itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Chứng khoán Mỹ rơi vào thế mất điểm

Chứng khoán Mỹ rơi vào thế mất điểm

Trong lúc thị trường đang hết sức mong manh, xuất hiện tin tức về những thương vụ có diễn biến tiêu cực đã khiến chứng khoán Mỹ lại rơi vào thế mất điểm.

Đầu tiên là việc triển vọng về vụ đại gia hoá chất Dow Chemical mua lại công ty Rohm & Haas Co đã mờ dần khi tình hình tài chính của Dow Chemical có vẻ sẽ không cho phép thực hiện vụ mua lại.

Việc ngay cả một đại gia công nghiệp tưởng chừng như miễn nhiễm trước đại dịch tài chính cũng gặp khó về ngân quỹ cho thấy, cuộc khủng hoảng tại Mỹ đã quá sâu rộng và không chừa một ai, không thể chống đỡ.

Rồi bất ngờ đêm qua, tỷ phú Mỹ Kirk Kerkorian (ảnh trên) tuyên bố bán sạch gần 5% cổ phần đang nắm giữ tại hãng xe lừng danh Ford, khiến cổ phiếu Ford ngay lập tức vượt lên dẫn đầu danh sách mất điểm, với 3% giá trị bị gọt ngay trong phiên.

Những thông tin đó tiếp tục phản ánh rõ nét vào thị trường, và chứng khoán Mỹ đêm qua tiếp tục có phiên mất điểm, cho dù các điểm sáng về cổ phiếu năng lượng cũng đã loé lên sau khi dầu tăng giá nhờ cuộc chiến Trung Đông đang diễn ra.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 31,62 điểm, tức 0,37%, xuống mức 8.483,93 điểm. Chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 3,38 điểm, tức 0,38%, xuống mức 869,42 điểm. Chỉ số Nasdaq dành cho các công ty công nghệ cao giảm 19,92 điểm, tức 1,3%, xuống mức 1.510,32 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm còn là do tác động từ dư âm những tin tức không tốt lành gần đây nhất - những tin tức đang tiếp tục khẳng định kinh tế Mỹ lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Cụ thể, mới vài ngày trước đây, số liệu mới nhất của Chính phủ Mỹ cho thấy doanh số bán nhà mới trong tháng vừa qua vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, số bán nhà mới giảm 13% trong tháng 11/2008, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1968 tới nay

Cùng lúc, Chính phủ cũng chính thức xác nhận nền kinh tế đã chịu mức suy thoái mạnh nhất kể từ năm 2001 tới nay. Các dự báo cho thấy nền kinh tế này đang trên đường hoàn tất chuỗi suy thoái mạnh nhất kể từ Đại suy thoái 1929 - 1933.

Trong khi đó thì giới đầu tư đang lo ngại rằng gói cứu trợ và thời gian cứu trợ mà chính phủ Mỹ dành cho các đại gia xe hơi nước này là không đủ để trục vớt các con tàu đang chìm này.

Đi cùng với đó còn có những lo ngại về lợi nhuận của các công ty lớn trên toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm trong quý 4 và quý 1 năm 2009.

Trong khi đó thì Phố Wall vẫn còn dó những lo lắng về 1 nền kinh tế đang lún sâu vào khủng hoảng và liệu kế hoạch trước mắt cũng như chặng đường khôi phục kinh tế sau này của ông Barack Obama có trở thành hiện thực và hiện thực được bao nhiêu thì vẫn cần phải cần nhiều thời gian mới có câu trả lời.

Về biện pháp đối phó thì nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng sau những biện pháp mạnh mẽ táo bạo vừa qua thì Fed - cũng như chính quyền Mỹ - gần như đã tung sạch mọi con bài có thể của mình. Và nếu nay mai có việc gì với kinh tế Mỹ thì liệu Fed có còn con bài nào không sẽ là một vấn đề đáng lo ngại. Nhiều người bắt đầu hồ nghi khả năng Fed đã "hết bài". Lo ngại đó lại đè nén tâm lý phố Wall nhiều ngày qua.

Trương Định (Theo New York Times, Bloomberg)