itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Giá gạo tăng đột biến và hiện tượng đầu cơ

Giá gạo tăng đột biến và hiện tượng đầu cơ

Ảnh: VnExpress

Giá gạo trong nước tăng vọt trong hai ngày qua. Giá tăng nhưng người bán hàng thậm chí than thở không có gạo để bán! Đã có dấu hiệu gom và ghim lúa gạo để chờ giá tăng tiếp. Người dân lại hoang mang về khả năng gạo tăng giá, đổ xô đi mua khiến giá vài loại gạo tăng gấp đôi chỉ trong ngày một, ngày hai.

Trong những ngày gần đây có rất nhiều đối tượng đã và đang tham gia đầu cơ gạo, đẩy giá mặt hàng này tăng lên. Trong đó, hầu hết các cơ sở xay xát, các doanh nghiệp cung ứng gạo đều tham gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trước nay chủ yếu kinh doanh các mặt hàng nông sản khác như hạt tiêu hay cà phê, chưa từng tham gia kinh doanh gạo, nay cũng chuyển hướng đầu tư vốn thu gom gạo để đầu cơ.

Như vậy, so với cùng thời điểm này mọi năm, sản lượng gạo ký hợp đồng cũng như giao hàng đều ít hơn, do đó có thể khẳng định hoạt động xuất khẩu không phải là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến cung cầu ở thị trường nội địa. Cũng cần nói thêm là so với mọi năm, vụ đông xuân năm nay tại ĐBSCL trúng mùa hơn, nhiều nơi lúa đạt năng suất cao hơn năm trước khoảng 2 tạ/ha. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng thông tin về giá gạo trúng thầu xuất khẩu khá cao mới đây tác động ít nhiều đến giá tại thị trường nội địa, dù sản lượng tham dự thầu đợt này (17-4) rất ít, chỉ khoảng 80.000 tấn.

Tại TP.HCM, tình hình giá cả cũng diễn biến tương tự. Giá gạo tẻ, loại gạo bình dân nhất, đã lên 10.000 đồng/kg, một số cửa hàng bán giá 11.000 đồng/kg loại gạo tẻ, các loại gạo đặc sản còn tăng kinh khủng hơn đến 17.000-20.000 đồng/kg.

Có thể nói giá gạo đang bị đẩy lên vô tội vạ và dường như đang bị ảnh hưởng thêm từ tâm lý ghim hàng chờ giá của các chủ sạp. Rất nhiều tiểu thương không chịu bán gạo với số lượng nhiều trừ những mối quen vì sợ hiện tượng gom hàng trong dân. Chủ sạp các gạo cho hay chỉ bán 10-20kg cho người dân mua về ăn chứ không bán nhiều hơn. Giá gạo tăng nhưng người bán than không có hàng để bán.

Ngày 27-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; các Bộ, ngành có liên quan, theo đó nêu rõ: Sản lượng lương thực của nước ta năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu.

N.B (tổng hợp)