itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Hàn Quốc: Ai đứng đằng sau vụ bắt cóc ông Kim Dae-Jung?

Hàn Quốc: Ai đứng đằng sau vụ bắt cóc ông Kim Dae-Jung?

Cựu Tổng thống Kim Dae-Jung.

Sau khi thừa nhận thực hiện vụ bắt cóc lãnh đạo đảng đối lập Kim Dae-Jung, ngày 25/10, cơ quan Tình báo Hàn Quốc (KCIA) tiếp tục gây chấn động dư luận bằng thông tin rằng chính Tổng thống thời bấy giờ là Park Chung-Hee đã phê chuẩn vụ bắt cóc.

Vụ việc xảy ra vào ngày 8/8/1973. Khi đó, ông Kim Dae-Jung đang ở Nhật Bản, trọ trong một khách sạn lớn giữa thủ đô Tokyo và chuẩn bị cho việc thành lập Liên minh các tổ chức Hàn Quốc có trụ sở tại Nhật Bản. Liên minh này sẽ cùng ông đấu tranh cho nền dân chủ ở Hàn Quốc.

Chính các nhân viên của KCIA đã thực hiện vụ bắt cóc một cách khéo léo rồi bí mật đưa ông tới một chiếc tàu thủy, chở luôn ra nước ngoài.

Cuộc sống của ông Kim Dae-Jung sẽ trở thành bi kịch nếu không có sự can thiệp của chính quyền Mỹ. Tư liệu của Hải quân Mỹ có ghi rằng chiếc tàu chở ông Kim Dae-Jung đã bị máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ chặn và bị tàu hải quân kiểm tra.

Ngày 13/8/1973, Kim Dae-Jung được đưa trở lại Seoul và bị giam lỏng trong nhà nhiều năm. Thời điểm đó, dư luận có đôi lần nhắc đến vụ bắt cóc. Nhiều người đã đặt câu hỏi về vai trò của quân đội Mỹ. Donald Gregg, cựu Đại sứ Mỹ, người làm việc với tư cách là sĩ quan tình báo tại Seoul thời bấy giờ trong lần trả lời phỏng vấn báo chí năm 1998 có hé lộ rằng, chính Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đã đến gặp Tổng thống Park Chung-Hee để đề nghị thả ông Kim Dae-Jung.

Đảng đối lập ở Hàn Quốc còn tự mở cuộc điều tra riêng để tìm ra thủ phạm. Một số người thậm chí đã gay gắt chỉ trích Giám đốc KCIA thời bấy giờ là Lee Hu-Rak và ám chỉ cả tới Tổng thống Park Chung-Hee. Song tất cả đều dần bị chìm vào quên lãng.

Về phía mình, Tổng thống Park Chung-Hee liên tục từ chối có liên quan và khẳng định đây là hành động của một nhóm tình báo nước ngoài. Một quan chức cấp cao của Seoul thời bấy giờ còn khẳng định rằng chính tình báo Nhật Bản là thủ phạm. Vụ việc đã khiến mối quan hệ giữa Nhật Bản - Hàn Quốc trở nên căng thẳng.

Giờ thì tất cả đã được phơi bày. Theo nội dung trong bản báo cáo dài 3.300 trang của KCIA (nay là NIS), chi tiết vụ bắt cóc đã được miêu tả rất kỹ. Chính Tổng thống Park Chung-Hee đã ra lệnh bắt cóc Kim Dae-Jung vì sợ ông sẽ trở thành đối thủ chính trị của mình trong cuộc bầu cử tới.

Sau khi lời phản đối bị bác bỏ, Giám đốc KCIA Lee Hu-Rak buộc phải ra lệnh cho cấp phó của mình lên kế hoạch vụ bắt cóc. Năm đó, Kim Dae-Jung mới 47 tuổi và thực sự đang là ngôi sao sáng chói trên làng chính trị Hàn Quốc.

Năm 1979, Tổng thống Park Chung-Hee đã bị chính nhân viên tình báo của mình ám sát. Người kế nhiệm ông là Chun Doo Hwan, tiếp tục theo đuổi đường lối lãnh đạo quân quyền.

Năm 1980, Chun Doo Hwan đã cáo buộc Kim tội phản động và xét xử ông tội chết trong một phiên toà quân sự. Nhưng sau đó, bản án được đổi lại và Kim Dea-Jung phải chịu cuộc sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1982.

Đến năm 1997, Kim Dea-Jung đã trở thành lãnh đạo đảng đối lập đầu tiên ở Hàn Quốc ngồi vào vị trí Tổng thống. Năm 2000, ông được vinh dự nhận giải thưởng Nobel Hòa bình cho những đóng góp trong phong trào dân chủ ở Hàn Quốc.