lưới phân phối điện đầu tiên để cung cấp điện cho khách hàng thông qua một hệ thống dây cáp điện. Từ đó đến nay, nhân loại vẫn đang sử dụng điện để phục vụ cuộc sống thông qua những hệ thống phức tạp truyền tải điện bằng dây dẫn.

Hiện Giáo sư Soljacic cùng nhóm của ông đang xem xét để cải tiến công trình của họ. Giáo sư Soljacic phát biểu: “Đây là một hệ thống sơ bộ chứng tỏ khả năng truyền tải điện năng không dây. Mục tiêu bây giờ là kéo dài khoảng cách truyền tải điện hơn nữa và nâng cao tính hiệu quả”.

(Theo VNN/Softpedia News & BBC)