itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Một làng nghề mây tre ở vùng quê nghèo

Một làng nghề mây tre ở vùng quê nghèo

Nghề đan mây tre đã giải quyết được việc làm và tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương

Đan mây tre là nghề truyền thống hơn 300 năm của xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc - Nghệ An, với những sản phẩm thủ công như rổ, hộp, chao đèn, khay tre, đĩa, lọ hoa, thúng, nong, nia.... Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, hàng mỹ nghệ của làng nghề này còn được khách hàng các nước Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Thụy Điển... ưa chuộng.

Nghề truyền thống này đang đảm bảo cuộc sống cho bao thế hệ ở một vùng quê nghèo.

Không khí sản xuất những ngày đầu năm tại xóm Thái Lộc - xã Nghi Thái đã rất nhộn nhịp. Anh Nguyễn Mạnh Cần (hơn 40 năm tuổi nghề) nói: “Ra Tết, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn đặt hàng xuất khẩu nên chúng tôi phải tranh thủ làm sớm để kịp giao hàng. Nghi Thái là xã thuần nông, sau mùa gặt hái, người dân chỉ biết đan mây tre".

Trước đây, bà con chỉ đan các vật dụng đơn giản như rổ, rá, sọt rồi mang đi bán tại thành phố Vinh và các vùng lân cận. Từ năm 2001, khi có Nghị quyết 6 của Tỉnh ủy về củng cố và phát triển ngành nghề truyền thống, xã Nghi Thái đã tổ chức các lớp đào tạo nghề đan mây tre xuất khẩu. Những người thợ Nghi Thái đã chuyển sang cách làm chuyên nghiệp theo đơn đặt hàng, ứng dụng mỹ thuật để tạo nên cái hồn văn hóa cho sản phẩm. Vì vậy, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư, cung cấp nguyên liệu bao tiêu đầu ra. Người dân chỉ việc nhận nguyên liệu về đan, hưởng theo sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Bình (60 tuổi), đan mây tre từ năm 1967, tâm sự: “Nghề này không cần vốn, lại có việc làm thường xuyên, tận dụng được lúc nông nhàn. Chỉ cần người thợ chịu khó, có đôi tay khéo léo, là có thể đan đẹp". Mỗi tuần hộ bà Bình nhận 40kg - 50kg thanh lùng (loại cây thuộc họ tre) nguyên liệu, đan được từ 15 - 17 bộ sản phẩm theo mẫu mã của DN. Mỗi sản phẩm được trả từ 20.000đ – 40.000đ, đủ để trang trải cuộc sống.

Ông Vương Đình Dương - trưởng ban khuyến công làng nghề cho biết: “Toàn xã đang có 10 thôn đan mây tre và được tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút 1.300 lao động tham gia. Trong năm 2010, các DN đã chi trả gần 12 tỷ đồng tiền công cho lao động đan mây tre trong xã. Mỗi năm xã mở các lớp đào tạo do ngân sách của địa phương hỗ trợ”.

Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong đánh giá: Sản phẩm mây tre Nghi Thái được đan hai lớp, hoàn toàn thủ công, màu sắc và nguyên liệu tự nhiên, không xử lý hóa chất, không mối mọt, độ bền từ 10 năm trở lên, tạo hình có tính mỹ thuật cao nên được người sử dụng trong nước và ở nước ngoài rất ưa chuộng. Hàng năm, công ty chúng tôi xuất khẩu hơn một triệu sản phẩm mây tre đan của làng nghề sang thị trường các nước.

Cũng theo ông Phong, tuy làng nghề đang phát triển nhưng vẫn còn nhiều điều trăn trở: “Nguyên liệu không có thường xuyên và ngày càng khan hiếm (nếu mưa bão, lũ lụt thì rất khó khai thác). Lao động có trình độ văn hóa, tay nghề chưa cao (10% - 15% sản phẩm bị lỗi). Do phần lớn lao động được truyền nghề và làm nghề theo hộ gia đình, nên làm tùy hứng, thích thì làm, không thích thì nghỉ, có khi đến hạn hợp đồng không đủ hàng để giao cho đối tác. Mặt khác, năm nào khách hàng cũng đưa ra mẫu mã mới và DN lại phải mở lớp đào tạo thêm. Trong năm 2011, để xây dựng mô hình sản xuất bền vững, chúng tôi sẽ phát triển dự án đầu tư trồng cây nguyên liệu, nhập máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất để xử lý nguyên liệu bằng máy (thay vì làm tay như hiện nay), giúp người dân nâng cao năng suất.”

Quỳnh Mai/ PNO