itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Nguồn nhân lực Việt Nam: Thừa và thiếu

Nguồn nhân lực Việt Nam: Thừa và thiếu

Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi gia nhập WTO là chất lượng nguồn nhân lực còn quá thấp, làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Thông tin từ các đơn vị làm dịch vụ xuất khẩu lao động cho biết mặc dù hết sức cố gắng, các đơn vị xuất khẩu lao động ở Hà Nội và TP.HCM cũng chỉ có thể đáp ứng 30% các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài về lao động kỹ thuật, 20% nhu cầu lao động có trình độ trung cấp và đại học. Số còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc chỉ được đào tạo cấp tốc.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhu cầu về lao động, nhất là người có trình độ kỹ thuật ở các khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn. Cả nước hiện có 40 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng tỷ lệ qua đào tạo nghề chỉ đạt không tới 20%, còn lại là lao động phổ thông.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến năm 2010, các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá cần 13.500 người. Trong đó, chứng khoán 5.000 người, bảo hiểm 3.000 người, kiểm toán 5.000 người và thẩm định giá 500 người. Thực tế, nhân lực ngành chứng khoán mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.

Được biết, Chính phủ sẽ dành 1 tỷ USD cho lao động vay học nghề, và phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nâng lên 55%, trong đó lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 25% trở lên; huy động toàn xã hội vào công tác dạy nghề. Riêng về nhân lực công nghệ thông tin ở các trình độ, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 1 triệu người.

Địa phương nào cũng rao tuyển dụng nhân tài theo những tiêu chuẩn giống nhau (20 triệu đồng đối với một giáo sư, 15 triệu đối với tiến sĩ, 10 triệu với thạc sĩ ...) cùng nhiều đãi ngộ khác, nhiều người đã được "thu hút" rồi mới phát hiện thực tế không như lời rao.

Thực tế cho thấy một số công ty Việt Nam đã thành công trong việc chiêu mộ một số nhân sự cao cấp của các công ty nước ngoài về làm việc cho mình. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp cảm thấy không phù hợp văn hoá lãnh đạo theo kiểu gia đình trị hoặc ít phân quyền của những công ty này. Ở các công ty nước ngoài, họ được giao công việc với trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng và được quyết định trong phạm vi tương đối rộng. Với môi trường tư nhân, họ cảm thấy nhiều việc cỏn con vẫn phải phụ thuộc quyền quyết định của người chủ nên bị gò bó không được thoả sức "ra tay". Đó là chưa kể đến tình trạng mâu thuẫn với người thân của chủ do cảm thấy không được tin cậy bằng, do tị nạnh...

Cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động nói chung và cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài nói riêng đang ngày càng gay gắt hơn. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần phải biết chú ý đến các chế độ chính sách cho nhân tài, thậm chí còn phải biết chấp nhận những "tật" riêng của họ. Phải biết tin tưởng và giao việc cho họ để họ thấy rằng họ có cơ hội làm việc tốt hơn, thăng tiến dễ hơn và tạo niềm tin để làm việc, cống hiến.

N.B (Tổng hợp)