itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Dân di cư với giấc mơ thành người Trung Quốc

Dân di cư với giấc mơ thành người Trung Quốc

Ngày càng có nhiều người di cư trên thế giới hướng tới phương Đông hơn là phương Tây để tìm kiếm sự an toàn, lòng khoan dung và những cơ hội.

Trong hơn ba năm, Khaled Rasheed và gia đình đã có nhiều đêm sống trong sợ hãi khi bom liên tục phát nổ ở cạnh ngôi nhà họ tại Baghdad. Cũng giống như những thế hệ người di cư trước, anh mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng đó sẽ là nơi nào?

Tìm một nơi an toàn là ưu tiên hàng đầu của Rasheed nhưng việc không có thành kiến với đạo Hồi và viễn cảnh kinh doanh phát đạt cũng là điều quan trọng. Và cũng không lâu sau, anh đã tìm ra một nơi lý tưởng có đủ mọi thứ anh cần. Đó là Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều người di cư trên thế giới coi Trung Quốc - chứ không phải Mỹ - là mảnh đất của những cơ hội vô tận, nơi doanh nghiệp tư nhân được đề cao và lòng khoan dung cho tất cả. "Ở Trung Quốc, cuộc sống thật tốt đẹp với chúng tôi. Lần đầu tiên trong thời gian dài, cả gia đình tôi đều thấy rất hạnh phúc", Rasheed, 50 tuổi, vào tháng 2 năm nay đã cùng vợ và năm người con tới Nghĩa Ô, một thành phố thương mại cách Thượng Hải khoảng bốn giờ đi xe về phía nam.

Mặc dù Trung Quốc không chính thức khuyến khích nhập cư, nhưng lại tạo ra nhiều thuận lợi để gia tăng người nhập cư - đặc biệt là với doanh nhân hoặc những ai mang theo giấc mộng kinh doanh và tiền mặt theo cùng (ví dụ như cấp visa dài hạn). Thông thường, thủ tục chỉ cần một lá thư mời từ công ty địa phương hay phải trả môi giới chừng 500USD để làm việc này.

Hiện nay có hơn 450.000 người nhập cư tại Trung Quốc có giấy phép lưu trú từ 1-5 năm, gần gấp đôi với con số 230.000 người năm 2003.

Vọng Kinh, khu vực ở phía bắc Bắc Kinh trở thành một ’’Koreatown’’, với đầy đủ cửa hàng tạp phẩm, trường học, nhà thờ, bar, quán karaoke và thậm chí còn có nhật báo riêng hàng ngày. Cách đó vài kilomet, trong công viên Nhật Đàn của thành phố, là những biển hiệu chữ Cyrillic và những người bán dạo nói tiếng Nga, hào hứng đón chào những người đến từ Liên Xô cũ. Nghĩa Ô, một thành phố phía đông tỉnh Chiết Giang, có thể được xem là thị trường bán buôn lớn nhất thế giới, "Phố nước ngoài’’ đèn sáng thâu đêm với những xe bán thịt nướng nghi ngút khói, chè đường, điếu ống đủ màu dành cho các khách hàng người Ảrập.

Chính phủ Trung Quốc đã cho phép người Hồi giáo tái thiết những trụ sở của mình. Các trường học đạo Hồi được mở cửa, những học giả Hồi giáo được khuyến khích ra nước ngoài học tập nghiên cứu. "Ở Mỹ, với nhiều người, tôn giáo của chúng tôi có thể bị coi là có rất lắm vấn đề’’, Adamou Salissou, 25 tuổi từ Niger cho biết. "Người Trung Quốc không như vậy, họ nghĩ mỗi người có đức tin riêng’’.

Giành được một suất học bổng từ Chính phủ Trung Quốc, Salissou đang học cao học ngành hóa sinh ở Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Em của Salissou là Nour Mahamane, 23 tuổi cũng theo gương anh và hiện đang học cao học ngành hóa dầu ở Thượng Hải.

Những nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực như Nghĩa Ô thường được hưởng nhiều ’’đặc quyền’’ hơn những nơi khác. Thống kê chính thức cho thấy, có khoảng 20.000 người di cư Hồi giáo ở đây, trong số đó có 1.000 người đến từ Iraq. "Cảm giác quan trọng là họ được tự do ở nơi này’’, Mã Xuân Trình, một tu sĩ Hồi giáo nói. "Mọi người đều mua căn hộ riêng và ô tô, họ muốn có cuộc sống tốt đẹp ở đây’’.

Moatasem Anwar và gia đình đang sống và kinh doanh ở Nghĩa Ô, Trung Quốc.

Khi lần đầu tiên tới Nghĩa Ô năm 2001, Mã Xuân Trình kể lại mới chỉ có khoảng 100 người trong giáo đoàn của ông. Những buổi tế lễ cầu nguyện thường được tổ chức trong căn phòng thuê của khách sạn. Ngày nay, đã có hơn 8.000 người tham gia buổi cầu nguyện vào thứ Sáu được tổ chức trong một nhà thờ Hồi giáo mới xây dựng trong thành phố.

Việc học tập ở Trung Quốc, kinh doanh với người Trung Quốc đã trở thành đích đến của nhiều người di cư. Moatasem Anwar là một ví dụ. Là con út trong gia đình có 12 con, Anwar lớn lên trong cảnh nghèo nàn. Gia đình anh kiếm sống bằng nghề bán quà vặt ở trong khu chợ tại Irbil.

Anwar tới Trung Quốc tháng 10/2003. Ngay từ lúc đặt chân tới sân bay, anh đã nghĩ ’’tôi sẽ nhanh chóng trở lại’’. Gia đình Anwar bắt đầu kinh doanh bằng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Dần dần, gia đình anh có một cửa hiệu tại Irbil, rồi nhanh chóng xây dựng thêm 10 cửa hiệu nữa, thậm chí họ còn có một xưởng sản xuất và năm nhà kho. "Bây giờ, chúng tôi còn thuê người khác làm việc cho mình’’, Anwar nói. Gia đình anh đã mở công ty riêng, Công ty Kinh doanh al-Sabeel.

Anwar, 29 tuổi đã có đủ tiền để cùng vợ là Bala Barzam, 27 tuổi tới Trung Quốc. Kế hoạch của anh là gửi hai con Sava, 2 tuổi và Ahmad, 8 tháng tuổi vào một trường học Trung Quốc. Anh trai Anwar, hai người em họ cùng gia đình đều đã theo chân Anwar tới Nghĩa Ô.

Rasheed, từng ở Baghdad cũng có một tương lai tốt đẹp tại Trung Quốc. Khi anh nói với các con sẽ tới đại lục, tất cả đều òa khóc, họ không muốn rời bỏ nhà mình. Nhưng chỉ trong 8 tháng, anh kể lại, cuộc sống đã trở nên thích hợp và thoải mái. "Tôi muốn hòa bình, tôi không muốn nghe thấy tiếng bom và sống trong sợ hãi’’, Rasheed nói. ’’Ở Trung Quốc, nếu bạn là người nước ngoài, bạn có thể được đối xử ngang bằng thậm chí tốt hơn người bản xứ’’.

Kỳ Thư (Theo Washingtonpost)