itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Khi nông dân làm thương hiệu cho hồ tiêu

Khi nông dân làm thương hiệu cho hồ tiêu

Cuối năm 2007, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng chính quyền tỉnh Gia Lai đã chính thức công bố thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” như một niềm tự hào mới của tỉnh về nông sản.

Tây Nguyên thường được biết đến với tư cách thủ phủ cà phê. Nhưng không chỉ thế, bên cạnh cà phê, cao su, hồ tiêu cũng là cây trồng đặc hữu trên vùng đất này.

Không giống như cà phê hay cao su, khởi điểm hồ tiêu ở Tây Nguyên được trồng phân tán, manh mún trong phạm vi hộ sản xuất. Sự thích hợp với thổ nhưỡng Tây Nguyên chỉ được đánh dấu từ hơn một thập kỷ trở lại đây. Tính trên toàn vùng, hồ tiêu đã đạt diện tích gần một vạn héc ta.

Riêng ở Chư Sê (Gia Lai), loại cây trồng này đã thực sự biệt hữu bởi khái niệm “vương quốc hồ tiêu” đã định danh mới cho vùng đất này với trên 3.000 héc ta hồ tiêu tập trung, sản lượng hàng năm ngót 15.000 tấn (tiêu sọ) và được xuất khẩu đi 73 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Dù đồng tiền có… trượt giá đến mấy, Chư Sê vẫn nổi danh là vùng đất có nhiều tỉ phú tập trung nhất Tây Nguyên, với hàng trăm hộ thực sự đại phú sở hữu tới hàng chục héc ta hồ tiêu cho năng suất, sản lượng cao qua hàng thập kỷ.

Công đầu làm nên thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” chính là những nông dân tại đây. Ngay từ buổi đầu, họ đã không quản ngại du nhập các giống tiêu từ Phú Quốc, Vĩnh Linh… về sàng lọc, nhân lên, tự hình thành thương hiệu cho mình. Bỏ qua một quá khứ ảm đạm với “năng lực”… phá rừng lấy cây làm choái từng tai tiếng một thời, ngày nay nông dân Chư Sê đã biết dùng trụ bê tông, trụ gạch xây, trụ cây sống để tạo ra những vườn tiêu “sạch” mà năng suất so với trụ cây chết không hơn kém nhau là mấy.

Cùng với thời gian, hồ tiêu Chư Sê, theo ghi nhận của Hiệp hội Hồ tiêu, đã đạt năng suất, sản lượng và chất lượng tiêu sọ cao bậc nhất Việt Nam, vượt lên trên những tên tuổi hồ tiêu khác từng nổi tiếng một thời, góp phần đưa Việt Nam vượt qua các nước sản xuất hồ tiêu nổi tiếng trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Brazil… Miệt mài nhiều năm gây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, chính quyền Chư Sê và Gia Lai đã “mã hóa” một sản phẩm đã định hình, đem lại cho nông dân và thương nhân Chư Sê một cơ hội mới.

Song, cần thiết hơn chính là hỗ trợ khắc phục những điểm yếu tồn tại nhiều năm qua. Tình trạng sâu bệnh vẫn phổ biến hàng năm và việc phát triển cơ sở chế biến tiêu sọ đạt giá trị xuất khẩu cao vẫn còn hạn chế (hiện chỉ có một nhà máy chế biến tiêu đen với công suất thực tế chỉ đạt 3.000 tấn/năm; phần còn lại được nông dân bán thô, giá trị thấp). Đồng thời, cách thức quảng bá sản phẩm trên trường quốc tế vẫn còn chắp vá, dạng tiểu nông.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội sẽ cùng chính quyền huyện Chư Sê triển khai liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) đẩy mạnh mô hình chế biến tiêu trắng- phù hợp với nhu cầu thế giới- đến từng hộ nông dân nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.

Ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch hiệp hội đồng thời là Chủ tịch UBND “huyện hồ tiêu”, cũng cam kết sẽ xây dựng, định hình 3.000 héc ta hồ tiêu kinh doanh với chất lượng vườn cây ổn định hơn.

Để phát huy thương hiệu, “Hồ tiêu Chư Sê” vẫn còn những chặng đường dài.

NGUYỄN THỊNH (TBKTSG Online)