itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Mùa muối không ngọt ngào

Mùa muối không ngọt ngào

Mấy ngày này trời nắng to. Những tia nắng như những vì sao lấp loáng nhảy múa trên đồng muối. Mọi năm, những đợt nắng to như vậy, diêm dân túa ra đồng cào muối. Năm nay cánh đồng muối lưa thưa người đi be bờ, bơm nước bởi trước đó hai đợt mưa trái mùa đã “làm chìm” trên 24.500 tấn muối ngay đợt thu hoạch đầu tiên.

Khó đầu ra, khổ vì mưa
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm HTX Diên nghiệp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Bạc Liêu lắc đầu khi chúng tôi hỏi đến chuyện sản xuất muối năm 2011. HTX có 172ha sản xuất muối với trên 190 xã viên mấy năm nay sản xuất muối rất ổn định, dù giá có trồi sụt theo thời tiết nhưng do áp dụng mô hình một vụ muối, một vụ tôm nên đời sống không đến nỗi nào. Vụ mùa năm 2010 “trời đãi” cho cư dân làm muối vì nắng nóng kéo dài, muối thu nườm nượp, thấy ham. Mỗi tội, giá thấp, tìm người tiêu thụ không ra.
Ông Minh phân bua: “Năm rồi tôi thu trên 8 tấn muối, giá bèo quá, bán không được bao nhiêu tiền nên trữ lại chờ giá lên. Năm nay đầu vụ giá có nhích lên đôi chút nhưng chẳng thấm vào đâu. Nói lỗ thì không đúng, nhưng lời chẳng bao nhiêu so với công cán, chi phí... Năm nay, từ đầu vụ đến giờ hai đợt mưa trái mùa nhấn chìm gần hết”.
Năm 2010, Bạc Liêu sản xuất 3.128ha muối, chủ yếu tập trung tại huyện Đông Hải, Hòa Bình và một phần của TP.Bạc Liêu. Thời tiết thuận lợi, diêm dân được một mùa bội thu. Tổng sản lượng muối thu được trên 260.000 tấn, con số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Và như tiên đoán của người làm muối, giá muối cũng xuống thấp đến bất ngờ: Muối trắng 500 – 650 đồng/kg, muối đen dưới 300 đồng/kg... Để giúp diêm dân vượt quá khó khăn, có điều kiện tạm trữ muối chờ giá, UBND tỉnh xuất ngân sách trên 1,5 tỉ đồng hỗ trợ người dân mua phương tiện xây dựng nhà kho dự trữ.
Bước vào mùa vụ muối năm 2011, diêm dân vẫn còn uể oải vì những biến động giá từ năm trước chuyển sang. Ông Trần Thanh Tuấn, ấp Diêm Điền, xã Điền Hải phân trần: “Làm muối mấy chục năm nay rồi, không thể bỏ nghề được. Nói vậy chớ biết đâu năm nay giá muối lên được đôi chút”.
Niềm hi vọng của ông Tuấn cùng với trên 3.600 hộ dân làm muối tại Bạc Liêu nhanh chóng tắt lịm theo những cơn mưa trái mùa. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Bạc Liêu, trong hai đợt mưa vừa qua toàn bộ 100% diện tích muối của Bạc Liêu đều bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước tính mất đến 24.500 tấn muối đang chờ thu hoạch. Mưa trái mùa, nước ngập các đồng muối đến nỗi ngành nông nghiệp tỉnh đã báo cáo kết thúc vụ muối năm 2011. Sở NNPTNT đã chính thức có tờ trình xin UBND tỉnh hỗ trợ cho diêm dân bị thiệt hại với số tiền trên 10 tỉ đồng.
Bao giờ diêm dân hết khổ
Nghịch lý trong việc sản xuất muối tại Bạc Liêu không phải mới diễn ra mấy năm nay mà nó đã tồn tại khá lâu. Thấy được điều này, ngay sau khi tái lập tỉnh Bạc Liêu (1997), UBND tỉnh đã xin Bộ NNPTNT quy hoạch đồng muối Bạc Liêu gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến tiêu thụ, xuất khẩu.
Theo đó, nhà máy muối tinh chất lượng cao đã được xây dựng tại TP.Bạc Liêu với công suất thiết kế 10.000 tấn nguyên liệu/năm. Đây là nhà máy chế biến muối khá chất lượng. Ngoài sản phẩm muối Iốt, còn chế biến dùng để xuất khẩu. Dù vậy, khả năng thu mua của nhà máy này cũng không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thu bình quân 180.000 tấn/năm của bà con diêm dân tại Bạc Liêu.
Để tăng năng suất, giảm giá thành, Bộ NNPTNT đã quy hoạch vùng sản xuất muối tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải. Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch còn quá chậm. Cho đến nay các hệ thống thủy lợi, nhà xưởng, máy móc... vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Một số kinh mương của dự án này đã bồi lắng gần hết.
Ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết: “Người làm muối Bạc Liêu hầu hết sản xuất theo phương thức cũ. Chủ yếu bằng kinh nghiệm, truyền từ đời này sang đời khác. Vì vậy, chi phí sản xuất còn cao và năng suất còn thấp so các tỉnh miền Trung. Để giúp cho diêm dân có lời từ nghề muối chúng tôi đã triển khai một số tiểu dự án sản xuất trắng bằng phương pháp trải bạc cho năng suất cao. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, trong khi đa số diêm dân tại Bạc Liêu đều khó khăn”.
Để nâng cao thu nhập cho diêm dân Bạc Liêu, chính HTX Diêm nghiệp Doanh Điền là đơn vị đi tiên phong trong việc sản xuất kết hợp: Đưa ra mô hình muối – cá kèo, muối – tôm trong phương án sản xuất của mình. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm HTX này cho biết: “Gọi là mô hình muối – cá kèo, muối – tôm, nhưng thực tế con cá kèo, con tôm mới là nguồn thu nhập chính của xã viên. Hạt muối đã trở thành thu nhập phụ của những người được gọi là diêm dân”.
Nhằm tìm đầu ra cho hạt muối, tháo gỡ khó khăn đối với diêm dân Bạc Liêu, mới đây ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ địa phương 4, VP Chính phủ, đã có đợt kiểm tra các dự án đầu tư sản xuất muối tại Bạc Liêu. Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần nhanh chóng quy hoạch lại diện tích muối, có sự đầu tư thích hợp sao cho giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất hạt muối diêm dân mới sống được từ sản xuất muối.
Nhật Hồ/ Lao Dong