itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Vốn FDI vào Việt Nam suy giảm đáng ngại

Vốn FDI vào Việt Nam suy giảm đáng ngại

Kinh tế Việt Nam hiện chưa có dấu hiệu khởi sắc, và nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tức vốn FDI từ đầu năm đến nay tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tức vốn FDI từ đầu năm đến nay tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng

Sự giảm sút này ra sao và liệu có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay?

Suốt 5 tháng vừa qua nguồn vốn FDI Việt Nam nhận được chỉ đạt 6 tỷ 680 triệu đô la, tức chỉ bằng 23, 7% so với cùng kỳ năm trước. Đó là số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, công bố mới đây.

Sự tụt giảm mạnh

Lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam từ nhiều tháng qua quả thật không ngừng suy giảm. Năm nay cam kết đầu tư của nước ngoài, tính đến giờ, chỉ mới có 2 tỷ rưỡi đô la cho những dự án tân lập và 3 tỷ 900 triệu đô la cho việc tăng vốn đầu tư vào những dự án hiện có, so với cam kết đầu tư của nước ngoài hồi năm ngoái là 64 tỷ đô la.

Hồi tháng Một vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt khoảng 200 triệu đô la, tức giảm đến 9 lần so với cùng kỳ năm 2008.

Sang đến tháng Tư lượng vốn này sụt đến 87% so với cùng kỳ năm trước, tức giảm hơn phân nửa so với lượng vốn đầu tư trong tháng Ba, cũng đã ở vào mức giảm so với trước đó.

Khó khăn bắt nguồn từ kế họach sản xuất, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu vì thị trường Âu, Mỹ sụt giảm lượng đơn đặt hàng. Khó khăn lan rộng dây chuyền sang các lãnh vực khác như xây dựng và du lịch. Đó là nhận định của TS Cung Tiến Hồng, cựu chuyên viện tài chánh tại Bộ tài chánh Pháp.

Sự tụt giảm rõ rệt của nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã được cảnh báo từ nhiều tháng nay. Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ Kế Họach – Đầu Tư dự đoán rằng lượng FDI của Việt Nam năm 2009 chỉ đạt ½ so với năm 2008. Thực tế xem ra còn có vẻ ảm đạm hơn, vì đã gần nửa năm 2009 nhưng con số này chưa đạt tới 7 tỷ đô la, so với mục tiêu Bộ đề ra là 30 tỷ.

Không những chỉ giảm hẳn về lượng mà vốn FDI của Việt Nam năm nay còn chuyển hướng đầu tư. Cả 3 tháng đầu năm nay Việt Nam chỉ nhận được 93 dự án nước ngoài, trong đó những dự án lớn nhất đều thuộc ngành du lịch.

Tháng 4 vừa qua với số dự án tăng lên, đạt mức 145, tuy nhiên lượng vốn đăng ký chỉ 342 triệu đô la.

Nguồn vốn này cũng được đăng ký hầu hết vào khu vực bất động sản, du lịch, và khách sạn, và chỉ có 2 dự án được dành cho khu vực sản xuất như ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Cùng lúc với sự sụt giảm của lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng giảm. Kim ngạch xuất khẩu tháng tư của khối này đạt chưa đến 3 tỷ triệu đô la, giảm gần 9 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sẽ giảm từ 10 đên 15%. Sự kiện đó mang một ý nghĩa nhất định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vì lâu nay 10 mặt hàng chủ lực của khối này chiếm đến một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nguyên nhân vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm đáng kể trong thời gian qua là do sự suy thoái của kinh tế thế giới. Các mối quan hệ giao thương của Việt Nam nói chung không có trở ngại gì lớn tuy nhiên tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và các đối tác mậu dịch hàng đầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Anh Quốc, Singapore, và Hàn Quốc. Và điều này đã tác động đến nguồn vốn đầu tư từ đó đổ vào Việt Nam.

Giải pháp?

Một trong các biện pháp để phục hồi phần nào nguồn vốn FDI cho Việt Nam, theo giới chuyên gia kinh tế, là cải thiện chính sách thuế khoá. Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngọai của Việt Nam, đựơc tổ chức tại Hà Nội hồi tháng Ba năm nay, đồng ý chung là thuế khoá của Việt Nam cần phải năng động để thu hút các nhà đầu tư.

Bản thân giám đốc Phòng thương mại EU, ông Alain Cany đã lên tiếng đề nghị Hà Nội xem xét lại các chính sách thuế khoá.

Kinh tế toàn cầu suy thoái đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Việt Nam đã điều chỉnh nguồn vốn FDI 2009 xuống chỉ bằng 50% so với 2008, nhưng đã gần nửa năm trôi qua lượng vốn chính thức nhận được chưa đạt đến một phần tư.

Dù vậy, Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam có thể vượt qua cơn chao đảo này nếu biết tận dụng những lợi thế khác. Sau khi Bộ Kế họach – Đầu tư cho biết hồi cuối tháng Ba là mức tăng trưởng kinh tế Quý 1 năm nay chỉ đạt hơn 3, 1% so với cùng thời kỳ năm trước, chuyên viên tài chính Bùi Kiến Thành cho biết:

"Khủng hỏang toàn cầu tác động đến Việt Nam, nhưng kinh tế Việt Nam không phải là nền kinh tế công nghệ cao. Sản phẩm của Việt Nam vẫn còn bán được, và vấn đề chỉ là giá cả. Nhu cầu quốc tế mua lúa gạo của Việt Nam vẫn còn ổn định. Ngoài ra những sản phẩm cho thị trường nội địa Việt Nam thì có thể nói là thị trường này chưa bị "bội thực", tức là vẫn còn có thể phát triển được."

VnExpress