itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Nhu cầu năng lượng tăng mạnh bất chấp giá dầu cao

Nhu cầu năng lượng tăng mạnh bất chấp giá dầu cao

Nhà máy năng lượng hạt nhân ở Cattenom, nước Pháp (Nguồn: http://www.commons.wikimedia.org)

Chính phủ Hoa Kỳ dự đoán rằng mặc dù giá dầu tăng vọt nhưng nhu cầu năng lượng thế giới và khí thải cácbonic sẽ tăng khoảng 50% trong vòng hai thập niên tới, khi các nước đang phát triển trở thành những quốc gia giàu có tiêu thụ nhiều năng lượng.

“Mức tiêu thụ năng lượng trên thị trường thế giới được dự đoán tăng lên 57% kể từ năm 2004 đến năm 2030”, Cơ quan Quản trị Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết trong Báo cáo Tầm nhìn Năng lượng Quốc Tế 2008, được công bố hôm thứ Tư 25/6.

Khi đề cập đến Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) của các nước giàu có, báo cáo này nói rằng trong cùng một thời điểm, “tổng nhu cầu năng lượng tại các nước không thuộc OECD tăng lên 95%, trong khi đó nhu cầu tại các nước thuộc OECD chỉ tăng 24%”.

Báo cáo này nhìn nhận mức tiêu thụ năng lượng của thế giới tăng từ 47,9% vào 2005 lên tới 58,8% vào năm 2030.

Phòng thống kê của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nói rằng dầu và than đá – vốn là hai thủ phạm chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu vì khi được đốt, chúng sẽ thải khí cácbonic vào bầu khí quyển – sẽ tiếp tục thống lĩnh nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Với kết quả đó, và giả sử chẳng có biện pháp mới nào được ban hành để kiềm chế sự biến đổi thời tiết, thì số lượng khí cácbonic gây hiệu ứng nhà kính tuôn ra hàng năm từ việc sử dụng năng lượng sẽ tăng lên 51% trong vòng từ năm 2005 đến năm 2030.

Báo cáo này cho biết: “Nhu cầu năng lượng thế giới vẫn gia tăng mạnh mặc dù giá dầu thế giới liên tục leo thang và sẽ diễn ra trong một thời gian dài”. Báo cáo còn dự đoán giá dầu sẽ ở mức khoảng 113 đến 186 Mỹ kim/thùng.

Trong lúc giá xăng dầu trong dài hạn khó dự đoán thì, theo báo cáo này, các xu hướng hiện nay đều đồng tình giá dầu sẽ lên tới 183 Mỹ kim/thùng. Hôm 25/6, giá dầu thô dao động trong khoảng 137 Mỹ kim/thùng.

EIA còn cho biết việc tiêu thụ dầu thô tăng lên sẽ gây khốn đốn cho khu vực vận tải cũng như những nhà sản xuất điện buộc phải lệ thuộc nhiều vào than đá.

Theo bản báo cáo này, các nước đang phát triển sẽ chiếm phần nhiều nhu cầu năng lượng, đứng đầu là Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi. Các nhà máy thủy điện tại Châu Á có thể sẽ chiếm gần 3/4 trong khoảng 2% mức tăng trưởng hàng năm về nhu cầu tiêu thụ than đá trên toàn cầu.

EIA cho biết: “Với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự lệ thuộc liên tục vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, chắc chắn lượng khí thải cácbonic sẽ tăng lên tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Châu Á”.

Cơ quan này còn đánh giá nhu cầu xăng dầu và các loại nhiên liệu lỏng khác sẽ chiếm gần 1/3, nhiều hơn mức tiệu thụ hiện nay, tức là đến năm 2030 mức tiêu thụ sẽ là 113 triệu thùng/ngày. Lúc đó, dầu thô sẽ chiếm 40% thị phần nhờ vào sự gia tăng sản xuất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

EIA còn trông chờ vào các loại nhiên liệu lỏng thay thế – bao gồm dầu đá phiến, vốn gây tranh cãi về phương diện môi sinh, và nhiên liệu sinh học như ethanol, vốn góp phần đẩy giá thực phẩm tăng cao – sẽ tăng thêm cho nguồn cung khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu lỏng vào năm 2030.

Hoa Kỳ là nước chiếm gần một nửa mức sản lượng nhiên liệu sinh học toàn cầu. Nguồn năng lượng này ước tính sẽ tăng từ 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2010 đến 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2030, trong đó Hoa Kỳ sẽ tăng từ 500.000 thùng/ngày lên 1,2 triệu thùng/ngày trong cùng thời gian đó.

Nhu cầu về khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng cũng sẽ tăng lên, nhờ sản lượng gia tăng ở Trung Đông và Châu Phi.

EIA đánh giá năng lượng hạt nhân đứng đầu mức tăng trưởng từ các nguồn nhiên liệu thay thế cho đến nhiên liệu hóa thạch. Cơ quan này dự đoán rằng điện hạt nhân sẽ tăng thêm khoảng 1/3 vào năm 2030, và sẽ có 124 nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng. Trong đó, theo cơ quan này, khoảng 45 nhà máy ở Trung Quốc, 18 ở Nga, 17 ở Ấn Độ và 15 ở Hoa Kỳ.

Báo cáo của cơ quan này nói: “Điện do các nhà máy hạt nhân sản xuất ước tính sẽ tăng từ 2,6 nghìn tỷ kilowatt giờ (KWh) vào năm 2005 lên tới 3,8 nghìn tỷ KWh vào năm 2030. Những mối quan ngại về sự tăng giá nhiên liệu hóa thạch, an toàn năng lượng và khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ thúc đẩy việc phát triển sản xuất năng lượng hạt nhân mới”.

Báo cáo nhấn mạnh: “Những vấn đề có thể làm chậm sự phát triển năng lượng hạt nhân trong tương lai bao gồm sự an toàn của nhà máy, rác thải phóng xạ, và sự phát triển vũ khí hạt nhân vốn tiếp tục gây quan ngại tại nhiều nước và có thể gây cản trở cho sự phát triển của các lò phản ứng hạt nhân mới”.

“Thêm vào đó, các chi phí đầu tư và bảo trì tốn kém có thể ngăn cản một số nước triển khai các chương trình năng lượng hạt nhân”, báo cáo giải thích.

Lượng điện do các nguồn năng lượng tái sinh tạo ra sẽ tăng khoảng 2,1% mỗi năm. Hầu hết sự gia tăng này xuất phát không phải từ các nguồn tài nguyên, vốn được các nhà bảo vệ môi trường ủng hộ như mặt trời, gió hay bẫy nhiệt dưới bề mặt trái đất, mà là từ các đập nước mới cỡ trung và cỡ lớn tại Châu Á và Mỹ Latin.

Theo Nguyễn (Theo IPS)