itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / 40.000 tỉ đồng đầu tư nuôi trồng thủy sản

40.000 tỉ đồng đầu tư nuôi trồng thủy sản

Giai đoạn 1 của dự án (từ năm 2011 - 2015), mức vốn đầu tư khoảng 25.000 tỉ đồng và dự kiến cuối năm 2011 sẽ thực hiện ngay

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng mức đầu tư lên đến 40.000 tỉ đồng. Với đề án này, việc nuôi trồng thủy sản sẽ được tổ chức theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, đi vào chất lượng và công nghiệp hóa.

Kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỉ USD

Trong 40.000 tỉ đồng đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước 10%, vốn vay tín dụng 10%, vốn vay thương mại 50%, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân là 30%. Số vốn này sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: Từ 2011 - 2015 là 25.000 tỉ đồng và từ 2016 - 2020 là 15.000 tỉ đồng.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,6 triệu tấn, với diện tích 1,1 triệu ha và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ - 4 tỉ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 triệu tấn, với diện tích 1,2 triệu ha và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỉ - 5,5 tỉ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,5 triệu người.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN - PTNT) Chu Tiến Vĩnh cho biết việc đạt được mục tiêu sản lượng nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đến năm 2020 như đề án là không đơn giản; cần có sự nỗ lực hết sức từ khâu tổ chức sản xuất đến xây dựng thương hiệu, xây dựng và phát triển thị trường. Theo ông Vĩnh, bản đề án này sẽ tập trung vào 6 nhóm dự án cần ưu tiên. Trong đó, đáng chú ý là nhóm dự án đầu tư phát triển hệ thống giống thủy sản và nhóm dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, phòng trị bệnh và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Theo đó, sẽ hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản từ Trung ương đến các địa phương. Đến năm 2015, cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi; 70% giống cho các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể) là giống sạch bệnh. Phấn đấu đến năm 2020, 100% giống các đối tượng nuôi chủ lực đạt chất lượng cao, sạch bệnh...

Phát triển nuôi công nghiệp, bền vững

Mục tiêu chung của đề án là phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, mở rộng diện tích nuôi thâm canh, có năng suất cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi nuôi quảng canh sang hình thức bán thâm canh, thâm canh ở vùng bán đảo Cà Mau.

Nuôi công nghiệp ở các vùng ven biển, vùng đất cát, vùng châu thổ sông Hồng và ĐBSCL. Quy hoạch các loại nuôi chủ lực: cá, tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, rô phi, các loại cá bản địa có giá trị kinh tế cao, các loài rong biển, vi tảo và quy hoạch các vùng sản xuất giống tập trung. Xây dựng và áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi thủy sản lồng, bè. Phát triển nhanh ngành công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, bảo đảm sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững... Cụ thể, sẽ phát triển nuôi trồng sạch theo quy chuẩn quốc tế, áp dụng rộng rãi quy trình thực hành nuôi tốt (GAP); đồng thời đàm phán với các tổ chức quốc tế, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để nắm rõ quy trình sản xuất... và quảng bá chất lượng sản phẩm. Theo ông Vĩnh, từ thành công và khó khăn trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua như bài học về cá tra, tôm... cho thấy cần chọn con đường sản xuất “tinh”, không phát triển nóng. Đối với cá tra, cá ba sa, tôm, sẽ không phát triển thêm diện tích nuôi mà đi sâu vào phát triển bền vững, nuôi sạch, đúng quy chuẩn để giữ khách hàng lâu dài và nâng giá trị kinh tế trên sản phẩm thay vì chạy theo số lượng. Ngoài ra, cá rô phi, nghêu, nhuyễn thể là đối tượng nuôi sẽ phát triển trong thời gian tới do nhu cầu thị trường và tiềm năng nuôi các loài này rất lớn.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT đã phân công cho các đơn vị trực thuộc xây dựng những đề án cụ thể như: phát triển nuôi biển, nuôi cá rô phi, nhuyễn thể, tái cơ cấu nuôi tàu thuyền, quản lý cộng đồng... Dự kiến, cuối năm 2011, các đề án này sẽ hoàn thành và đi vào thực hiện ngay.

Theo NLĐ