itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Quán Miền Tây 5 sao ở London

Quán Miền Tây 5 sao ở London

Các tạp chí ẩm thực ở Anh có khung đánh giá mức độ hấp dẫn món ăn của các nhà hàng từ 1-5 sao. Một trong những quán ăn được xếp vào hạng 5 sao ấy là quán Miền Tây với gần 200 món Việt từ cá kho tộ, vịt nấu chao đến chả giò, rau muống luộc...

Tạp chí ẩm thực Time Out London khi đánh giá về quán Miền Tây không dùng nhiều mỹ từ mà chỉ viết đơn giản: “Khi dùng đến món cuối cùng và rời khỏi ghế ngồi, bạn sẽ cảm thấy mình đang rời khỏi nhà họ chứ không phải rời khỏi nhà hàng của họ”. Còn chúng tôi đã phải tự hỏi có gì lạ trong quán Miền Tây nằm ở đường Kingsland và Levender Hill, khi giữa mùa đông xứ sương mù rét buốt mà hàng chục khách Tây vẫn nhẫn nại đứng xếp hàng đợi đến lượt bước vào quán thưởng thức món ăn Việt Nam.

Gian nhà Việt ở London

Và lời ngợi ca của những tờ báo Anh lẫn sự nhẫn nại của những khách hàng ngoài kia có thể được giải đáp một phần ngay khi bước vào quán với một không gian Việt thấm đẫm ở Miền Tây. Không chỉ là bàn ghế mây tre nhỏ nhắn, những bức tranh đồng quê Việt Nam hay những xâu hành tỏi, mùi thức ăn thơm phức, mà điều ấn tượng nhất đến từ ông bà chủ Trần Văn Sử và Lê Thị Mỹ Lệ, với một thứ phương ngữ không lẫn vào đâu: “Hai cá gô khô tộ lẹ lên con. Thêm dĩa gau muống xào tỏi bàn số 5 nữa...”. Và giống như bao quán xá ở miền Tây Nam bộ, nhờ có máy sưởi, ông chủ quán Trần Văn Sử chỉ mặc chiếc áo thun lá cộc tay, khăn vắt ngang vai chạy lăng xăng hết bàn này tới bàn khác để hỏi han và trả lời thực khách về các món ăn Việt mà đến 95% là khách Tây.

Biết chúng tôi từ Việt Nam sang, ông bà chủ quán đã mời thưởng thức món vịt nấu chao. Nếu không có cái rét cắt da của London cùng những thực khách mắt xanh da trắng xung quanh, có khi chúng tôi sẽ tưởng đang ở đâu đó tại miền Tây Nam bộ của Việt Nam. Món vịt nấu chao với gia vị nhập từ Việt Nam, có đầy đủ rau muống, khoai môn và cách nấu mà theo anh Thân Văn Hải - giám đốc một công ty tổ chức sự kiện thể thao tại TP.HCM: “Đó là nồi vịt nấu chao ngon nhất mà tui từng được ăn”.

Lần giở thực đơn của quán Miền Tây, không chỉ có vịt nấu chao mà tới 184 món ăn rất Việt từ rau muống luộc, rau muống xào tỏi, canh chua, cá kho tộ, bánh xèo, bánh khọt, bún bò cho tới cà phê đá, trà đá, nước rau má... Ông bà chủ cho hay tất cả nguyên liệu đều được nhập từ Việt Nam, cấp đông và vận chuyển bằng đường hàng không, thời gian chỉ khoảng hai ngày nên chất lượng thực phẩm gần như tươi sống.

Đừng “hà tiện” với bản sắc

Đã có gần chục tờ báo và kênh truyền hình về du lịch, ẩm thực của Anh như Time out London, View, Evening Standard, Metro... viết bài quảng bá miễn phí và đánh giá Miền Tây là một trong những quán ăn châu Á ngon nhất ở London. Điều gì đã tạo nên hấp lực như vậy cho Miền Tây khi ở London có tới hơn 20 nhà hàng Việt và hàng trăm nhà hàng châu Á? Bà Mỹ Lệ nói bà không có bí quyết nào ngoài việc ráng nấu và ráng phục vụ cho thiệt miền Tây, giống những gì mà bà từng được sống và cảm nhận ở quê hương mình. “Tui có đi nhiều quán Việt Nam ở London và nơi khác, cũng là món ăn Việt đó nhưng nhiều nhà hàng cứ nấu cho giống giống món Tàu, thêm chút dầu mỡ, bài trí thêm lồng đèn, giấy đỏ. Nếu cứ bắt chước như vậy, “hà tiện” với bản sắc như vậy thì ban đầu dễ có khách nhưng rồi mai mốt họ chán...” - bà Lệ trăn trở.

Và trăn trở ấy đã đưa đến cho ông bà ý tưởng về một quán ăn đậm chất miền Tây vào đầu năm 2008. Ngày khai trương, ông Sử còn có một niềm hồ hởi khi chấm dứt 28 năm từ rửa chén lên phụ bếp rồi đầu bếp cho những nhà hàng Mã Lai, Nhật, Trung Quốc... khắp London. Bao nhiêu kinh nghiệm đi làm thuê và những trăn trở của một đầu bếp xứ miền Tây Việt Nam được ông Sử và bà Lệ gửi gắm vào quán Miền Tây. Và việc không tiếc tiền chăm chút cho một không gian Việt ở Miền Tây đã giúp quán thu hút được khách trong những ngày đầu tiên. Không may cho ông bà, chín ngày sau khi khai trương, cha bà Lệ mất và ông bà phải bay về Việt Nam thọ tang. Cái nghiệp quán xá cứ tưởng vậy là dang dở, ai dè khi vừa trở lại London thì cái tên Miền Tây đã kịp được tạp chí ẩm thực Time Out London chấm mức 4 sao, kèm theo lời giới thiệu: “...Bạn sẽ cảm thấy như rời khỏi nhà của họ chứ không phải rời khỏi nhà hàng của họ...”.

Ông Sử - bà Lệ mừng rơi nước mắt vì sự tận tâm và công bằng của tờ Time Out London. Đó là lời giới thiệu mà bà Lệ nói: “Nếu muốn bỏ tiền quảng cáo phải mất tới mấy chục ngàn bảng mà chưa chắc hiệu quả bằng”. Chỉ hai tháng sau đó, sau khi nhiều tờ báo ở London đưa Miền Tây lên trang, quán ăn Việt này đã được đánh giá mức 5 sao. Một năm sau từ Miền Tây 1 ở Kingsland ra đời Miền Tây 2 ở Levender Hill và giữa năm 2011 Miền Tây 3 sẽ khai trương ở Northampton cách London hai giờ xe chạy.

Mong có thêm nhiều Miền Tây

Bây giờ với một chuỗi ba quán Miền Tây, lại sắp mở rộng gấp ba lần quán Miền Tây 1, tưởng ông Sử - bà Lệ dường như không có thời gian suy nghĩ việc nào khác ngoài chuyện nấu nướng, phục vụ khách hàng. Nhưng “thấy vậy mà không phải vậy”, quán Miền Tây 3 ở Northampton được ra đời bằng một mơ ước khác của ông bà: sẽ dành toàn bộ lợi nhuận của quán để làm từ thiện. “Tiền đó có thể giúp người nghèo ở Việt Nam, ở nước khác bị thiên tai hay cũng có thể là người nghèo, người vô gia cư ở ngay London này” - bà Lệ chia sẻ. Còn ông Sử trầm ngâm nói rằng 30 năm đến nước Anh, ông từ một người nhập cư tay trắng, nay nhờ sự rộng lượng của người bản xứ mà khấm khá. Cái nghĩa đó ông muốn trả, muốn giúp lại cho cộng đồng, không phân biệt người xứ nào, dù là Việt Nam, châu Phi hay dân bản xứ.

Câu chuyện ông bà chia sẻ làm chúng tôi vỡ ra suy nghĩ khi trong lòng ông Sử - bà Lệ luôn có một miền Tây, một Việt Nam không bao giờ bị lai tạp, mất chất. Nhưng những năm tháng bôn ba xứ người lại cho ông bà một lòng bao dung không còn “khu trú”, vị kỷ riêng về vùng đất nào.

Đó chưa phải là câu chuyện cuối cùng mà ông bà chủ quán Miền Tây muốn kể. Bà Lệ đưa cho chúng tôi xem bức thư mà bà đã soạn sẵn chuẩn bị gửi lên Bộ Xã hội và Bộ Nội vụ Anh với một đề nghị “lạ đời” là xin được khai thuế cho hơn 40 nhân viên của quán, tất cả đều là sinh viên và người nhập cư gốc Việt. Nói “lạ đời” là bởi chẳng có ai bắt bà phải đi kê khai thuế cho những nhân viên người Việt không quốc tịch. Nhưng bà Lệ nói bà muốn làm điều đó để nhân viên của bà có thêm cơ hội hòa nhập và thụ hưởng những phúc lợi của chính quyền. Quan trọng hơn, hình ảnh của những nhóm người Việt nhập cư sẽ dần được cải thiện, “chứ cùng là người Việt, mình có vui vẻ gì khi nhắc tới người mình nhập cư là cảnh sát Anh đánh đồng với dân trồng cỏ (cần sa) hoặc không có nghề nghiệp đàng hoàng” - bà Lệ chia sẻ.

Từ một quán Miền Tây nay thành ba quán, từ một người nhập cư nghèo khó nay thành ông bà chủ, đối với ông Sử - bà Lệ dường như có rất nhiều mơ ước đã thành hiện thực. Nhưng vẫn còn một mơ ước nữa, mà nói theo cách của ông bà là cũng “nhỏ nhỏ thôi hà!”, đó là một ngày không xa có thêm nhiều nhà hàng Việt Nam ở xứ sương mù cũng 4 sao, 5 sao như Miền Tây.

 

Châu Nhuận Phát từng ghé dùng bữa

Kỷ niệm khó quên nhất với quán Miền Tây theo ông Sử - bà Lệ đó là diễn viên điện ảnh nổi tiếng Châu Nhuận Phát từng ghé dùng bữa, chụp ảnh lưu niệm với ông bà và nhân viên. Bà Lệ kể cách đây hơn một năm, quán của bà tình cờ tiếp một khách Trung Quốc, ăn xong nhiều món, ông này hỏi cặn kẽ và ghi chép cẩn thận vào sổ tay. Thực khách ấy là thư ký riêng của Châu Nhuận Phát đang đi tìm một nhà hàng châu Á thật ngon miệng để Châu Nhuận Phát và bạn bè ăn tối trong lần đến London. Ba ngày sau Châu Nhuận Phát đến, ông đã ăn rất nhiều món từ chả giò, bún bò, bánh xèo... và món cuối cùng bà Lệ nhớ là cá chiên sả ớt. “Ổng nói no quá, tui nói ổng ăn một miếng đi, nếu ngon tui chiên con khác cho đem về. Cuối cùng ổng ăn hết trơn con cá chiên” - bà Lệ cười nhớ lại.

VIỄN SỰ - DUY BÌNH/ Tuổi Trẻ