itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / John McCain - bước một chân vào Nhà Trắng

John McCain - bước một chân vào Nhà Trắng

Với việc giành được vị trí ứng cử viên duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới, có thể nói ông John McCain đã nắm trong tay 50% cơ hội để trở thành ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng. Chiếc ghế tổng thống Mỹ chưa bao giờ ở gần chính trị gia kỳ cựu này đến vậy. Liệu lần này ông có thành công?

Chiến binh kiên cường trên con đường vào Nhà Trắng

Lần đầu tiên ông McCain nhắm đến chức Tổng thống Mỹ là năm 1999 khi nhiệm kỳ của ông Bill Clinton sắp kết thúc. Ra tranh cử tổng thống, ông tuyên bố sẽ "đấu tranh để cứu chính quyền khỏi tay những kẻ môi giới quyền lực và những đặc quyền, trả chính quyền lại cho nhân dân và cho cuộc đấu tranh vì tự do cao quý mà nó được tạo ra để phục vụ".

Thời điểm đó ông rất được lòng các cử tri độc lập và giới truyền thông. Ông rong ruổi trên chiếc xe buýt có tên "Tàu tốc hành nói thẳng", nói chuyện ở rất nhiều toà thị chính, trả lời mọi câu hỏi của cử tri và tận dụng các phương tiện truyền thông tự do để bù đắp cho việc thiếu quỹ tranh cử. Một phóng viên đã miêu tả rằng ông nói chuyện suốt ngày với báo chí trên xe buýt của mình, nói nhiều đến nỗi có lúc nói cả những điều không nên nói và vì thế giới truyền thông thích ông.

Nhưng chiến dịch tranh cử đầy ấn tượng này đã không đi đến đích vì có quá nhiều thế lực đứng sau hậu thuẫn đối thủ George W.Bush, người sau này đắc cử tổng thống. Ông McCain rút lui vào tháng 3/2000.

Những hoạt động của ông trên cương vị thượng nghị sĩ McCain trong thời gian đầu cầm quyền của ông Bush mang đậm tính chất đối đầu với tổng thống về mọi mặt, từ y tế, thay đổi khí hậu đến việc kiểm soát súng, thuế... Đến nỗi mà vào năm 2001 và nhiều năm sau này, dư luận đã không ít lần phỏng đoán khả năng ông McCain sẽ rời khỏi đảng Cộng hòa, nhưng ông luôn phủ nhận khả năng này.

Tuy nhiên, sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, ông McCain đã ủng hộ Tổng thống Bush và cuộc chiến do Mỹ khởi xướng ở Afghanistan. Khi cuộc chiến Iraq manh nha nổ ra tiếp theo, ông McCain vẫn giữ lập trưởng ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Bush. Ông tuyên bố: Iraq là "mối nguy hiểm rõ ràng và hiển hiện đối với nước Mỹ" và bỏ phiếu thuận cho cuộc chiến này tháng 10/2002.

Khi mùa bầu cử tổng thống lại đến năm 2004, ông McCain được nhắc đến với việc được đề cử vào chức phó tổng thống, có điều lần này là cùng với ứng cử viên của đảng Dân chủ John Kerry. McCain cho biết ông Kerry chưa từng chính thức đề nghị ông vị trí đó và khẳng định dù thế nào ông cũng không nhận lời. Thay vào đó ông ủng hộ Tổng thống Bush tái đắc cử. Cách ứng xử này đã giúp ông giành được tỉ lệ yêu - ghét tốt nhất so với bất kỳ chính trị gia trong nước nào (55% - 19%) vào thời điểm tháng 8/2004.

Cơ hội lần thứ 2 đến với ông khi nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống Bush sẽ kết thúc cuối năm nay. Con đường dẫn đến Nhà Trắng lại một lần nữa trải rộng trước mắt cựu chiến binh này. Ông McCain chính thức tuyên bố khởi động chiến dịch tranh cử ngày 25/4/2007 ở Portsmouth, New Hampshire.

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ John McCain. Ảnh: Time

Khác với lần đầu tiên, chiến dịch lần này của ông đã có lúc tưởng chừng thất bại khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính và nhân lực. Nhưng thần may mắn, lần trước quay lưng với ông, lần này đã sát cánh bên ông: đó là khi ông Mike Huckabee chiến thắng ở Iowa, khiến một đối thủ mạnh khác trong đảng Cộng hòa là ông Mitt Romney suy yếu. Rồi khi ông Rudy Giuliani từ bỏ cuộc đua ở New Hampshire, khiến các ủng hộ viên ôn hòa của ông này quay sang ủng hộ ông McCain. Ông Fred Thompson theo đuổi cuộc đua đến tận bang Nam Carolina, gây khó khăn cho ông Huckabee và giúp ông McCain giành được chiến thắng ở bang quan trọng này. Kể cả ông Huckabee cũng dần dần chuyển từ đối đầu sang hợp tác và ủng hộ ông McCain.

Vậy là sự kiên trì của ông đã được đền đáp xứng đáng bằng những chiến thắng quan trọng để bứt phá trong cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Cộng hòa. Đến ngày 4/3, ông đã giành đủ sự ủng hộ của 1.191 đại cử tri để trở thành ứng viên tổng thống duy nhất của đảng mình, hoàn thành một nửa cuộc đua cam go để sẵn sàng bước tiếp vào chặng hai hứa hẹn còn kịch tính và căng thẳng hơn nữa.

Mặc dù hầu hết các ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hoà đều tỏ ý trung thành với những di sản không mấy vui vẻ của Tổng thống Bush, nhưng ông McCain vẫn chứng tỏ mình là người nổi bật hơn cả.

Ngay cả tờ New York Times cũng không chọn cựu Thị trưởng của mình là ông Rudolph Giuliani, người đã có công biến New York thành một thành phố sạch sẽ, an toàn và trật tự, người đã đứng lên giữa đống đổ nát của sự kiện 11/9 trong khi rất nhiều người, trong đó có cả Tổng thống Bush, không có mặt. Vì theo nhận xét của New York Times, ông Giuliani thực sự không phải là người đáng tin cậy, hẹp hòi, giấu giếm và đầy hận thù. Sự chia rẽ chủng tộc được coi là di sản lớn nhất trong thời gian ông cầm quyền. Và điều tệ nhất là ông đã lợi dụng những ký ức đau thương của sự kiện ngày 11/9/2001 để tô vẽ cho chiến dịch tranh cử của mình.

Ông Mitt Romney tạo ra hình ảnh đối lập với ông Giuliani nhưng ông lại quá nhạt nhoà, cử tri không thể nhận ra được ông đang đứng ở đâu và sẽ đưa nước Mỹ đến đâu. Ông Mike Huckabee, một con người hoà nhã, lại không thành công khi lồng ghép vấn đề tôn giáo vào chiến dịch tranh cử của mình.

Trong khi đó, ông McCain là đảng viên Cộng hoà đầu tiên chỉ trích cách hành động kém cỏi của chính quyền Bush trong cuộc chiến Iraq. Vốn là một người lính từng tham gia chiến tranh, ông McCain là người đi đầu trong việc kêu gọi ngăn chặn sự đối xử thiếu nhân đạo đối với các tù binh, kể cả những tù binh tại nhà tù Guantanamo. Ông cũng sớm nhìn nhận nguy cơ ấm lên toàn cầu và ủng hộ việc cải cách tài chính và nhập cư.

Chính vì vậy, tờ báo lớn nhất của New York kết luận rằng dù tất cả những điều trên không biến ông McCain trở thành một người ôn hoà, nhưng cũng đủ để ông trở thành sự lựa chọn tối ưu cho vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

 

Trên chặng hai của cuộc đua

May mắn tiếp tục theo chân ông khi cuộc đấu nội bộ trong đảng Dân chủ vẫn bất phân thắng bại. Cuộc đối đầu căng thẳng và có lúc gay gắt giữa ông Barack Obama và bà Hillary Clinton có thể gây tổn thương cho bất cứ ai giành chiến thắng để trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ vì họ đã thực sự làm chia rẽ cử tri của chính đảng mình.

Tham gia tranh cử lần này, ông McCain được đánh giá là có rất nhiều lợi thế: ông danh tiếng tầm cỡ quốc gia, có sự tài trợ và nguồn tài chính vững chắc, có công trong việc phơi bày vụ bê bối Abramoff, có một sự nghiệp trong quân đội nổi tiếng, kinh nghiệm tranh cử tích lũy từ năm 2000 và khả năng gây quỹ đáng ngưỡng mộ. Chính vì vậy, ông có thể vượt trước hai đối thủ bên phía Dân chủ trong nhiều cuộc thăm dò.

Kinh nghiệm chính là lợi thế quan trọng nhất của ông McCain. Một cuộc thăm dò do tờ Los Angeles Times phối hợp với Bloomberg tiến hành gần đây đã cho thấy, cử tri chấm điểm ông McCain rất cao về kinh nghiệm, chống khủng bố và giải quyết vấn đề Iraq. Dù cả ông Obama và bà Clinton đều lấy việc chấm dứt tình cảnh rắc rối của Mỹ ở Iraq làm tâm điểm cho chiến dịch tranh cử, nhưng có đến 61% số người được hỏi cho rằng chính ông McCain - một cựu chiến binh - mới là người có nhiều khả năng giải quyết vấn đề Iraq hơn.

Chính bà Clinton cũng phải thừa nhận là ông McCain có một bề dày kinh nghiệm đáng nể. Bà cho rằng bà và ông McCain có thể tận dụng hết những kinh nghiệm của cả cuộc đời, trong khi ông Obama chẳng có gì nhiều hơn một bài phát biểu phản chiến ấn tượng năm 2002. Tuy nhiên cựu đệ nhất phu nhân đã không thể chứng minh tại sao bà lại đặt mình ngang hàng với ông McCain khi không thể đưa ra một ví dụ cụ thể cho thấy kinh nghiệm của bà.

Cuộc thăm dò này cũng cho thấy ông McCain có cả lợi thế trong các vấn đề đối nội. Mặc dù chính ông đã từng tự trào phúng về sự thiếu hụt chuyên môn trong các vấn đề kinh tế, các cử tri vẫn cho rằng ông là người có khả năng đối phó với các vấn đề kinh tế tốt hơn ông Obama, và chỉ thua kém bà Clinton chút xíu.

Tuy nhiên, ông McCain vẫn có một vài điểm yếu đáng chú ý so với hai ứng cử viên của đảng Dân chủ. Việc ngay từ đầu ông McCain đã là người ủng hộ cuộc chiến Iraq và nay ông lại nhận được sự ủng hộ của đương kim Tổng thống George W. Bush khó có thể được coi là một lợi thế quý giá. Bởi lẽ một cuộc thăm dò do tờ Washington Post tiến hành gần đây đã chỉ ra rằng có tới 2/3 người dân Mỹ không đồng tình với cách làm việc của ông Bush và phản đối sự cần thiết của cuộc chiến Iraq.

Sự bảo thủ và thực tế là ông chưa cho thấy mình sẽ hành động khác Tổng thống Bush đã khiến ông thua hai đối thủ của mình trong việc giành phiếu của những cử tri coi trọng sự thay đổi và những ý tưởng mới, những người muốn có một "sự thay đổi căn bản trong cách làm việc của Washington".

Về vấn đề môi trường, hai ứng cử viên của đảng Dân chủ đều đặt vấn đề này là ưu tiên với những bản kế hoạch tỉ mỷ và kỹ lưỡng. Trong khi đó ông McCain lại chưa hề công bố một kế hoạch môi trường toàn diện nào, cho dù trong thời gian làm thượng nghị sĩ, ông có tiếng là quan tâm đến môi trường. Trong việc đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp, ông McCain cũng không được chấm điểm cao do trước đây đảng Cộng hòa đã từng ủng hộ việc trao tư cách công dân cho những người đang định cư bất hợp pháp.

Tuổi tác và sức khỏe cũng có thể trở thành vật cản đối với McCain. Nếu đắc cử, ông sẽ trở thành tổng thống già nhất trong lịch sử nước Mỹ vì vào ngày nhậm chức 20/1/2009, tuổi của ông sẽ là 72 năm và 144 ngày, so với Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức nhiệm kỳ đầu lúc 69 tuổi và 249 ngày. Trước lo ngại của nhiều người, ông khẳng định mình đủ khỏe mạnh để đảm nhận chức tổng thống. Tuy vậy, trước khả năng ông trở thành "Tổng thống già nhất", ông Obama trở thành "Tổng thống da màu đầu tiên" và bà Clinton trở thành "Nữ tổng thống đầu tiên", thì tỉ lệ phản đối tuổi tác của ông cao gấp đôi so với tỉ lệ phản đối màu da của ông Obama và giới tính của bà Clinton.

Thần may mắn có thể tiếp tục mỉm cười với ông khi cuộc cạnh tranh nội bộ của đảng Dân chủ vẫn chưa ngã ngũ, nhưng những điểm yếu của ông vẫn cho thấy ông cần phải nỗ lực lôi kéo cử tri hơn nữa. Thời gian chưa đầy 8 tháng trước cuộc tổng tuyển cử vẫn đủ dài để không thể chủ quan, kể cả với một chính trị gia lão luyện như John McCain. Chính ông khi ăn mừng chiến thắng ngày 4/3 cũng đã tự nhắc mình rằng "Chẳng có gì là không thể xảy ra ở nước Mỹ" và cánh cửa cơ hội mở ra được thì cũng có thể đóng lại được.

Thủy Chung / VietNamNet