Nuôi bồ câu lồng
Trở về quê hương sau thời gian chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia, người lính ấy đã chọn nuôi chim bồ câu làm hướng thoát nghèo cho gia đình. Và người cựu chiến binh ấy đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ những con chim bồ câu. Ðó là ông Bùi Văn Lâm ở thị trấn Núi Thành (Quảng Nam...).
Năm 1987, giải ngũ trở về cuộc sống đời thường, khi hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, để ổn định kinh tế gia đình, ông Lâm đã phải làm đủ mọi công việc để sinh sống: Thợ hồ, nuôi gà, làm giá đỗ,... nhưng không mấy hiệu quả. Sau nhiều đêm gác tay lên trán suy nghĩ, ông quyết tâm: "Mình phải kiếm một con gì đó nuôi mà đồng vốn bỏ ra thu lại nhanh và ngày nào cũng có thu nhập...".
Ðược anh em cùng làm trong công trình DOSAN (thị trấn Núi Thành, Quảng Nam) mách mối về nuôi chim bồ câu lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Lâm bàn với vợ rồi quyết định "táo bạo" cầm chiếc xe máy được 7 triệu đồng, và mượn người thân thêm 5 triệu đồng vào Bình Thuận mua 50 cặp bồ câu về nuôi thử. Với khu chuồng trại rộng 30 m2 rào lưới sắt, ông Lâm bắt đầu nuôi bồ câu lồng của mình. Sau bốn tháng đầu, chim bồ câu đẻ một cặp, rồi những cặp tiếp theo lần lượt sinh nở. Ông Lâm nuôi lớn hơn 10 ngày cho ra ràng rồi bán 70 nghìn đồng/cặp, thu lãi về hơn 12 triệu đồng. Phấn khởi, ông đập bức tường nhà xây chuồng trại rộng 75 m2 để nuôi với quy mô lớn.
Hiện nay, trại của ông Lâm nuôi 400 cặp bồ câu, hằng ngày ngoài việc bán bồ câu thịt ra ràng cho các cửa hàng trên địa bàn huyện, ông Lâm còn bán con giống cho các hộ nuôi đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Ðồng Nai... và sẵn sàng tận tình hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc. Ông chia sẻ "Tất cả mọi người đến đây được tôi hướng dẫn về nuôi đều thắng lợi hết, họ cảm ơn tôi rất nhiều". Cuối tháng 7 vừa qua, hơn 50 nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện Núi Thành đã đến tham quan học hỏi mô hình kinh tế của ông. Nói về thu nhập khi nuôi bồ câu lồng của mình, ông Lâm cho biết: "Mỗi năm, trừ đi tất cả chi phí, tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Ðó là một con số lớn đối với một cựu chiến binh đã "cạn" sức khỏe như tôi".
Khi được hỏi về cách chăm sóc, ông Lâm nói "Nuôi bồ câu lồng không khó, chỉ việc tận dụng các chuồng nuôi vịt, gà có sẵn, cẩn thận nhất là nuôi bằng lồng sắt. Ðặc biệt chú ý nuôi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Thức ăn thì rất đơn giản, một ngày cần cho ăn hai bữa gồm: gạo lứt, cám cò để giúp tăng trưởng nhanh, cho uống nước sạch sẽ". Ông Lâm cho biết thêm, nuôi bồ câu lồng chi phí đầu tư không quá cao, không phải tốn nhiều công sức chăm sóc lại thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, diện tích để nuôi chim bồ câu không cần nhiều. Ðây là mô hình kinh tế "tuyệt vời" mà các gia đình nên áp dụng.
Với những thành quả đã làm được, đầu tháng 6-2011, ông Lâm được Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh Núi Thành công nhận có thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm liền (2006 - 2010). Chia sẻ về dự định sắp tới của mình, ông nói "Tôi đang mở rộng thêm trại và sẽ nuôi lên 1.000 con trong vài tháng nữa. Những ai có nhu cầu nuôi thử và cần tư vấn, nhất là cựu chiến binh và nông dân nghèo, lúc nào tôi cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ".
NGUYỄN VĂN LUẬN/NDDT
Tin đã đăng
- Thu nhập 1,8 tỷ đồng/năm nhờ nuôi bò sữa
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng quê Lệ Thủy
- Nữ luật sư gốc Việt làm chánh án toà liên bang Mỹ
- Thủ lĩnh của công nhân
- Nữ doanh nhân gắn với định mệnh sữa
- Câu chuyện về thành phố có 7.000 nghìn tỷ phú
- 38 doanh nhân trở thành đại biểu Quốc hội
- Hai chị em họ Đặng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII
- Ông Đặng Thành Tâm nhận Huân chương Lao động hạng nhất
- Chiến lược 3G của Vũ Minh Trí