itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Lãi suất vẫn là gánh nặng

Lãi suất vẫn là gánh nặng

Cuối tháng 10-2014, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 5,5%/năm; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế xuống còn 7%/năm. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết vẫn chưa được NH thông báo hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, trong khi lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn ở mức 11%-13%/năm, thậm chí cao hơn.

Lãi vay chưa giảm

Ngay khi có thông tin hạ trần lãi suất huy động và các NH thương mại liên tục điều chỉnh giảm, hạ lãi suất đầu vào, Công ty CP Thủy đặc sản Việt Nam (Seaspimex) đã liên hệ NH hỏi về khoản vay trung, dài hạn đang trả lãi 11%/năm. Tuy nhiên, NH cho biết phải chờ tới kỳ điều chỉnh mới xem xét giảm lãi suất.

“Với mức lãi suất vay 11%/năm, công ty không dám mạnh dạn đầu tư bởi áp lực trả lãi rất lớn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay” - ông Đỗ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Seaspimex, cho biết.

Giai đoạn 2009-2010, Seaspimex đã đầu tư xây dựng nhà máy quy mô lớn khi lãi suất vay chỉ 8%-9%/năm. Sau đó, lãi suất bất ngờ tăng mạnh lên 17%-19%/năm khiến công ty gặp nhiều khó khăn vì áp lực chi phí tài chính.

“Rất nhiều DN thủy sản rơi vào tình trạng phá sản do đầu tư bằng vốn vay và không chịu nổi gánh nặng lãi suất khi kinh tế suy thoái. Seaspimex cầm cự mấy năm qua, đến giờ mới bắt đầu ổn định trở lại, có khách hàng và gia công sản phẩm cho nước ngoài. Chúng tôi rất muốn vay thêm vốn để sản xuất (hiện nhà máy chỉ chạy khoảng 30% công suất) nhưng tài sản đã thế chấp hết ở NH và lãi suất vay trung, dài hạn vẫn còn quá cao. Nếu lãi vay giảm về mức 7%-8%/năm, DN sẽ đỡ áp lực hơn” - ông Vinh kỳ vọng.

Muốn vay cũng không dễ

Giám đốc một DN sản xuất quần áo trẻ em tại quận 9, TP HCM cho biết công ty ông vừa vay thêm vài tỉ đồng tại một NH cổ phần để mở rộng sản xuất - kinh doanh với lãi suất trung, dài hạn 12%/năm. “Công ty không có nợ xấu nhưng để vay được không phải dễ, thủ tục rất nhiêu khê. Mức lãi suất này không hề rẻ như các NH quảng cáo” - ông nói.

Khi được hỏi có liên hệ NH đề nghị điều chỉnh lãi suất vay vì trần huy động đã hạ, vị giám đốc cho biết ông đang cần NH nên không dám đòi giảm lãi suất. “Sức mua vẫn rất yếu và chúng tôi đang nỗ lực để giải phóng hàng tồn kho. Nếu lãi suất huy động từ 4%-7%/năm mà NH cho vay 12%/năm thì quá khó cho DN” - ông bày tỏ.

Trong lĩnh vực bất động sản, lãi suất vẫn là gánh nặng khi DN phải trả khoảng 13%/năm cho kỳ hạn vay 12 tháng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết có một nghịch lý đang diễn ra là lãi suất vay trung, dài hạn lại cao hơn lãi suất vay ngắn hạn vì NH không cơ cấu được nhiều nguồn vốn dài hạn để DN vay đầu tư. Các NH lý giải rằng do nguồn vốn huy động ngắn hạn hiện chiếm 75%-85% tổng vốn huy động, trong khi quy định chỉ cho phép NH dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung, hạn dài.

Một điểm bất hợp lý khác nữa là chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay quá cao. Theo lãnh đạo Hiệp hội DN TP HCM, trong khi lãi suất huy động trung, dài hạn tại các NH hiện chỉ 7%-8%/năm, thậm chí một số NH đưa về còn 6,3%/năm cho các kỳ hạn từ 13-60 tháng thì lãi suất cho vay trung, dài hạn lại ở mức 12%-13%/năm. Chênh lệch huy động và cho vay đang giãn rộng mà phần lợi nghiêng về phía NH.

“Không ít DN nói rằng nếu lãi suất trung, dài hạn dưới 10%/năm, họ sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Còn hiện nay, làm ăn đã khó mà lãi suất thì quá sức nên không ai dám vay NH để đầu tư” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nhận xét.

Ông Châu cho biết dù lãi suất cao nhưng DN vẫn rất khó tiếp cận vốn do NH không hạ chuẩn cho vay nên cần tài sản bảo đảm thay vì đánh giá trên dự án đầu tư, tính khả thi của dự án. “Ngay cả gói 30.000 tỉ đồng cũng nên cho những DN làm dở dang vay để tiếp tục hoàn thiện dự án, nhất là các dự án có giá trị căn hộ dưới 1,05 tỉ đồng. Song, đến nay vẫn chưa nhiều DN tiếp cận được” - ông Châu nêu bất cập.

Cần thêm gói hỗ trợ

“Nếu không đầu tư vào máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, các DN trong nước sẽ không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập tràn vào, chưa nói đến việc vươn ra nước ngoài. Do đó, cần có những gói hỗ trợ cho DN để đầu tư vào phát triển, nghiên cứu các sản phẩm giá trị gia tăng cao khi Việt Nam ngày càng hội nhập với quốc tế, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực” - ông Phạm Ngọc Hưng kiến nghị.

Thái Phương

người lao động