itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / “GM phá sản, VN-Index điều chỉnh về 350-370 điểm cũng là một khả năng”

“GM phá sản, VN-Index điều chỉnh về 350-370 điểm cũng là một khả năng”

Trao đổi với PV về những tác động và ảnh hưởng khi GM phá sản đối với chứng khoán Mỹ và từ đó sẽ có những tác động tới thị trường trong nước, ông Ngô Văn Minh – Giám đốc nghiên cứu và phân tích của Công ty quản lý Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF) đã có những ý kiến khá cụ thể.

Việc Hãng xe khổng lồ của Mỹ là General Motor (GM) nộp đơn xin phá sản vào ngày 1/6 để lại những hệ lụy chắc chắn không nhỏ bởi quy mô quá lớn của nó.
Về việc này, ông Ngô Văn Minh – Giám đốc nghiên cứu và phân tích của Công ty quản lý Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF) cho biết, “Ngành ngân hàng và công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế Mỹ. Như chúng ta đã thấy, việc phá sản đại gia ngân hàng Lehman Brothers đã gây hiệu ứng Domino, làm cho cả thế giới điêu đứng trong cơn khủng hoảng tài chính.
GM - hãng ô tô khổng lồ của Mỹ, với trên ¼ triệu công nhân và doanh số bán hàng đã từng đạt 150 tỷ USD/năm. GM không chỉ là hãng sản xuất ô tô mà còn là hãng cung cấp phụ tùng khổng lồ và sở hữu nhiều hãng ô tô khác như Isuzu, Opel, GM Daewoo…Tóm lại, GM là doanh nghiệp cực lớn kể cả về mặt tài chính, kinh tế và chính trị.
“Việc GM bị phá sản, theo tôi cũng sẽ gây ra một hệ lụy khá nặng nề cho nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh đang le lói các dấu hiệu của sự chạm đáy và hi vọng về khả năng phục hồi. Về dài hạn, việc phá sản GM theo Điều 11 là được phép tái cơ cấu để xây dựng lại nếu được giải quyết ổn thỏa sẽ có kết quả tích cực. Tuy nhiên, xét về ngắn hạn, rủi ro nhất có thể xảy ra là hiệu ứng Domino đối với ngành công nghiệp ô tô của Châu Âu và thế giới”, ông Minh nhấn mạnh.
Sau thời gian khá dài gặp khó khăn trong sản xuất, từ trước đó đồng thời giá dầu tăng cao kỷ lục trong năm 2008 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra đã đánh gục những nỗ lực của GM.
Thời gian gần đây hãng xe này liên tục phải cắt giảm hàng loạt đại lý cũng như nhân công và hầu hết các nhà máy tại Mỹ. Nhu cầu tiêu dùng giảm xuống mạnh đã khiến không chỉ GM mà nhiều ngành sản xuất khác gặp khó khăn. GM cho biết, trong quý I/2009, tập đoàn đã thua lỗ 6 tỷ USD trong khi doanh thu giảm gần một nửa.
Các khoản viện trợ kèm theo yêu cầu cải tổ đã không thực hiện được, việc xúc tiến đàm phán với các bên để giải quyết khoản nợ 28 tỷ USD của GM không thực hiện được và tập đoàn này dự kiến nộp đơn xin phá sản vào ngày 1/6.
Những rủi ro có thể gặp phải sau khi GM phá sản
Theo ông Minh, việc GM phá sản và có khả năng phải đóng cửa nhiều nhà máy sẽ gây ra các rủi ro sau:
Kết quả của việc tái cấu trúc lại GM, sẽ làm cho số lượng công nhân viên của GM, các nhà cung cấp, các nhà phân phối có khả năng mất việc làm sẽ không nhỏ. Ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp vốn đang khá bi quan của Mỹ; GDP của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng, khi một công ty với chuỗi nhà cung cấp lớn có doanh số chiếm 1% GDP bị phá sản; Rất nhiều triệu USD bảo hiểm CDS cho các khoản nợ của GM có thể gây ra các hiệu ứng xấu;
Các chỉ số lòng tin vốn đang có sự cải thiện sẽ bị ảnh hưởng không ít; và điều nguy hiểm nhất là rất có thể gây ảnh hưởng dây chuyền theo hiệu ứng Domino đến các hãng sản xuất xe hơi khác, và rất nhiều các nhà sản xuất phụ tùng trong ngành công nghiệp ô tô.
"Theo tôi việc GM phá sản sẽ là cú sốc thứ 2 sau Lehman Brothers về khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ", ông Minh nhận định.
"Qua phân tích sơ bộ những mặt tích cực và rủi ro từ việc phá sản GM, trong trường hợp GM nộp đơn xin phá sản và nếu quá trình này kéo dài thì khả năng TTCK Mỹ có tác động xấu đi là hoàn toàn có thể, và trong trường hợp đó thì việc VN-Index điều chỉnh xuống mức 350-370 cũng sẽ là 1 khả năng có thể xảy ra", Giám đốc nghiên cứu và phân tích của Công ty quản lý Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF) cảnh báo.
Có thể thấy, vụ GM bắt đầu thấm vào chứng khoán Việt Nam từ phiên giao dịch cuối tuần vừa qua. Không lâu sau khi có tin General Motors (GM) sẽ nộp đơn xin phá sản vào ngày 1/6/2009, hai sàn của Việt Nam đã giảm điểm, dù trong đợt 1 đã xuất hiện lực cầu khá tốt.
Sàn HOSE đã giảm giá cho tới hết phiên sau khi có thông tin trên. Riêng sàn HaSTC, với việc các cổ phiếu lớn dường như được đỡ giá vào phút cuối, đặc biệt là cổ phiếu ACB, nên đã có được một phiên tăng điểm.
Cho dù vậy, qua quan sát diễn biến trên các sàn cũng như lắng nghe trao đổi của rất nhiều nhóm đầu tư, các phóng viên ghi nhận được tâm trạng khá lo lắng trước việc GM xin phá sản.
Không ít nhà đầu tư đã chấp nhận bán ra cổ phiếu. Họ muốn có được những quyết định an toàn hơn trong các phiên tới, sau khi đã chứng kiến phản ứng của giới đầu tư Việt Nam cũng như thế giới đối với sự việc quan trọng này.

Nguồn: Lê Minh (ATP)