itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Chính trường Nepal căng thẳng

Chính trường Nepal căng thẳng

Ủng hộ đảng CS Nepal-M tại Kathmandu

Ngày 14-10, cuộc gặp giữa Thủ tướng Nepal P.Koirala và thủ lĩnh đảng CS Nepal-M (CPN-M) Pranchanda thảo luận về hệ thống bầu cử và thuyết phục CPN tham gia trở lại Chính phủ lâm thời (CPLT) đã thất bại.

Ngày 14-10, phiên họp khẩn cấp của QH lâm thời (QHLT) Nepal thảo luận về số phận nền quân chủ và đề nghị của Ðảng CS Nepal-M (CPN-M) đã phải kết thúc trước hai ngày so với dự định. QHLT của Liên minh bảy đảng (SPA) và CPN-M không đạt được sự nhân nhượng nào.

Cùng ngày, cuộc gặp giữa Thủ tướng Nepal P.Koirala và thủ lĩnh CPN-M Pranchanda thảo luận về hệ thống bầu cử và thuyết phục CPN tham gia trở lại Chính phủ lâm thời (CPLT) đã thất bại.

Trước đó, ngày 5-10, CPLT Nepal phải tuyên bố hoãn tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu QH, theo kế hoạch vào ngày 22-11 tới, vì SPA và CPN-M chưa tháo gỡ được bế tắc chính trị.

Ðây là lần thứ hai (lần trước dự định vào tháng 6-2007), cuộc tổng tuyển cử bầu QH hợp hiến quyết định tương lai hệ thống chính trị của quốc gia Nepal đã bị hoãn vô thời hạn. Những tin tức gần đây phát đi từ Thủ đô Kathmandu là điều không tốt lành đối với tiến trình chính trị Nepal, đặt tiến trình hòa bình của nước này trước nguy cơ đổ vỡ.

Giữa tháng 9 vừa qua, CPN-M, đảng chính trị lãnh đạo lực lượng nổi dậy đã rút ra khỏi CPLT, để tẩy chay cuộc tổng tuyển cử, do đề nghị không được thỏa mãn làm nền hòa bình non trẻ, nền dân chủ nhân dân đang hình thành ở Nepal trở nên mong manh.

Tiến trình hòa bình và dân chủ của Nepal hình thành cuối năm 2005, sau khi SPA được thành lập trong cuộc đấu tranh chính trị đòi Quốc vương Nepal Gyanendra chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, từ bỏ quyền điều hành đất nước.

Sau tuyên bố đơn phương ngừng bắn của CPN-M tháng 9-2005 và cuộc đàm phán bí mật tại New Delhi (Ấn Ðộ), giữa SPA và CPN-M đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập liên minh thực hiện tiến trình tái lập nền dân chủ và chấm dứt nội chiến ở Nepal. Ngày 24-11-2005, tại thủ đô Kathmandu SPA và CPN-M công bố thỏa thuận chung gồm 12 điểm giải quyết bằng biện pháp hòa bình cuộc xung đột vũ trang do CPN-M lãnh đạo từ năm 1996 (đã làm 13 nghìn người chết) đòi lật đổ chế độ phong kiến xây dựng Nhà nước CH, CPN-M chấm dứt hoạt động vũ trang, tham gia tiến trình chính trị của đất nước.

Do áp lực chính trị của các lực lượng đối lập lãnh đạo cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân tháng 4-2006, Quốc vương Gyanendra phải lập lại QHLT, trao lại quyền điều hành đất nước cho CPLT.

CPLT mới của Nepal gồm đại diện của SPA và CPN-M được thành lập ngày 1-4 vừa qua theo Hiệp định hòa bình toàn diện giữa SPA và CPN-M ký ngày 21-11-2006.

Chính phủ này có nhiệm vụ điều hành đất nước trong thời kỳ chuyển tiếp, từ chiến tranh sang hòa bình, từ quân chủ sang CH. CPLT tiến hành tổng tuyển cử bầu QH mới để lập QH và Chính phủ hợp hiến của Nepal. CPLT gồm 26 bộ trưởng, 20 ghế của sáu đảng trong SPA và sáu ghế của CPN-M.

Trong SPA, Ðảng Công nhân và Nông dân Nepal (NWPP) cánh tả, không tham gia CPLT; Ðảng Quốc đại Nepal (NC) trung hữu, giữ sáu ghế; Ðảng CS Nepal Thống nhất (CPN-UML) giữ sáu ghế; Ðảng Quốc đại Nepal Dân chủ (NC-D) trung dung, giữ năm ghế; ba ghế còn lại giành cho ba đảng khác là Mặt trận cánh tả, Mặt trận nhân dân cánh tả và Ðảng NSP. Như vậy trong CPLT là chính phủ trung-tả gồm 14 bộ trưởng của các Ðảng CS và cánh tả, sáu bộ trưởng của phái trung dung, Thủ tướng P.Koirala làm cùng sáu bộ trưởng thuộc phái trung hữu. Trước đó, theo Hiệp định hòa bình toàn diện, Hội đồng Hiến pháp (NCC) đã được thành lập để soạn thảo Hiến pháp mới; thành lập QHLT; lập Ủy ban bầu cử (CEC) chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử bầu QH lập hiến.

QHLT với 330 ghế, trong đó Ðảng Quốc đại (NC) đảng lớn nhất ở Nepal, giữ 75 ghế, CPN-UML và CPN-M mỗi bên giữ 73 ghế, số ghế còn lại sẽ được chia cho năm đảng còn lại trong SPA.

Thời gian qua, trong QHLT và CPLT Nepal sự hợp tác giữa CPN-M với SPA đã đạt được những bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng hòa bình và dân chủ cho đất nước. Thực thi Thỏa thuận giải giáp, đã khai báo, tập trung quân đội và vũ khí dưới sự kiểm soát của LHQ từ cuối năm 2006. QHLT khai mạc đại hội ngày 15-1-2006 để thảo luận bản Hiến pháp tạm thời do NCC đệ trình, trong đó tuyên bố mọi quyền lực thuộc về nhân dân, các quyền tự do cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ; Nepal cam kết tuân thủ công ước nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo, tự do phát ngôn, tự do tôn giáo và quyền được sống của mọi người; lấy ngày 15-1, là ngày Quốc khánh; tuyên bố Nepal là Nhà nước CH liên bang dựa trên nền tảng chính trị dân chủ nhân dân.

Quốc vương bị tước quyền lập pháp, bổ nhiệm, chỉ huy quân đội, được miễn trừ pháp lý, quyền miễn thuế và quyền chỉ định người kế vị, ông chỉ còn là "ông hoàng làm lễ tân". QHLT còn kêu gọi Quốc vương thoái vị. Tuy nhiên Hiến pháp mới của Nepal chỉ có hiệu lực sau khi QH được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử thông qua.

Trong QHLT và CPLT nổ ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa CPN-M và CP chung quanh vấn đề thành lập nước CH và hệ thống bầu cử, được cô đọng trong yêu sách 22 điểm của CPN-M. CPN-M yêu cầu QHLT tuyên bố ngay lập tức việc bãi bỏ nền quân chủ đã trị vì đất nước, thành lập ngay Nhà nước CH nhân dân và hệ thống bầu cử theo tỷ lệ, tăng số lượng các khu vực bầu cử tại những vùng đồng bằng bất ổn ở miền nam, khu vực tập trung một nửa tổng số dân toàn quốc, sẽ có một nửa số ghế trong QH lập hiến.

Báo cáo chi tiết về những vụ mất tích, và trả tự do cho những người bị bắt giữ vì lý do chính trị. Nếu không có đáp ứng tích cực CPN-M rút khỏi CPLT và tẩy chay tổng tuyển cử. CP đã tuyên bố từ bỏ hậu thuẫn đối với Quốc vương, ủng hộ việc bãi bỏ chế độ quân chủ và tuyên bố Nepal là một nước CH. Nhưng CP cho rằng, QH lập hiến mới quyết định về tương lai của hoàng gia và đất nước.

Trong những ngày qua, hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra ở các TP lớn của Nepal phản đối trì hoãn tổng tuyển cử. Tại Thủ đô

Kathmandu, các biểu tượng của hoàng gia bị đập phá, đòi hỏi các đảng phái chính trị nhanh chóng nhân nhượng để bảo vệ nền hòa bình. Chính trường Nepal đang diễn biến phức tạp, tiến trình hòa bình, dân chủ ở Nepal đang chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro khó lường.

Bùi Căn