itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / “Thập diện mai phục” rủi ro trong ngành công nghiệp bảo hiểm

“Thập diện mai phục” rủi ro trong ngành công nghiệp bảo hiểm

Mặc dù được sử dụng như một công cụ hạn chế rủi ro, nhưng chính bản thân ngành bảo hiểm - một ngành kinh doanh còn khá mới mẻ trong thị trường Việt Nam hiện nay, cũng phải đương đầu với rất nhiều những rủi ro từ những biến động của tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

Rủi ro kinh tế

Theo chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2010 đã được chính phủ phê duyệt, tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành bảo hiểm về doanh thu đạt mức trung bình 24%, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng bình quân 16,5%. Tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành so với GDP đạt 4,2% vào năm 2010.

Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của các ngành, các lĩnh vực đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, công nghiệp, nông nghiệp, các ngành dịch vụ, du lịch… trong thời gian qua có tốc độ phát triển nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngành bảo hiểm có mức độ phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế. Do đó, nếu nền kinh tế chững lại hoặc không ổn định… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm.

Rủi ro thị trường

Hội nhập là xu hướng tất yếu, Việt Nam không thể đứng ngoài quá trình này. Việc thực thi các chính sách mới sẽ cần phải có thời gian thích nghi với môi trường kinh doanh mới.

Bảo hiểm là một ngành dịch vụ mang tính toàn cầu, rủi ro bảo hiểm không giới hạn trong phạm vi một nước. Hoạt động bảo hiểm phải thực hiện tái bảo hiểm để phân tán rủi ro và cùng nhau gánh chịu tổn thất xảy ra. Thị trường bảo hiểm các nước chịu sự tác động lẫn nhau, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau. Hơn nữa, theo yêu cầu thực hiện những cam kết song phương và đa phương của Việt Nam với các nước ASEAN, liên minh châu Âu, Mỹ, thực hiện cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ tạo ra cơ hội và thách thức đòi hỏi thị trường bảo hiểm phải gia tăng năng lực cạnh tranh, cũng như phát triển phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Việc mở cửa thị trường sẽ mở ra áp lực cạnh tranh rất cao, không những đối với các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động mà còn đối với cả những doanh nghiệp sắp hoạt động. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh và hệ thống quản lý hiện đại sẽ là những đối thủ cạnh tranh thực sự đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Các hãng bảo hiểm ở Việt Nam

Rủi ro luật pháp

Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động theo hình thức Tổng công ty cổ phần sẽ chịu ảnh hưởng của các văn bản pháp luật về cổ phần hóa, chứng khoán và thị trường chứng khoán. Luật và các văn bản dưới luật trong lĩnh vực này đang trong quá trình hoàn thiện, sự thay đổi về mặt chính sách luôn có thể xảy ra và khi xảy ra sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp.

Rủi ro trong hoạt động kinh doanh

Ngành kinh doanh bảo hiểm là một ngành mới đối với Việt Nam, vì vậy, nhận thức của người dân vẫn còn thấp, chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm bảo hiểm. Tâm lý người tiêu dùng lại thích dùng hàng ngoại, ưa quà tặng, khuyến mãi… mặc dù bảo hiểm là một sản phẩm đặc thù, thiết yếu cho cuộc sống. Đây là những yếu tố tác động rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của ngành bảo hiểm.

Thêm vào đó, nếu quy trình quản lý không tốt sẽ dễ xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm. Đây là rủi ro thường nhật mà các công ty bảo hiểm luôn phải chú ý. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế quản lý để giảm thiểu rủi ro, tăng cường công tác đánh giá và quản lý rủi ro; cải tiến công tác giám định và quy trình xét giải quyết bồi thường theo hướng kịp thời, chính xác, không gây phiền hà cho khách hàng… là cực kỳ quan trọng.

Các rủi ro khác

Các rủi ro như thiên tai, hạn hán, bão lụt…. là những rủi ro bất khả kháng, nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản, con người và tình hình hoạt động của các công ty bảo hiểm cũng như những doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Lại Thu Giang