itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Kinh tế VN: Đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất?

Kinh tế VN: Đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất?

Kinh tế VN đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng chỉ tiêu tăng trưởng cả năm khó đạt được. Lãi suất NH có xu hướng giảm. Đó là nhận xét của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên HĐ tư vấn Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM.

Ông Ngân đã có bài trả lời phỏng vấn báo Lao Động.

* Thưa PGS-TS, theo đánh giá của ông thì lạm phát đã ở trong tầm kiểm soát? Từ nay đến cuối năm CPI sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

- Lạm phát đang có xu hướng giảm dần. Chỉ số CPI trong 6 tháng đầu năm là 20,34%, bình quân 3,39%/tháng. CPI tháng 7 là 1,13%. Trong tháng 8, mặc dù việc điều chỉnh giá xăng dầu đã tác động đến giá cả thị trường nhưng dự báo CPI cũng chỉ trong khoảng từ 1,5- 1,8%.

Nhiều mặt hàng, nhất là xăng dầu, vật liệu xây dựng... đang có xu hướng giảm giá. Theo tôi, CPI trong tháng 9 và những tháng còn lại trong năm sẽ từ 1% trở xuống, bình quân 6 tháng cuối năm sẽ thấp hơn 1,5%. Theo cách tính của các tổ chức nước ngoài, lạm phát cơ bản của VN trong vòng 1 năm qua là 11%.

Từ nay đến cuối năm ít có khả năng xảy ra biến động giá. Một mặt, xã hội đang cắt giảm tiêu dùng. Một mặt, Chính phủ đang cố gắng áp dụng các biện pháp bình ổn giá, chống đầu cơ. Nhập siêu đã được kiểm soát. Các khoản đầu tư nước ngoài, vốn ODA, kiều hối đều tăng cao, đủ để bù vào khoản thâm hụt cán cân thanh toán.

* Dự báo tăng trưởng có đạt được chỉ tiêu và liệu còn có mối nguy hiểm nào đe doạ nền kinh tế?

- Có thể khẳng định giai đoạn nguy hiểm nhất đã qua. Các giải pháp chống lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ đã phát huy tác dụng tốt. Tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng trên 6,5% nhưng sẽ khó đạt được chỉ tiêu đã điều chỉnh là 7%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối đe doạ đối với nền kinh tế và cần lường trước những tình huống xấu. Kinh tế thế giới vẫn chưa thật sự phục hồi.

Ở thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục ngăn chặn những hành vi có thể gây tổn hại đến "sức khoẻ" nền kinh tế như lãng phí chi tiêu công, sử dụng vốn không hiệu quả và cạnh tranh kém, tiêu dùng hàng xa xỉ...

* Thưa ông, đã có tín hiệu nào cho thấy lãi suất NH sẽ giảm?

- Trước tình hình lạm phát giảm, NHNN cần giảm dần lãi suất cơ bản từng bước một, từ 50-100-200 điểm... và có thể bắt đầu từ đầu tháng 9. Nhiều nước điều hành lãi suất cơ bản dựa vào lạm phát cơ bản và VN cũng cần như thế.

Theo tôi, từ nay đến cuối năm, lãi suất cơ bản giảm dần xuống 12% là phù hợp. Lãi suất giảm cũng sẽ giúp các DN có nguồn vốn ổn định sản xuất, nhất là các DN vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc điều chỉnh lãi suất sẽ giúp ngành NH đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 30% cả năm và góp phần tăng trưởng kinh tế.

* Theo đánh giá của ông, các NH - "mạch máu" của nền kinh tế - đã cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất?

- Năm 2008 là một năm đầy khó khăn. Các NHTM đã có nhiều cố gắng trong việc góp phần chống lạm phát. Vì vậy, NHNN và Bộ Tài chính cần chia sẻ bớt gánh nặng bằng cách hỗ trợ tiền lãi cho khoản dự trữ bắt buộc (LS dự trữ bắt buộc 1,2%/năm, có thể hỗ trợ 4-6%). Bước qua năm 2009 tình hình sẽ được cải thiện. Tháng 2.2009, NHNN sẽ trả tín phiếu bắt buộc và sau đó có thể sẽ giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, cũng cần có "kịch bản" sắp xếp, sáp nhập những NH yếu kém.

Trương Định – ( Theo LĐ )