itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / “Quỹ tín dụng” của dì Năm Cua

“Quỹ tín dụng” của dì Năm Cua

Là nông dân chân lấm tay bùn từng chịu nhiều nghiệt ngã, nhưng với ý chí phi thường, người phụ nữ của quê hương Đồng Khởi đã vượt qua số phận, vươn lên làm giàu, trở thành “bà đỡ” cho người nghèo, góp công lớn làm thay da đổi thịt cả một vùng quê lam lũ.

VƯƠN LÊN TỪ ĐỒNG ĐẤT QUÊ NHÀ
Tới bến phà Cầu Ván, huyện Thạnh Phú, hỏi đường tới nhà bà Lê Thị Ru, anh thanh niên địa phương mau mắn: “Dì Năm Ru nuôi cua phải không? Qua phà tui chở tới nơi cho”. “Anh biết nhà bà Năm hả?” - Tôi hỏi lại cho chắc. “Dì Năm thì cả vùng này ai chẳng biết! Bả nổi tiếng nuôi cua giỏi và làm từ thiện giúp bà con nghèo” - anh trả lời.

Với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười thật tươi, dì Năm đon đả ra đón khách. Đưa tay áo lau vết bùn trên mặt, dì nói như thanh minh: “Đang ngồi trói cua với mấy đứa, sình văng tùm lum”. Thấy tôi đảo mắt quanh căn nhà khang trang với nhiều tiện nghi đắt tiền, đoán được ý khách, dì giải thích: “Cũng là nhờ con cua cả đấy, nếu không thì cơm cũng chẳng có ăn, nói chi đến cuộc sống khá giả”.
Dì Năm là người cố cựu ở vùng đất nhiễm phèn Giao Thạnh. Thời chiến tranh nơi đây là trọng điểm ác liệt nên dân di tản khắp nơi, sau giải phóng kéo nhau về thì chỉ là vùng hoang vu. Chồng là thương binh cụt một chân, đi lại khó khăn, không thể lội ruộng, vết thương lại hay tái phát gây đau đớn nên mọi việc nặng nhọc dồn lên đôi vai vợ. Để kiếm gạo nuôi con dì Năm không ngần ngại buôn bán từng cọng hành, trái ớt, củ khoai... “Hồi đó nghèo đến nỗi mấy năm trời không dám đi đám tiệc bởi chẳng có bộ đồ lành lặn, sợ người ta cười. Đôi bông tai má cho hồi đi lấy chồng thường ở tiệm cầm đồ nhiều hơn ở nhà” - Dì Năm nhớ lại thuở cơ hàn. Tuy nhiên với bản tính ham học hỏi và không khuất phục trước đói nghèo, thấy ai làm gì ra tiền dì đều tìm đến học theo, từ việc làm tôm khô mang ra chợ bán, đến nấu rượu, nuôi heo, chưa kịp khá lên thì vô tình biến chồng thành “hũ hèm” nên dì treo nồi bỏ nghề.

Con cua vùng Thạnh Phú từ lâu đã nổi tiếng, nhiều người đánh giá còn ngon hơn cả cua Cà Mau, thương lái khắp nơi đổ về lùng mua. Của thiên nhiên đánh bắt mãi cũng cạn kiệt, giá cả ngày càng đắt đỏ. Trong lần gặp nhóm lái cua ở Hà Tiên, dì Năm nghe lỏm chuyện vỗ béo cua thịt, chợt nảy ra ý tưởng vươn lên thoát nghèo từ chính đặc sản quê mình.
Thế là không bỏ qua cơ hội, dì năn nỉ họ chỉ lại kỹ thuật nuôi cua. Từ đây, vốn liếng tích cóp được, dì dốc ra thuê người đào ao, xây bể và mua cua gầy của người dân bắt được đem về nuôi. Đã lăn lộn quanh năm với ruộng đồng, tập tính con cua chẳng xa lạ gì, cộng với đức tính chịu khó nên sau một thời gian nuôi, đúc rút kinh nghiệm, dì Năm đã nắm vững kỹ thuật vỗ béo cua thịt. Cua mập, chắc, khỏe, to đều, thương lái biết tiếng đến đặt hàng đưa lên Sài Gòn tiêu thụ và xuất khẩu. Có tiền, dì mở rộng quy mô, xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị..., thời cao điểm mỗi ngày vựa cua của dì Năm xuất bán hơn một tấn, doanh thu hàng chục triệu đồng. Thành công từ việc nuôi cua giúp gia đình vươn lên làm giàu và dì trở thành gương nông dân sản xuất giỏi, nhiều lần đi báo cáo điển hình ở cấp tỉnh và trung ương. Cũng từ đây người nghèo khắp nơi kéo đến học hỏi cách làm của dì.

CHO VAY NẶNG... NGHĨA
Không giống nhiều người sau khi giàu có, hưởng cuộc sống sung sướng thì quên đi quá khứ, dì Năm bộc bạch: “Mình là nông dân từng trải qua nhiều cơ cực, nay nhờ đi đúng hướng mà khá giả. Thế nên giúp ai thoát được nghèo là mình sẵn sàng, hơn nữa cũng toàn anh em thân tình, người làng nước với nhau, tính toán làm chi”. Nhờ tấm lòng thơm thảo của dì Năm mà hàng trăm người nghèo đã vươn lên. Nhiều người tìm đến với hai bàn tay trắng, dì vui vẻ cho mượn tiền về làm bể, bày vẽ kỹ thuật, sau đó lại cấp giống cho về nuôi, khi cua đủ chuẩn dì mua lại theo giá thị trường. Chừng 20 ngày một lứa cua, mỗi ao chỉ vài chục mét vuông, lời từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng, nhờ vậy nhiều gia đình khá lên trông thấy. Những mái nhà lá lụp xụp dần được thay thế bằng mái tôn, tường xây khang trang. “Người này mách người kia, thậm chí không quen biết cũng tìm đến xin học nghề, sau đó mới thú thật là không có vốn. Đã giúp thì giúp cho trót, mình lại cho họ vay tiền...” - Dì Năm kể lại. Có lúc số người mượn lên đến gần 200, tổng cộng trên 350 triệu đồng và 250 chỉ vàng. Ngoài ra vựa cua của dì Năm còn tạo việc làm cho nhiều lao động, vào mua rộ có khi lên đến vài ba chục nhân công với mức thu nhập không thua những người rời quê đi làm trong các cơ quan, xí nghiệp ở thành phố. Anh Trần Văn Vịnh làm công cho dì Năm, lấy được vợ là chị Trịnh Ngọc Du cũng nhờ làm ở vựa cua này. Sau thời gian tích cóp, đến nay hai vợ chồng đã mua được hơn một hécta đất làm hồ nuôi tôm, cua, thu nhập mỗi vụ hàng chục triệu đồng. Anh Vịnh cho biết: “Dì Năm rộng rãi lại có tính thương người, thấy ai nghèo khổ là sẵn sàng chia sẻ. Người ta cho vay lãi suất 5% đến 7%/tháng, còn dì không lấy lãi, khi nào khá giả thì trả”.

Không chỉ giúp người nghèo có vốn làm ăn, dì Năm còn là Mạnh Thường Quân ở địa phương, giúp đỡ các gia đình chính sách, xây nhà tình thương, tặng học bổng, xe đạp, sách vở cho học sinh, cho tiền người nghèo chữa bệnh, cứu trợ đồng bào bị thiên tai... Cả chục năm nay, sinh viên tình nguyện mùa hè xanh đến giúp xã đều được dì đón về nhà nuôi ăn ở miễn phí. Trước đây vùng quê Giao Thạnh ngăn sông cách trở nên không có điện, năm 1999 dì bàn với xã và điện lực huyện, rồi tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây trạm kéo điện vượt sông về, góp phần nâng cao cuộc sống, dân trí phát triển. Con đường trong ấp đi lại khó khăn, dì không ngần ngại tài trợ để sửa sang cho bà con, nhất là học sinh đi lại dễ dàng. Giờ đây nghề nuôi cua vỗ béo do dì đi tiên phong đã lan truyền khắp nơi, nhiều người đầu tư lớn kiếm bạc tỷ. Điều dì trăn trở hiện nay là việc đào ao nuôi tôm cua dạng thâm canh, sử dụng nhiều hóa chất tẩy rửa ao hồ, thức ăn công nghiệp nhiều chất độc hại khiến môi trường nước ô nhiễm, dẫn đến chất lượng con cua, tôm ngày càng giảm...
Tiễn tôi ra về, dì Năm nhắc đi nhắc lại: “Dì thế nào thì viết vậy, đừng nói quá bà con đọc họ cười cho”. Chiều muộn, trên chuyến xe tốc hành cuối cùng trong ngày, khi ngang qua cầu Hàm Luông, tôi bỗng nhớ đến nhạc phẩm bất hủ Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Những người phụ nữ kiên cường, bất khuất “...năm xưa đi trong đạn lửa, đi như nước lũ tràn về...” đã làm nên một Đồng Khởi lẫy lừng. Ngày nay, nơi xứ dừa có một người phụ nữ không khuất phục hoàn cảnh, đã làm cuộc “cách mạng” vươn lên làm giàu không chỉ cho riêng mình mà còn góp phần thay đổi diện mạo cả một vùng quê nghèo khó.

Theo CAO