itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Bài hát Việt: Lối đi chung cho âm nhạc truyền thống và thị trường

Bài hát Việt: Lối đi chung cho âm nhạc truyền thống và thị trường

Bài hát Việt đã mở ra một lối đi mới cho âm nhạc Việt, tạm tạo một cuộc hôn nhân giữa nhạc thị trường với nhạc truyền thống, đưa những tác phẩm ít nhiều mang tính cổ điển, bác học đến được với thị hiếu công chúng hơn…

Hai năm tổ chức thành công, thêm gần một nửa chặng đường của năm thứ 3 trôi qua, đến nay, Bài hát Việt đã trở thành một trong những thương hiệu âm nhạc, được cả khán giả trẻ có thói quen thưởng thức những ca khúc dễ nghe lẫn những khán giả khó tính, quen nghe dòng nhạc truyền thống, cổ điển chấp nhận.

Tuy nhiên, chất lượng đều đều của các ca khúc tham gia Bài hát Việt hiện nay khiến những người ưa khám phá những cái mới mang tính đột biến không hoàn toàn thỏa mãn, chương trình không tạo được điểm nhấn hay nhiều yếu tố mới lạ đặc biệt để thu hút khán giả.

Đã hoàn thành nhiệm vụ người mở đường?

Giữa khi khán giả đã bắt đầu dị ứng với các sản phẩm âm nhạc với những ca từ ngô nghê, ủy mị, ướt át đang tung hoành ngang dọc thị trường âm nhạc, những tác phẩm âm nhạc truyền thống hoặc đã quá quen thuộc đến cũ mòn, hoặc quá ít để có thể đủ đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của công chúng, chương trình Bài hát Việt ra đời như một giải pháp dung hòa cả hai.

Tuy nhiên, để trở thành sân chơi có đẳng cấp đối với cả giới chuyên môn lẫn khán giả yêu âm nhạc như hiện nay, những người làm chương trình đã phải trải qua không ít thách thức.

Nhạc sỹ An Thuyên, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định chương trình tâm sự: Những ngày mới bắt đầu thực hiện Bài hát Việt, điện thoại, tin nhắn, hộp thư điện tử luôn đầy ắp những tin nhắn, ý kiến phản ánh, khen thì ít chê thì nhiều. Nhiều người vẫn khó có thể chấp nhận đưa âm nhạc cổ điển, bác học, truyền thống kết hợp với dòng nhạc tạm gọi là thị trường, dễ nghe và nhiều khi được sáng tác khá dễ dãi.

Ngay cả một số khán giả có thói quen thưởng thức những ca khúc dễ nghe cũng không chấp nhận, trong khi một số khác lại tỏ ra khá tò mò và thận trọng trước một sân chơi khá mới lạ so với những gì họ được biết, được nghe trước đây…

Đánh giá về chất lượng của các tác phẩm tham gia Bài hát Việt năm nay, người nhạc sỹ quân đội không thể không thoáng chút ưu tư: tình yêu, cuộc sống, các mối quan hệ gia đình, bè bạn, đồng đội… vẫn là những vấn đề muôn thủa của âm nhạc, chỉ có cách thể hiện có gì mới lạ hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn hay không.

Các tác phẩm tham gia Bài hát Việt vẫn có nhiều cái mới, không phải là không có cái đáng để mà xem nhưng giống như một trận đá bóng, nếu cứ đều đều, bình bình như nhau, không nói gì khán giả mà ngay Hội đồng Thẩm định cũng buồn…

Nhưng duy trì được sân chơi đến thời điểm này đã là một cố gắng rất lớn của Ban Tổ chức. Bài hát Việt cũng đã hoàn thành sứ mạng mở đường, mở ra một lối đi mới cho âm nhạc Việt, tạm tạo một cuộc hôn nhân giữa nhạc thị trường với nhạc truyền thống, đưa những tác phẩm ít nhiều mang tính cổ điển, bác học đến được với thị hiếu công chúng hơn…

Lực lượng sáng tác trẻ lên ngôi

Tối 27/8, Bài hát Việt số tháng 8 tiếp tục ra mắt khán giả TP HCM tại Nhà hát Bến Thành. Sự vắng bóng của cô ca sĩ nhí nhảnh Thu Hiền, MC Anh Tuấn vốn "dày dạn" kinh nghiệm là thế cũng không thể lấp đầy những khoảng chống chếnh trên sân khấu. Những phút quảng cáo kéo dài khiến người xem liên tục bị… ăn độn.

Chương trình bị khớp ngay từ ca khúc mở màn chỉ vì phải để dành thời gian cho quảng cáo. Tội cho các cháu thiếu nhi, cẩn thận chuẩn bị thật kỹ, trang phục thật đẹp, đứng dàn đội hình chờ biểu diễn mãi không được đành lục tục kéo nhau trở lại sau sân khấu để chờ… hết quảng cáo mới lại ra xếp lại đội hình biểu diễn.

Bù lại, khán giả được thưởng thức một đêm nhạc khá thú vị. Bên cạnh một "Sắc nắng hồng" với tiết tấu rộn ràng của rock, một Trọng Tấn khỏe khoắn và đầy chất kỹ thuật qua "Yêu Hà Nội của tôi", một Y Von mạnh mẽ khiến "Thu ảm đạm" cũng trở nên sôi động…

Nhiều người xem đã không khỏi giật mình khi Khánh Linh cất giọng ca trong veo, nhẹ vang như chút nắng thủy tinh với "Khúc ban mai buổi sớm". Điều đáng chú ý là ca khúc này lại là tác phẩm của một cô gái trẻ măng đến từ Hà Nội, Lê Yến Hoa. Hoa 18 tuổi, mới chỉ vừa rời ghế nhà trường phổ thông vừa đúng 1 mùa hè.

Thêm một chút ấm nóng, mạnh mẽ của núi rừng Tây Nguyên khi chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ trẻ Y Ang Tuyn xuất hiện trên sân khấu với cây đàn Tingning, thứ nhạc cụ độc đáo của dân tộc Bana và những nhịp điệu rộn ràng, mang âm hưởng dân gian của ca khúc "Tingning", ca khúc viết về chính nhạc cụ này… Tingning cũng là ca khúc thứ 3 của Y Ang Tuyn được xuất hiện trong chương trình này và hiện nay anh vẫn đang là sinh viên…

Thêm một liveshow tạm được coi là thắng lợi của Bài hát Việt 2007.

N.H