itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Ẩm thực Việt trong hành trình quảng bá hình ảnh đất nước

Ẩm thực Việt trong hành trình quảng bá hình ảnh đất nước

Món ăn Việt Nam đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới và đều được yêu thích nhưng đáng tiếc là hầu hết những chủ quán ăn đó chỉ làm vì mục đích kinh doanh hoặc làm để phục vụ người Việt chứ chưa trở thành thương hiệu để quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước.

Phỏ - "Quốc hồn, quốc tuý" đi ra xứ người

Trong những ngày cuối cùng của năm 2007, Phở 24 đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Singapore theo hình thức franchise (nhượng quyền thương hiệu). Vậy là lại có thêm một quốc gia nữa trong khu vực Đông Nam Á được biết tới món ăn được coi là "quốc hồn, quốc tuý" của Việt Nam.

Nhưng trước khi đến với Singapore, Phở 24 đã nhượng quyền thương hiệu thành công tại nhiều nước trên thế giới như Indonesia, Philippin, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...Tham vọng của thương hiệu phở này là xây dựng được một chuỗi hệ thống cửa hàng phở toàn cầu tương tự như mô hình các tập đoàn fast food quốc tế như McDonald’s, KFC...

Trước Phở 24, cà phê Trung Nguyên là thương hiệu Việt Nam đầu tiên áp dụng việc nhương quyền kinh doanh ở quy mô lớn. Hiện nay, Trung Nguyên cũng đang rất thành công trong việc chuyển nhượng thương hiệu ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, việc xuất khẩu cá basa, tôm, mực của Việt Nam sang các thị trường lớn của thế giới như Mỹ, Đông Âu...cũng đã giúp một bộ phận người nước ngoài biết đến Việt Nam.

Nem, phở góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam?

Cho tới thời điểm này, những bước tiến thành công trên thế giới của những thương hiệu ẩm thực kể trên không đơn giản chỉ là sự thành công trong chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp Việt Nam. Đó còn là những thành quả đáng ghi nhận trong việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua những món ăn truyền thống.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong cuộc bàn tròn trực tuyến với VietNamNet về chủ đề “Xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam mới” cũng cho rằng: "Một quốc gia muốn hội nhập phải tìm được thế mạnh của mình, để tập trung mũi nhọn vào đó và đẩy lên. Nước nào muốn hội nhập cũng phải tìm cho mình một thế mạnh. Trong các lĩnh vực khác như kinh tế hay khoa học kỹ thuật, khó có thể nói Việt Nam là một cường quốc.

Phở đã trở thành một sứ giả góp phần tiếp thị hình ảnh đất nước
(Nguồn: noosblog.fr)

Nhưng tôi thấy trên bình diện ẩm thực thì Việt Nam là một cường quốc sánh ngang với các cường quốc khác của thế giới đấy. Ít nhất, khi nói đến ẩm thực, người ta sẽ nói đến Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ nên lấy ẩm thực làm một mũi nhọn đột phá của Việt Nam ra với thế giới. Đó là lợi thế riêng biệt của Việt Nam".

Thử nhìn ra thế giới, có hàng tỉ người chưa bao giờ đặt chân tới Italia nhưng thông qua các chuỗi nhà hàng chuyên phục vụ pizza, spaghetti, pasta..., họ đã phần nào cảm nhận được nền văn hóa yêu chuộng sự tinh tế, tính thẩm mỹ... của đất nước nằm bên bờ Địa Trung Hải.

Hay nói tới Nhật Bản, người ta sẽ liên tưởng ngay đến shusi; nói đến Hàn Quốc, khách ẩm thực thế giới không thể bỏ qua món kim chi; còn ngồi ăn súp củ cải đỏ, cá muối, trứng cá ở bất cứ đâu cũng khiến người ta liên tưởng tới nước Nga tuyết trắng...

Nếu vậy thì cớ gì mà phở, nem hay một món ăn truyền thống nào đó của Việt Nam lại không thể thành công khi góp sức vào công cuộc quảng bá hình ảnh cho đất nước?

Tại sao không phát huy để chinh phục cả khách quốc tế?”

Trên thực tế, hiện nay, món ăn Việt đã có mặt ở khắp các châu lục trên thế giới. Chị Bình, một kiều dân ở Cali (Mỹ) cho biết: "Tôi nhận thấy hầu hết người dân sống ở đây thích phở và và chả giò (nem) Việt Nam. Họ bảo chả giò Việt Nam ngon; đậm đà, còn chả giò theo lối Trung Quốc chỉ chú trọng rau xanh nên nhạt nhẽo. Mà lúc nào tôi đến tiệm ăn phở cũng gặp những người nước ngoài dùng đũa ăn phở rất thành thục. Thú vị lắm!"

"

Tôi thấy trên bình diện ẩm thực thì Việt Nam là một cường quốc sánh ngang với các cường quốc khác của thế giới đấy. Ít nhất, khi nói đến ẩm thực, người ta sẽ nói đến Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ nên lấy ẩm thực làm một mũi nhọn đột phá của Việt Nam ra với thế giới. Đó là lợi thế riêng biệt của Việt Nam

ĐD Đặng Nhật Minh

"

Chẳng mấy du khách đến Sydney (Australia) lại bỏ qua thú vui ghé thăm khu thương mại Cabramatta, một trong những khu buôn bán sầm uất nhất của cộng đồng Á châu để thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Ở đây, nhà hàng, quán ăn Việt có thể lên tới con số hàng trăm với đủ món ăn từ bình dân cho đến sang trọng như cơm, phở, hủ tiếu, mì, tôm hùm, bồ câu quay... Các tiệm thực phẩm bán thịt, cá tươi cũng được bày bán chẳng khác gì chợ ở Việt Nam.

Ở châu Âu, phở cũng được nhiều người biết vì tính phổ biến của nó nhưng nếu nói đến sự ưa chuộng của người dân thì nem mới là món ăn được yêu thích hàng đầu.

Tiếp thị hình ảnh đất nước thông qua văn hóa ẩm thực
cũng cần có một chiến lược mang tầm quốc gia.

Ở thủ đô Praha cổ kính, có một quán ăn Việt nhỏ bé nhưng tiếp toàn khách danh tiếng như diễn viên Sean Connery, hai cựu tổng thống Czech là Vaclav Havel và Vaclav Claus... Đó là quán Maly Buddha của anh Phụng, vốn là sinh viên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1981 và được gửi đi thực tập sinh tại Cộng hòa Tiệp Khắc. Anh Phụng từng được mời lên Đài truyền hình Czech để dạy nấu món ăn Việt và được lên trang nhất của tạp chí địa phương có tên là Weekend.

Không chỉ xuất hiện trong những nhà hàng Việt ở châu Âu, những món ăn truyền thống Việt Nam như bún ốc, bánh xèo, bánh cuốn... còn được bán rất nhiều tại những quán bình dân trong các khu chợ của người Việt hay khu có cộng đồng người Việt sinh sống. Hầu hết những quán hàng này mở ra để phục vụ cho người Việt.

Tôi còn nhớ rõ cảm giác xúc động kỳ lạ chợt ào đến vào một ngày lang thang giữa Luang Prabang (Lào) và nhìn thấy một quán nhỏ trưng biển "Phở Hà Nội" đang tấp nập thực khách ra vào...Tuy không phải là một thương hiệu được đăng ký mà chỉ là một quán ăn do người Việt sống ở Lào mở ra nhưng quán phở này vẫn là một nét văn hóa Việt Nam được người dân ở đó yêu mến.

Người Nhật cũng rất yêu mến món ăn Việt Nam, chỉ riêng Tokyo đã lên đến trên dưới 10 quán. Gần đây một số sản phẩm ăn uống của Việt Nam đã được sản xuất công nghiệp trên đất Nhật như phở ăn liền, sinh tố...

Thậm chí, Shinobu - một cô gái Nhật Bản yêu món ăn Việt, không những học tiếng Việt để học cách nấu mà còn lập website giới thiệu món ăn Việt tới người Nhật. Shinobu đã truyền bá các món như gỏi bắp cải, chè chuối, chả giò, cá kho, gỏi khổ qua trộn với thơm, rau muống xào tỏi, cơm hến, canh rau muống... cho bạn bè và người quen. Thông qua website của mình, Shinobu cũng giới thiệu khả năng có thể tư vấn cho những ai muốn học nấu món ăn Việt Nam hay mở nhà hàng bán thức ăn Việt Nam cho người Nhật.
Hay ở Bangkok (Thái Lan), Sam Sen là khu chợ ẩm thực đầy đủ mọi món ăn Việt, thu hút rất nhiều người Thái Lan và du khách quốc tế. Dù khách có muốn ăn nem cuốn, bánh xèo, bánh cuốn hay hủ tíu, bánh canh, cà muối, ruốc thịt... cũng đều có thể tìm thấy ở Sam Sen.

Tuy món ăn Việt Nam đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới và đều được yêu thích nhưng có điều đáng tiếc là hầu hết những chủ quán ăn đó chỉ làm vì mục đích kinh doanh hoặc làm để phục vụ người Việt chứ chưa nghĩ đến chuyện làm thương hiệu để quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước. Cũng vì thế nên họ cũng chưa dành hết tâm huyết để chăm chút cho các món ăn thật đặc sắc, thật đúng với hương vị quê hương, từ đó có thể đánh mất sự thiện cảm của những khách ẩm thực sành điệu.

Trong dịp về thăm quê cách đây ít ngày, chị Thanh Xuân - chủ một tiệm ăn Việt ở Ukraina đã tỏ ra rất ưu tư về việc kinh doanh quán ăn Việt trên nước người.

Chị kể: “Tôi mơ ước có được một tiệm ăn nhỏ tiêu chuẩn Tây phương nhưng bán món ăn Việt Nam để chứng minh cho người bản xứ thấy rằng những món ăn truyền thống Việt Nam có một vị trí xứng đáng trong nền văn hóa ẩm thực thế giới. Tôi cảm thấy buồn vì nhiều quán hàng Việt Nam ở đây giới thiệu với người bản xứ đã không đáp ứng được tiêu chuẩn. Chả giò không ra chả giò, phở cũng không có hồn phở, chỉ nấu nướng úi xùi để bán cho nhau ăn. Tại sao có khả năng mà không phát huy để chinh phục cả khách quốc tế?”

Cần một chiến lược tầm cỡ quốc gia!

Chỉ những quán ăn nhỏ được mở ra ở khắp các miền đất trên thế giới đã chinh phục được đông đảo khách quốc tế, hẳn khi đầu tư thành những thương hiệu với qui mô lớn, tuân theo qui củ nghiêm ngặt, phát triển bằng con đường nhượng quyền thương hiệu, ẩm thực Việt sẽ làm được hơn thế rất nhiều.

Còn nhiều món ăn truyền thống có thể đưa ra thế giới, góp phần tiếp thị
hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế (Nguồn: picasaweb)

Thuận lợi lớn của chúng ta trong công cuộc này là món ăn Việt Nam ngon, giàu chất bổ dưỡng, phong phú về số lượng nên có thể cử ra nhiều đại diện khác nhau để "đem chuông đi đánh xứ người".

Chú trọng đến đặc trưng của nhượng quyền là giữ vững tính ổn định và đồng bộ của thương hiệu (cũng có nghĩa là giữ vững những đặc trưng của món ăn Việt) sẽ tạo cơ hội cho khách quốc tế hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Nhưng cũng thật tiếc mà nói rằng, việc quảng bá đất nước thông qua ẩm thực này vẫn chỉ là những hoạt động đơn độc xuất phát từ doanh nghiệp trong khi tiếp thị hình ảnh quốc gia là một chương trình tổng lực cần có sự định hướng, chỉ đạo xuyên suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ để làm sợi chỉ kết nối các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ở Thái Lan, chính phủ nước này đang khuyến khích mở rộng nhà hàng Thái ở nước ngoài, thậm chí, ra chỉ tiêu cho các đại sứ quán Thái mỗi năm phải hỗ trợ mở được bao nhiêu nhà hàng ở nước ngoài. Cách làm của nước bạn hiệu quả đến nỗi nhiều Việt kiều ở châu Âu bán món ăn Việt nhưng trưng biển hiệu "Nhà hàng Thái" để hút khách.

Việc Thái Lan nhanh tay khử mùi nước mắm Phú Quốc và đăng ký thương hiệu nên bạn bè quốc tế chỉ biết đến nước mắm Phú Quốc của Thái mà không biết nước mắm Phú Quốc có xuất xứ từ Việt Nam. Đó là bài học xương máu cho người Việt. Cách làm của Thái Lan xứng đáng cho chúng ta học hỏi trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải tự mò đường đi trên thị trường ẩm thực quốc tế.

Thời của “hữu xạ tự nhiên hương” đã qua lâu rồi. Giờ muốn được giương danh trên trường quốc tế, chúng ta phải bắt tay vào làm công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá thật cụ thể, bài bản và dài hơi. Nhà nước phải có định hướng chiến lược rõ ràng, xây dựng khung pháp lý, chính sách ưu đãi, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp...

Hy vọng rằng, trong một tương lại gần, các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn tay ra thị trường thế giới, đồng thời quảng bá cho hình ảnh quốc gia sẽ có thể nắm tay chung sức với nhau trong một chiến lược mang tầm quốc gia với sự hỗ trợ của Chính phủ!

Vương Cúc / TuanVietnam