itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đầu tư đất nông nghiệp ở nước ngoài

Đầu tư đất nông nghiệp ở nước ngoài

Ruộng ở Philippines

Đầu tư đất nông nghiệp ở nước ngoài - một xu hướng mang tính chất toàn cầu và cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng đầu tư đất nông nghiệp ở nước ngoài là một hình thức “thôn tính đất đai” để lấy đi nước và những vùng đất màu mỡ của người dân địa phương. Trong khi đó một số người lại cho rằng việc đầu tư này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân ở các nước nghèo – nơi mà đất trồng trọt nông nghiệp và nước dư thừa.

Xuất ngoại thuê đất nông
Một công ty liên doanh Trung Quốc (TQ) – Kazakhstan và hơn 3.000 nông dân TQ đã được giao cho một nông trường với diện tích hơn 7.000ha thuộc vùng Alakol sát biên giới 2 nước Kazakhstan và TQ để trồng trọt và khai thác đậu nành.
Nông dân TQ ồ ạt tiến vào những vùng đất nông nghiệp của Kazakhstan với những thiết bị hiện đại. Vùng Ili, TQ, sát biên giới Kazakhstan có đến 1,7 triệu nông dân nhưng chỉ có 267.000ha đất nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp TQ, đến năm 2015, sản lượng đậu nành của nước này đạt khoảng 20 triệu tấn, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của nước này hàng năm.
Đối với một nước đông dân như TQ, đất nông nghiệp đang rất cạn kiệt, thì các vùng đất rộng lớn chưa được khai thác quả là hấp dẫn, do vậy TQ luôn để mắt đến những vùng đất nông nghiệp ở các nước khác. Nước Nga cũng nằm trong tầm ngắm của TQ khi nước này có đến 20 triệu ha đất nông nghiệp chưa được khai thác hết, đất đai màu mỡ, giá đất lại thấp. Theo ước tính, hiện có khoảng 400.000 - 700.000 nông dân TQ đã di cư và sinh sống tại Nga. Tháng 11-2008, 420.000 tấn đậu nành thu hoạch được từ những nông trường liên doanh TQ – Nga trên đất Nga đã được xuất khẩu sang TQ.
IFPRI (Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế) ước tính có tới 15-20 triệu ha đất đã được mua hoặc đang ở trong tình trạng được rao bán, con số này tương đương với 25% diện tích đất nông nghiệp của toàn châu Âu và có giá trị khoảng 20-30 tỷ USD, gấp 10 lần khối viện trợ nông nghiệp khẩn cấp, lớn gấp 15 lần quỹ dành cho an ninh lương thực của chính quyền Mỹ, được các nước TQ, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước vùng Vịnh đầu tư, 1/4 các dự án là để canh tác phục vụ cho nông nghiệp.
Theo IFPRI, TQ đã từng thuê đất sản xuất lương thực ở Cuba và Mexico từ 10 năm trước và nay họ đang đổ bộ mạnh mẽ vào châu Phi thuê đất. TQ cũng đang nỗ lực hoàn tất thương vụ mua hơn 1 triệu ha đất trồng lúa ở Philippines. TQ cũng đã giành được hợp đồng trồng cọ với diện tích 2,8 triệu ha ở Congo.
Hiện TQ đang đàm phán để phát triển nhiên liệu sinh học trên diện tích đất 2 triệu ha tại Zambia và họ cũng đang sở hữu các trang trại sản xuất trứng, chiếm đến 1/4 sản lượng trứng ở thủ đô Lusaca. Theo ước tính sẽ có khoảng 1 triệu lao động TQ sẽ đến châu Phi làm việc trên các diện tích đất thuê được trong năm nay – một con số mà theo các nhà lãnh đạo châu Phi là “một thảm họa”.
Các nước vùng Vịnh hiện cũng sở hữu và kiểm soát đất nông nghiệp lớn nhất ở châu Phi. Năm 2008, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã ký kết thuê 324.000ha đất nông nghiệp của Pakistan. 500.000ha đất của Tanzania đã bị Saudi Arabia thâu tóm và Qatar cũng đã có trong tay diện tích không nhỏ đất nông nghiệp của Indonesia, Philippines, Bahrain, Myanmar.
Tập đoàn Daewoo Logistics Co. (Hàn Quốc) đã thâu tóm được 1,4 triệu ha đất ở Madagascar với kế hoạch sản xuất 4 triệu tấn ngô và 500.000 tấn dầu cọ mỗi năm. Xứ Hàn cũng đang đầu tư vào 690.000ha đất nông nghiệp ở Sudan.
Kuwait đã đồng ý cho Campuchia vay 546 triệu USD cho sản xuất nông nghiệp. Campuchia cũng đang đàm phán với Qatar, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia về các dự án nông nghiệp, trong đó có nhượng đất. Nếu tất cả các dự án này thành công Campuchia có thể nhận được ít nhất 3 tỷ USD.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn ở châu Âu cũng ồ ạt tiến vào các nước đang phát triển thuê đất để trồng các loại cây sản xuất nhiên liệu sinh học. Năm 2008, Công ty Alpcot Agro của Thụy Sĩ đã sở hữu 10.000ha đất ở Đông Siberia. Morgan Stanley – một ngân hàng Mỹ - cũng đã mua 40.000ha đất của Ukraine vào tháng 3-2009.
Đôi bên cùng có lợi?
Các thương vụ mua bán đất đai thật ra không phải là vấn đề mới nhưng giờ nó có những đặc tính khác biệt chưa từng thấy: có quy mô lớn hơn trước rất nhiều, thường là những vụ mua bán đất từ vài trăm đến vài triệu hécta; cấp độ mua bán đất trước đây chỉ diễn ra giữa tư nhân với tư nhân, giờ đây hầu hết là các thỏa thuận cấp chính phủ. Người mua là các công ty, các thể chế tài chính và các quỹ có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và người bán là chính phủ các nước chủ quản. Người ta mua đất ngoài việc trồng cây công nghiệp, họ còn sản xuất lương thực hay các loại nông sản có thể chế cất thành cồn hay xăng, sản xuất nhiên liệu sinh học.
Đầu năm 2009, Saudi Arabia đã tổ chức một lễ nhận gạo, một phần của vụ mùa đầu tiên được trồng theo sáng kiến về đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài. Vụ lúa này được đầu tư tại Ethiopia, nơi các nhà đầu tư Arập chi 100 triệu USD để trồng lúa mì, lúa mạch và các loại lúa khác. Các nhà đầu tư đến từ Arập được miễn thuế trong vài năm đầu và có thể xuất khẩu toàn bộ sản lượng thu hoạch về nước mình.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) lại đang phải chi một khoản tiền khoảng 116 triệu USD để cung cấp 230.000 tấn lương thực hỗ trợ cho 4,6 triệu dân Ethiopia trong giai đoạn 2007-2011 khi mà giặc đói đang đe dọa người dân ở đây.
Chương trình của Saudi Arabia chỉ là một ví dụ của xu hướng: các nước giàu dư tiền nhưng thiếu đất, nhập khẩu lương thực đang được sản xuất tại các quốc gia nghèo có đất thừa nhưng thiếu tiền.
Những người ủng hộ các thỏa thuận như vậy cho rằng họ đã được cung ứng hạt giống mới, công nghệ và tiền cho phát triển nông nghiệp. Những người phản đối cho rằng đây là hình thức “chiếm đất” của các nước giàu.
GRAIN, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Barcelona, kết luận rằng các nước giàu đang mua lại chất màu của đất, nước và ánh nắng mặt trời của các nước nghèo để chuyển thực phẩm và nhiên liệu về quê nhà.
Nguyên nhân và hệ lụy

Theo báo cáo của IFPRI: “Sức ép tăng lên từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự khan hiếm nước, những biện pháp hạn chế xuất khẩu mà các nước sản xuất chủ chốt đưa ra khi giá lương thực lên cao, và sự mất lòng tin ngày càng tăng về chức năng hoạt động của các thị trường khu vực và toàn cầu đã thúc đẩy các nước thiếu đất và thiếu nước tìm kiếm những biện pháp sản xuất lương thực thay thế”.
Theo các chuyên gia kinh tế, số người thiếu ăn trên thế giới đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, năm 2009, con số này có thể lên tới 1 tỷ người. Theo đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp bền vững để tránh nạn đói, là chìa khóa đảm bảo an ninh lương thực cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Các thỏa thuận đất đai chính là phản ứng đối với sự rối loạn của thị trường lương thực. Từ đầu năm 2007 cho tới giữa năm 2008, chỉ số thực phẩm theo Tạp chí Nhà kinh tế đã tăng 78%; đậu nành và gạo đều tăng 130%.
Các loại thỏa thuận này sẽ đẩy những người nông dân từ các vùng nông thôn tràn vào các thành phố, nơi mà cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu, họ sẽ gia nhập vào đội ngũ những người thất nghiệp. Tình trạng này sẽ bùng phát mạnh mẽ ở các quốc gia có tỷ lệ nông dân mất ruộng đất cao, nơi cứ 10 nông dân thì có 7 người mất ruộng.
Nếu môi trường biến đổi do con người chặt phá rừng để trồng các loại cây công nghiệp, nhiều quốc gia có thể sẽ đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Các vùng đất đang được các nước giàu nhắm đến thường là nơi những nhà nông bản địa cày cấy, chăn nuôi chăn thả gia súc qua nhiều thế hệ. Quyền sở hữu của họ được chấp thuận ở cấp địa phương, theo “lệ làng” nhưng lại không được chấp thuận bởi “phép nước”. Đó chính là nguyên nhân của những xung đột khiến nhiều dự án không thể thực thi.
Theo báo chí, hợp đồng thuê 1,4 triệu ha đất ở Madagascar với Tập đoàn Daewoo Logistics Co. (Hàn Quốc) để trồng bắp và dầu cọ là nguyên nhân quan trọng trong các cuộc xung đột chính trị dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền năm 2009.

Theo Sài Gòn Giải Phóng