itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Cam, quýt Quang Thuận

Cam, quýt Quang Thuận

Với trên dưới 150 ha cam, quýt tập trung nhiều nhất ở thôn Nà Thoi, Boóc Khún - trong đó, khoảng 120ha đang cho thu hoạch ổn định đã góp phần quan trọng vào làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế của nhiều gia đình nông dân xã Quang Thuận(Bạch Thông - Bắc Kạn). Ông Hà Thiêm Doanh - Bí thư Đảng uỷ xã khẳng định: “ Cam, quýt chính là cây làm giàu cho người dân trong xã”.

Nằm cách thị xã Bắc Kạn hơn chục kilômét, từ hơn 10 năm trở lại đây, xã Quang Thuận đã được biết đến là địa phương có cam, quýt là sản vật nổi tiếng không chỉ trong phạm vi tỉnh Bắc Kạn. Cam, quýt ở đây có vị đặc trưng riêng - ngọt và rất thơm. Trong tổng số 417 hộ ở 12/12 thôn, bản của xã này, phần lớn gia đình nào cũng có thu nhập từ cam, quýt; gia đình thu nhập nhiều có thể lên tới cả trăm triệu đồng một năm như: Ông Lộc Văn Nghinh thôn Boóc Khún; Ông Lưu Đình Lý và Lộc Văn Ninh thôn Nà Thoi; .... Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch, cứ mỗi sáng sớm lại có hàng đoàn xe máy chở cam, quýt từ Quang Thuận ra bán tại chợ thị xã Bắc Kạn. Theo lãnh đạo xã, đó chủ yếu là những gia đình mà diện tích trồng loại cây này ít hoặc gia đình có nhiều nhân lực chứ phần lớn những hộ có diện tích trồng cam, quýt lớn đều chọn phương án bán cả vườn cho thương lái - chủ yếu là thương lái đến từ thị xã Bắc Kạn.

Với diện tích trồng như vừa kể trên trung bình mỗi năm Quang Thuận xuất ra thị trường từ 300 đến 500 tấn quả, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhân dân trong xã mà như ông Hà Thiêm Doanh - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, thu nhập từ loại cây trồng này chiếm khoảng 70% tổng thu nhập của toàn xã; đến nay, theo tiêu chí mới Quang Thuận chỉ còn 52/417 hộ trong diện nghèo. Tháng 4 vừa qua khi cam, quýt bắt đầu ra quả, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Quang Thuận cũng bị ảnh hưởng bởi mưa đá. Vì thế, sản lượng cam, quýt năm nay bị ảnh hưởng ít nhiều.

Quýt Quang Thuận bán ở chợ thị xã Bắc Kạn.

Xác định đây là cây thế mạnh trong phát triển kinh tế, từ nhiều năm nay nhân dân trong xã đã tích cực phát triển diện tích bằng cách trồng mới - trung bình mỗi năm Quang Thuận trồng mới được 15 đến 20 ha, việc này được triển khai mạnh trong thời gian gần đây bởi Viện Rau quả Trung ương đã triển khai thành công mô hình 05ha cam, quýt ghép(gốc bưởi còn mắt ghép là giống địa phương) đã cho thu hoạch ổn định với năng suất tăng từ 15 đến 20% so với giống của địa phương, chất lượng tương tự nhưng có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, số diện tích hằng năm bổ sung chỉ bù được phần diện tích bị mất đi do ảnh hưởng của các loại sâu bệnh mà người dân vẫn thường gọi là nấm mốc, phấn trắng, gân xanh vàng lá,.... mặc dù không ảnh hưởng đến chất lượng quả nhưng làm chết cây. Đây là những loại sâu bệnh mà cả người dân lẫn cơ quan chức năng của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đều đã nỗ lực tìm cách khắc phục từ nhiều năm nay để bảo vệ diện tích cam, quýt ở đây nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn.
Trong cơ cấu kinh tế của Quang Thuận hiện nay, cây cam, quýt đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, chính quyền cũng như nhân dân địa phương đặc biệt mong muốn các ngành chức năng tìm ra biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng sâu bệnh, bảo vệ chất lượng, mở rộng diện tích hiện có, để cam, quýt đóng góp hơn nữa vào cải thiện thu nhập của người dân một cách bền vững.

H.V / Bắc Kạn