itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Ngành nhựa trước thách thức mới

Ngành nhựa trước thách thức mới

Công nhân Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông

đóng gói sản phẩm màng Eva và PE.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những năm qua, ngành nhựa Việt Nam đã vươn lên đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nhựa cũng đang đứng trước những thách thức mới.

Một ngành công nghiệp phát triển nhanh

Vào một ngày cuối năm 2007, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, thông báo với chúng tôi một tin vui: Công ty TNHH một thành viên Nhựa Bình Minh miền bắc được xây dựng tại tỉnh Hưng Yên chính thức đi vào hoạt động. Với vốn đầu tư 150 tỷ đồng, nhà máy này mỗi năm có thể cho "ra lò" 20.000T ống theo "bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO", trong đó có loại ống cấp nước HDPE bán cứng có độ dẻo và đàn hồi cao.

Một tin vui khác đến từ Dung Quất vào cuối tháng 11-2007: Ban quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã ký hợp đồng EPC (tổng thầu) với Tập đoàn cơ khí Huyndai và LG (Hàn Quốc) xây dựng một nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa với tổng vốn đầu tư lên tới 232 triệu USD, mỗi năm có thể sản xuất 150.000T hạt nhựa.

Trong hơn mười năm qua, ngành nhựa Việt Nam phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt từ 15 đến 25%. Với hơn 2.000 doanh nghiệp (trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 95%), ngành nhựa được coi là một trong những ngành công nghiệp năng động.

Bằng các nguồn vốn khác nhau, hằng năm, các doanh nghiệp nhựa đầu tư hơn hai tỷ USD nhập các thiết bị máy móc hiện đại từ các nước như: Ðức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Pháp... để trang bị như: cán, tráng, ép đùn, ép phun, đùn thổi, ghép, in..., đáp ứng cơ bản nhu cầu của bốn lĩnh vực: tiêu dùng, xây dựng, bao bì và kỹ thuật cao. Nhờ có công nghệ chế tạo khuôn hiện đại có thể sản xuất những bộ khuôn dài hơn 2 m, ngành nhựa đã sản xuất được những mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật cao như: tàu thuyền composite, các phụ tùng phục vụ công nghiệp sản xuất: xe gắn máy, ti-vi, tủ lạnh, máy lạnh cũng như nhiều sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu khác như: ống HDPE chịu áp lực cao, ống xoắn, bao bì đạt tiêu chuẩn, chai PET, sản phẩm bao bì nhiều lớp...

Năm 2007, ngành nhựa sản xuất và tiêu thụ gần ba triệu tấn sản phẩm. Sản phẩm nhựa tính trên đầu người năm 1990 chỉ đạt 3,8 kg/năm thì nay đã tăng lên 22,1 kg/năm. Nhiều doanh nghiệp tạo dựng được những thương hiệu sản phẩm uy tín trong nước như: ống nhựa của Bình Minh, Tiền Phong, Minh Hùng; bao bì nhựa của Tân Tiến, Vân Ðồn; chai PET và chai ba lớp của Oai Hùng, Ngọc Nghĩa, Tân Phú...

Ðiều đáng mừng là sản phẩm nhựa Việt Nam đã có mặt tại thị trường 48 nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2007 là 750 triệu USD (trong đó thị trường Mỹ đứng đầu với hơn 95,2 triệu USD). Nhiều doanh nghiệp có những mặt hàng đứng vững trên thị trường thế giới như: Công ty CP nhựa Rạng Ðông với khăn trải bàn, vải giả da, Công ty CP nhựa Tân Ðại Hưng với bao dệt PP, Công ty CP nhựa Hưng Yên với túi HDPE đựng hàng siêu thị và bao đựng rác.

Những thách thức lớn

Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp nhựa đang phải đối đầu là việc cung cấp nguyên liệu phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu và sự biến động liên tục về giá nguyên liệu. Hiện nay, trong cả nước chỉ có hai nhà máy sản xuất PVC resin là Công ty TPC Vina, Công ty TNHH nhựa và hóa chất Phú Mỹ với tổng công suất mỗi năm khoảng 250.000T PVC; một nhà máy khác của Công ty hóa chất LG Vina mỗi năm cung cấp khoảng 150.000T nguyên liệu DOP.

Nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của các doanh nghiệp nhựa. Vì vậy, hằng năm, ngành nhựa phải nhập khẩu từ hai triệu đến 2,5 triệu tấn các dòng nguyên liệu khác như: PE, PP, ABS, PC, PS...

Do đặc điểm hầu hết các loại nguyên liệu nhựa được sản xuất từ dầu mỏ và khí đốt nên giá nguyên liệu nhựa chịu tác động trực tiếp từ giá các mặt hàng này.

Thí dụ, giá một tấn bột PVC năm 2006 là 830 USD đến năm 2007 tăng lên 960 USD và hiện nay đã lên đến 1.020 USD. Nhưng, điều đáng ngại nhất là giá nguyên liệu nhựa thường tăng đột biến và bất ngờ, khiến các nhà sản xuất không kịp trở tay. Họ không thể liên tục điều chỉnh giá sản phẩm của mình vì phải giữ chữ tín với khách hàng.

Sự cạnh tranh về mặt hàng nhựa ngày càng quyết liệt cả trên thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới. Với thế mạnh về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ, các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng ngày càng nhiều nhà máy nhựa tại Việt Nam.

Trong khi đó, sự phát triển của các doanh nghiệp nhựa không theo quy hoạch tổng thể, mà mang nặng tính tự phát. Các nhà đầu tư tư nhân thường tập trung sản xuất những mặt hàng ăn khách, nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, gây lãng phí về vốn và ít hiệu quả kinh tế. Các doanh nghiệp nhựa chưa thật sự gắn kết, hỗ trợ, bảo vệ nhau trong cơ chế thị trường. Vì thế chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của ngành.

Phần lớn các doanh nghiệp nhựa hình thành và phát triển từ các công ty gia đình, nên vốn hạn hẹp, trình độ quản lý hạn chế, thiếu thông tin cập nhật. Những doanh nghiệp này thường đầu tư chủ yếu vào những ngành hàng đơn giản, đòi hỏi nhiều lao động và lợi nhuận ít. Vì thế, ngành nhựa chưa đủ sức vươn lên trở thành ngành công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất khác.

Một thách thức không nhỏ đối với ngành nhựa là thiếu nguồn nhân lực. Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, cho biết: Các doanh nghiệp nhựa rất lúng túng trong việc tuyển dụng cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Bởi lẽ, hiện nay chưa có một trung tâm hay một trường nào đào tạo nhân lực bài bản cho ngành nhựa.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty nhựa Việt Nam, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất các dòng nguyên liệu nhựa khác nhau không những đủ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu.

Ðể tăng sức cạnh tranh của mặt hàng nhựa Việt Nam trên thị trường, việc nâng cao năng lực, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm là yêu cầu bắt buộc. Cùng với việc đầu tư đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cần tìm ra các giải pháp giảm chi phí sản xuất, trong đó giảm tiêu hao năng lượng điện có ý nghĩa quyết định. Ngành cơ khí cần phối hợp với ngành nhựa, tự mình hoặc liên doanh với nước ngoài, từng bước sản xuất thiết bị, khuôn mẫu để các doanh nghiệp nhựa có thể giảm chi phí đầu tư. Các doanh nghiệp nhựa cần phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, nhất là các doanh nghiệp cùng ngành hàng để hỗ trợ, bảo vệ nhau trong sản xuất kinh doanh trước sự cạnh tranh quyết liệt của hàng nước ngoài.

NGUYỄN PHAN TOÀN (Nhân Dân)