itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Doanh nhân Đặng Thành Tâm: “Xuống biển, lên bờ, ra biển lớn WTO”

Doanh nhân Đặng Thành Tâm: “Xuống biển, lên bờ, ra biển lớn WTO”

Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm. Ảnh: Hoàng Hà

Yêu thích và say sưa hát tới hàng chục ca khúc cách mạng khi giao lưu với chúng tôi – những người lính; hào hứng khi nói về các nghị quyết của Đảng, các định hướng phát triển vĩ mô; biết cách tiếp cận và gửi tới được nhiều thông điệp cần gửi khi gặp gỡ những yếu nhân rất “vip” như tổng thống Mỹ hay thủ tướng Nhật Bản; có nhiều suy nghĩ “rất lạ” về các khu công nghiệp và về cả những người nông dân…Chúng tôi ghi nhận được một hình ảnh Đặng Thành Tâm rất khác với những gì người ta hay nói về anh, cũng là những điều anh không thích khi bị gán cho là tỷ phú nọ, giàu nhất, giàu nhì kia…

Nghị quyết và dự án
“Xuống biển, lên bờ, ra “biển” WTO, vô khu công nghiệp, tiếp tục công nghệ cao, tiến vào…nông nghiệp”. Có thể chọn một câu “vui vui” như thế để khái quát hành trình của Đặng Thành Tâm. Tuổi con rồng, lại sinh ra ở thành phố biển, doanh nhân này có khí chất ăn sóng nói gió, “nói bạo, làm mạnh”. Từng là thuỷ thủ viễn dương có thể kiếm nhiều tiền “đô” mỗi chuyến đi nhưng anh lại đột ngột lên bờ đi học kinh tế ở nước ngoài. Rồi anh nhảy vô trở thành người khai sơn phá thạch làm khu công nghiệp. Cho đến bây giờ, sau 15 năm nhập cuộc thương trường, thành tích của Đặng Thành Tâm đạt được không đơn giản chỉ là số tài sản rất lớn của một tỷ phú hay hàng loạt những giải thưởng tầm cỡ quốc gia và khu vực, cũng không phải là số lượng cổ phiếu hay công ty mà theo anh, đó chính là hàng triệu việc làm cho người lao động, hàng trăm dự án, hàng chục ngành nghề…góp phần vào sự phát triển của đất nước. Anh còn là thành viên nhiều hội đồng tư vấn kinh tế cao cấp như: Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, Hội đồng tư vấn cao cấp chương trình hành động hậu WTO của Chính phủ, Chủ tịch CLB Sao Vàng Đất Việt, thành viên tư vấn đối tác chiến lược trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Nhật…, là đại biểu hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Chúng tôi gặp Đặng Thành Tâm những ngày cuối năm khi anh vừa lập thêm thành tích mới: Kéo được tập đoàn Wintek (Đài Loan – Trung Quốc) – hãng chuyên sản xuất màn hình cho điện thoại I-phone và máy tính bảng Ipad về Việt Nam, xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình hiện đại nhất thế giới, tạo ra cơ hội việc làm cho hơn 30.000 người. Doanh nghiệp này sau khi khảo sát nhiều nơi, cuối cùng đã chọn khu công nghiệp Quang Châu ở tỉnh Bắc Giang do chính anh là người dựng xây từ thưở nó còn là vùng núi đồi đầy lau lách…

PV: Đến nay, tập đoàn của anh đã có trên 40 công ty thành viên hoạt động trên các lĩnh vực từ bất động sản, xây dựng đến tài chính, ngân hàng, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, khoáng sản...Tại sao gần đây, anh có vẻ rất quan tâm tới công nghệ cao?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Hướng đầu tư của tôi sẽ là chọn những vùng đất khó khăn để làm “hồi sinh” nó, biến nó thành những vùng sinh thái nhưng lấy 15% mà xây dựng. Hiện nay, nếu nhìn trên bản đồ google có nhiều vùng ảnh hưởng chất độc da cam cây cối không mọc được. Tôi chỉ cần lấy 15% diện tích của 70.000 héc-ta cũng được mười mấy héc ta, đủ để xây dựng thành một đặc khu kinh tế. Tại sao ta không thể thực hiện được điều mà ở Trung Quốc họ đã làm. Một đặc khu, một khu vực công nghệ cao không cần diện tích nhiều, không “mất” nhiều về nguyên liệu nhưng có thể tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm, bằng xuất khẩu gạo của cả một nước. Tại sao ta không làm được như ở đặc khu Thẩm Quyến của Trung Quốc, mỗi năm tạo ra hơn 500 tỷ USD, gấp 5 lần GDP Việt Nam, Trung Quốc 4 đặc khu kinh tế đóng góp trên 50% GDP của quốc gia. Đã đến lúc chúng ta nên nghĩ khác để đất nước làm giàu bằng những đột phá chứ không phải chỉ nhờ vào lợi thế “nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ”. Nghị quyết Đại hội Đảng đã nhiều lần đề cập là chúng ta phải đi tắt đón đầu ở lĩnh vực công nghệ cao.

PV: Anh dường như có vẻ là một doanh nhân rất quan tâm tới các sự kiện chính trị lớn. Tại sao có điều này?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Tôi chưa phải là đảng viên nhưng nghị quyết Đảng tôi thường xuyên nắm chắc để đề ra các dự án đúng định hướng. Nếu định hướng một đằng, mình đổ tiền xây dựng một kiểu thì dù có đẹp mấy, tốt mấy cũng hỏng. Cho nên, tôi thường khuyên các doanh nhân phải học thuộc các Nghị quyết Trung ương của Đảng. Doanh nhân cần đồng hành cùng các chủ trương. Sự lãnh đạo của Đảng xét cho cùng cũng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà trong tình hình hiện nay thì phát triển kinh tế là nhiệm vụ số một. Đó là con đường chung của chúng ta, không thể có con đường nào khác biệt, riêng rẽ…

PV: Đưa nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào nghị quyết là hai vấn đề không thể thiếu trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Có khi nào, từ công việc anh đã góp phần “đưa cuộc sống vào nghị quyết”.
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Hồi năm 1996, khi chúng tôi xin thành lập Khu công nghiệp Tân Tạo, chưa có tiền lệ doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm chủ đầu tư. Nếu không có niềm tin của Đảng, Nhà nước không dễ gì chúng tôi được cấp phép đầu tư. Rồi những sáng kiến của chúng tôi như trở chủ đầu tư xây dựng khu công nghiệp đầu tiên trong cả nước đã tiến hành tư vấn miễn phí cho các nhà đầu tư về các thủ tục; chủ đầu tư đầu tiên sáng tạo chương trình xây dựng nhà xưởng để cho nhà đầu tư thuê hoặc mua trả góp... Chỉ sau 3 năm, khu công nghiệp Tân Tạo đã gần như được lấp kín, trở thành điển hình là khu công nghiệp thu hút đầu tư tốt nhất của cả nước. Hay như việc chúng tôi thành lập Trung tâm khám chữa bệnh đa khoa cho công nhân, lập cả những đơn vị làm dịch vụ bữa ăn, dịch vụ vệ sinh, cung cấp, chăm sóc cây xanh, xây dựng trường trung học dạy nghề ngay trong trong khu công nghiệp, xây dựng khu nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại phục vụ người lao động.…đều là những mô hình mới mà người lao động và doanh nghiệp đều rất cần. Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, tỉnh thành đã đến tham quan, tìm hiểu và ghi nhận. Tổng bí thư Đảng Đỗ Mười khi đó về thăm đã biểu dương những mô hình mới, cách làm mới của chúng tôi và thậm chí còn cho rằng, những mô hình chăm sóc người lao động chu đáo như thế cũng chính là một trong những mục tiêu mà quá trình xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng CNXH phải hướng tới.

PV: Là người tham gia vào nhiều vị trí tư vấn cao cấp như thành viên chính thức, được đi nhiều biết rộng, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XI, anh có khuyến nghị gì để góp ý cho sự phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với những tiềm lực và tư duy mới, chắc chắn sẽ là động lực rất lớn để đất nước phát triển. Theo tôi, chúng ta nên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay với ba “trục” chính: một là dựa vào xuất khẩu, hai là dựa vào đầu tư nước ngoài, ba là tập trung vào khối nông nghiệp để đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội cho 70% dân số. Với từng lĩnh vực phải có những chính sách đột phá. Đến nay xuất khẩu chúng ta vẫn kém nhập khẩu, nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu 20%, thâm hụt thương mại lớn 20%. Một quốc gia ít nhất thì xuất khẩu phải bằng nhập khẩu, tiến phải xuất siêu thì đồng tiền Việt Nam mới mạnh lên…Hiện nay ta chủ yếu ta xuất khẩu thô từ nông sản hải sản thô cho đến tài nguyên khoán sản thô, vì vậy giá trị xuất khẩu của chúng ta không cao nên vẫn bị nhập siêu. Nếu chúng ta xây dựng công nghiệp chế biến để biến các sản phẩm chúng ta tạo giá trị gia tăng nhiều lần thì chỉ cần 5 năm nữa thôi chúng ta sẽ thành quốc gia xuất siêu. Điều này hoàn toàn có thể làm được. Với dự án sản xuất titan thành phẩm mà chúng tôi đang thực hiện, đã được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, kiểm tra, có thể nâng mức giá lên 400 lần so với xuất khẩu titan thô, mà lại không huỷ hoại môi trường. Một tấn đất hiếm trước đây bán được 3.000 USD bao gồm 17 kim loại hiếm thì Nhật Bản hiện nay mua tới cả trăm ngàn đô trên tấn. Nhật Bản chỉ nhập tài nguyên về và chế biến thế mà họ trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới về GDP. Còn về hướng đi nói chung thì phải gia nhập vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong mỗi dự án, để từ đó tạo ra giá trị gia tăng.

“Đi sau nhưng không kém”
PV: Năm 2010, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của anh vừa giành giải thưởng là doanh nghiệp lớn và tiêu biểu của khối ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất sau rất nhiều…đoạn trường?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Nhận giải này tôi bất ngờ, đã nộp hồ sơ, đã phỏng vấn nhưng thật bất ngờ vì mình nằm trong số 24 doanh nghiệp xuất sắc nhất ASEAN, dù KBC đã 6 năm liền nhận cờ thi đua xuất sắc Chính phủ, xuất sắc nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao. Đạt được kết quả đó không chỉ là niềm vui của riêng tôi mà ít nhiều còn là thông điệp với các doanh nghiệp nước ngoài, rằng chúng ta đi sau nhưng chúng ta không kém. Dù hội nhập ASEAN cũng chưa phải là đích nhưng chỉ riêng ASEAN thôi cũng có nhiều quốc gia mà Việt Nam phải học tập nhiều, như Singapore thu nhập 30.000USD/người/năm thì Việt Nam phải học rất nhiều. Tại sao người ta nói doanh nhân là chiến sĩ thời bình? Ngày xưa cha ông ta xả thân hi sinh vì đất nước, giải phóng dân tộc thì ngày nay kinh tế cũng là một mặt trận. Quốc gia nào vươn lên hay là không cũng là ở mặt trận kinh tế. Cái sinh khí, cái sức mạnh cái hào hùng thời chiến như thế nào thì thời bình mỗi doanh nhân cũng phải như thế!

PV: Những thành công bất ngờ của anh, khiến nhiều người cho rằng anh là một chủ đầu tư “mát tay”? Bí quyết gì tạo nên sự “mát tay” ấy?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Muốn để người ta đến làm ăn ở đất nước mình, dự án của mình thì trước hết phải tạo niềm tin để họ quý bản thân mình trước đã rồi mới quý mến dự án của mình, đất nước của mình. Và hơn nữa là vấn đề lợi ích, là hiệu quả kinh tế, giúp họ thấy được làm ăn ở chỗ mình thì hiệu quả hơn ở chỗ khác. Như chuyện ông chủ tịch tập đoàn Wintek tại sao lại chọn Quang Châu Bắc Giang vào làm ăn chứ không phải ở Hoà Lạc. Ngoài nhiều lợi ích thì những vấn đề như cảnh quan, phong thuỷ ông ấy rất quan tâm và cũng được chúng tôi tư vấn thoải mái. Thêm nữa là mình phải luôn biết cách nắm bắt những cơ hội. Ví dụ năm nay Việt Nam là chủ tịch ASEAN, có 18 nguyên thủ quốc gia đến cùng với 18 đoàn doanh nghiệp, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp để thu hút đầu tư về Việt Nam. Nếu mình đi nước ngoài thì rất nhiều tiền, tiền máy bay, tiền khách sạn mà ko dễ gì gặp được họ. Nay họ tới 18 đoàn, nay họ từ tìm đến nước mình, đó là cơ hội nhà nước tạo ra cho doanh nghiệp.
Thất bại, thành công và ước vọng
Cứ vào dịp mỗi năm qua đi, thấy nhiều tờ báo thường có bài viết nhắc đến những người giàu nhất trên sàn chứng khoán và xếp Đặng Thành Tâm ở thứ hạng nọ kia. Nhưng thật bất ngờ, trao đổi với chúng tôi, anh cho rằng mình không thích được gọi là “tỷ phú”, “đại gia” hay “xếp hạng” như vậy. Anh chỉ mong được gọi đơn giản là doanh nhân hay văn vẻ hơn thì là những chiến sĩ thời bình mà thôi.

PV: Anh nghĩ sao về những thất bại của những “siêu dự án” gần đây như Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Công viên Phần mềm Thủ Thiêm?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Ở Việt Nam, tỷ lệ các khu công nghiệp thành công và các khu công nghiệp lấp trên 50% chỉ chiếm 20% trong tổng số khoảng 250 khu công nghiệp cả nước. Các khu công nghiệp của chúng tôi ở quanh Hà Nội, ở miền Bắc và xung quanh TP.HCM hoạt động khá tốt nhưng ở miền Trung thì chưa thành công, nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản. Chắc chắn khi đầu Hà Nội và TP.HCM đầy, người ta cũng phải tập trung vào miền Trung thôi. Nhưng cái gì cũng phải có quá trình của nó. Ví dụ khi tôi rời vị trí là “tổng công trình sư” của Khu công nghiệp Tân Tạo để về Bắc Ninh làm khu công nghiệp Quế Võ, không ai tin các tập đoàn lớn sẽ về đầu tư ở miền quan họ còn nhiều cánh đồng hơn nhà máy này. Khi tôi bắt đầu công việc, đang san nền, đổ đất thì truyền hình đưa tin: Tôi đang làm sa mạc hóa Bắc Ninh… Dư luận làm chính tôi cũng hoang mang. Chính cậu lái xe cho tôi khi đó cũng nói: Tôi tưởng anh bị tâm thần khi anh cứ đi ra giữa những bãi đất trống mà ngó nghiêng, lẩm bẩm Nhưng nhờ miệt mài lao đi khắp nơi kêu gọi đầu tư và “thuyết khách”, Khu công nghiệp Quế Võ đã có hơn 50 dự án với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu đôla và hàng nghìn tỷ đồng, kéo được các tập đoàn như Canon, Nippon, MiTAC, Foxcon vào xây dựng nhà máy.

PV: Thành đạt và có “thương hiệu” với lãnh đạo nhiều tập đoàn trên thế giới và cả những nguyên thủ quốc gia, thường xuyên có mặt ở nhiều diễn đàn kinh tế lớn trên thế giới, đâu là hoài bão lớn nhất của anh?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Ở vị trí nào mà mình có điều kiện tốt nhất để đóng góp cho đất nước, cho bản thân mình, gia đình, cho mọi người thì đó là nơi mình lựa chọn. Quan điểm của tôi là phải luôn cống hiến và luôn tìm giải pháp mới. Như việc làm đại biểu hội đồng nhân dân thành phố, tôi cho rằng, phải đóng góp vào quốc kế dân sinh chứ không nên giám sat theo kiểu nửa vời, đọc báo rồi cho ý kiến. Đóng góp để nâng cuộc sống lên chứ không phải bới cho nó be bét ra. Ví dụ vấn đề triều cường, tôi đề xuất phải làm đê bao và bơm nước ra. Chỉ cần 20 cái bơm và hệ thống hồ chứa nước ngầm vì TPHCM không nhiều hồ như Hà Nội, chứ đừng nghĩ làm thêm cống, mở thêm đường. Cuối cùng thực tiễn chứng minh những đề xuất ấy là đúng. Tôi may mắn sớm được tiếp cận với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cách đây 20-25 năm. Chính điều này đã hun đúc trong tôi một hoài bão góp sức thực hiện ước vọng khi nhìn các doanh nhân quốc tế và mong muốn cùng những doanh nghiệp lớn Việt vươn ra thế giới để một ngày nào đó Việt Nam chúng ta sẽ tự hào có những doanh nghiệp như người Nhật họ tự hào về Toyota, người Hàn Quốc tự hào về Samsung vậy.

PV: Một câu hỏi cuối cùng hơi riêng tư một chút, những khoản tiền đầu tiên anh kiếm được là gì và những khoản tiền thường tiêu của anh hiện nay là gì?
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Tôi từng có một tuổi thơ hết sức vất vả, trên 50% thời gian bị ốm đau bệnh tật, bị chết hụt đến 3 lần. Khi theo đuổi con đường học hành cũng rất khó khăn, ngay cả đi học thêm còn không có tiền. Khi ra trường cũng bị thất nghiệp 2 năm. Bản thân tôi ngày còn là học sinh tôi vừa học và vừa phải kiếm tiền. Lúc đó tôi kiếm tiền bằng cách phụ giúp gia đình như trồng rau, nuôi heo, gà công nghiệp, thỏ chẳng hạn. Lúc là sinh viên thì đi dạy thêm, làm thêm. Nhiều người thường nghĩ “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhưng tôi cho rằng tri thức và thông tin mới là những yếu tố dễ làm cho mình mất tự tin nhất! Tôi kiếm được bao nhiêu tiền lại đổ ngược lại vào công việc, tiếp tục đầu tư. Thậm chí các chương trình kế hoạch chúng tôi đề ra đến nay vẫn không đủ tài chính để thực hiện, kể cả đi vay.Một trong những tấm gương mà tôi ngưỡng mộ là ông ông Matsushita là sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Panasonic, chỉ với 76 yên Nhật nhưng ông đã có tầm nhìn rất xa, xây dựng nên kế hoạch kinh doanh gồm 5 chu kỳ, mỗi chu kì kéo dài tới 50 năm để tập đoàn của ông nay vẫn rất hùng mạnh dù ông ấy không còn. Tôi đã học điều này để xây dựng được kế hoạch 10 năm. Có người hỏi tôi vì sao đã có trong tay tài sản rất lớn vẫn chưa dừng lại. Xin được trả lời bằng câu chuyện dòng họ Matsushita. Tập đoàn của họ lớn thế nhưng họ cũng sở hữu không quá 5% tài sản. Tôi mạnh dạn công chúng hóa doanh nghiệp của mình làm cái bánh càng ngày càng to, vừa chia sẽ được với nhiều người, nhưng phần của mình dù tỉ lệ nhỏ nhưng cái bánh lớn hơn thì cũng được gia tăng. Hiện nay dù sự nghiệp kinh doanh chưa hoàn hảo nhưng tôi vẫn thích tiêu tiền vào công tác xã hội từ thiện hơn là chi tiêu cho cá nhân mình.

PV: Xin cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công!

ĐỨC TOÀN – NGUYÊN MINH/ Báo Quân Đội Nhân Dân