itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Hàng Việt: Khiếm khuyết nhỏ làm hỏng ưu điểm lớn

Hàng Việt: Khiếm khuyết nhỏ làm hỏng ưu điểm lớn

Chọn mua giày Việt tại hội chợ-triển lãm “Tôn vinh hàng Việt Nam 2010”. Ảnh: Q.NHƯ

Nhà sản xuất phải dùng sản phẩm do chính mình làm ra thì mới phát hiện được những nhược điểm của sản phẩm để khắc phục.

Sáng 3-11, hội chợ-triển lãm “Tôn vinh hàng Việt Nam 2010” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và hội chợ Tân Bình. Ban tổ chức cũng dành thời gian cuối mỗi chiều để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể trao đổi trực tiếp với nhau.

Đây là một dịp để ghi nhận thêm những phản ánh của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Trong đó có câu chuyện nhỏ trắc trở trong quá trình sử dụng.

“Xài đồ mình làm ra mới hiểu”

Tại hội chợ, chị Nguyễn Ngọc Hạnh (quận Tân Bình, TP.HCM) rảo tới rảo lui tìm gian hàng quạt điện. Chị cho biết chị tới hội chợ không phải để mua quạt mà để nói cho doanh nghiệp hiểu và quan tâm hơn đến khâu sử dụng của người tiêu dùng.

Chị kể quạt Việt Nam bây giờ đẹp, chất lượng, lại rẻ nữa. Nhưng có gì đó không ổn nên quạt cứ kêu rù rì. Chị không tìm ra nguyên nhân nên muốn hỏi doanh nghiệp. Thêm nữa, tuần rồi chị làm vệ sinh bụi bặm định kỳ cho quạt. Một mấu nhựa dư nằm trong vành nhựa nối hai lồng quạt cứa vào tay chị tóe máu. Sau đó chị phải rà lại vành này, phát hiện thêm ba, bốn cái mấu nhựa dư như vậy và chị phải lấy dao cạo cho đỡ sắc. Chị Hạnh cho rằng những nhà sản xuất quạt phải xài đồ do chính mình làm ra. Có tự trải qua quá trình lắp ráp, sử dụng, tháo gỡ, lau chùi, bảo quản sản phẩm thì mới phát hiện nhược điểm của sản phẩm và có hướng khắc phục nó.

Cũng gặp rắc rối trong quá trình sử dụng sản phẩm, anh TVH kể chuyện mới đây bị bỏng, anh mua chai dầu mù u về dùng. Mua về, mở nắp ra thì thấy chai thuốc (bằng nhựa) bị bưng kín đầu. Anh phải loay hoay mãi mới tìm được một cái kim chọc thủng đầu nhựa này, nhỏ thuốc ra. Chuyện bịt kín đầu sản phẩm chứa chất lỏng là hợp lý. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã không hề nghĩ đến việc người dùng sẽ phải xử lý đầu nhựa này thế nào, làm sao để tạo thuận lợi cho việc sử dụng sản phẩm. Anh dẫn chứng các tuýp keo dán sắt cũng có sẵn một cái ghim nhỏ trong hộp dùng để đục lỗ miếng kim loại mỏng che ở đầu tuýp keo. Thậm chí để thuận lợi hơn, nhiều nhà sản xuất còn sáng tạo, cải tiến cái nắp nhựa có thêm một đầu nhọn ẩn trong nắp (không gây nguy hiểm cho người dùng), có thể xoay nắp lại, dùng đầu nhọn này ấn thủng miếng kim loại.

Chăm chút những thứ “đính kèm”

Khách hàng Lê Thị Nga (quận Thủ Đức, TP.HCM) thì rất khó chịu với các nhãn giấy dán dính trên sản phẩm. Bà Nga cho biết thường mua đồ trong siêu thị, hầu như cái nào cũng có dán nhãn ghi giá. Lúc mua biết giá tiền thì tiện nhưng mang về nhà lại phải hì hụi gỡ nhãn ra. Nhiều sản phẩm dầu gội, nước rửa chén cũng thường được dán thêm mấy mảnh giấy thông tin khuyến mãi, băng giấy dán sản phẩm chính dính với sản phẩm tặng kèm… Những nhãn này có keo dính chặt vào sản phẩm, nếu không gỡ trước khi dùng thì sau đó sản phẩm tiếp xúc với nước cũng phân rã ra tèm lem, cố gỡ trước khi dùng thì cũng tèm lem không kém. Hàng Việt bây giờ được chú trọng bao bì, mẫu mã. Nhà sản xuất có công đầu tư “ngoại hình” cho sản phẩm nhưng lại không để ý chuyện cái nhãn giấy đính kèm có thể làm xấu sản phẩm của mình đến thế nào.

Những chuyện nho nhỏ như mảnh vải nhãn hiệu gắn trên cổ áo cũng có thể làm hài lòng hoặc phiền lòng người tiêu dùng. Một người tiêu dùng cho biết nhà sản xuất rất tinh ý, đã biết cách gắn thêm hai sợi dây trong áo, quần để người dùng thuận tiện khi giặt giũ, phơi quần áo lên móc. Ngoài ra, ở trên cổ áo còn gắn thêm một đoạn vải ngắn dùng cho việc treo áo lên móc. Tuy nhiên, vẫn còn những sản phẩm chưa được chăm chút lắm, nhãn hiệu phía sau gáy làm bằng loại vải cứng, cứ miết vào da gây khó chịu cho người mặc.

 

Nghĩ cho khách thì mới được lòng khách

Anh Huỳnh Quang (Tây Ninh) kể mới đây anh mua một chiếc áo khoác ở cửa hàng N&M. Vì mua tặng nên anh cắt bỏ thẻ ghi giá đi. Rủi thay, chiếc áo bị chật. Biết là cắt thẻ này rồi thì không đổi được hàng nữa nhưng hôm sau anh Quang cũng quay lại cửa hàng… cầu may. Thật bất ngờ, nhân viên bán hàng kiểm tra sản phẩm, kiểm tra hóa đơn ngày mua và chấp nhận cho anh đổi cỡ áo khác. Thậm chí tại cửa hàng đã hết áo cỡ lớn hơn, nhân viên bán hàng còn tích cực tìm trong hệ thống cửa hàng để lấy chiếc áo đúng cỡ cho anh.

Anh Quang cho biết sự giải quyết linh động, thông cảm cho khách hàng của cửa hàng này đã khiến anh thấy hàng Việt rất dễ thương!

Theo Pháp Luật TP