itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Phú Quang – Âm nhạc của nỗi nhớ

Phú Quang – Âm nhạc của nỗi nhớ

Nguồn: VietnamNet

Nếu như nghe nhạc Trịnh là để tìm về với chút lắng dịu và suy tư về cuộc sống, về con người thì âm nhạc Phú Quang là nơi cất giấu giùm tôi chút kỷ niệm, là những day dứt, ân hận và pha lẫn một chút gì đó tiếc nuối, tiếc nuối trong bình an...

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca, nhớ có lần khi được hỏi, Phú Quang đã từng nói: “Tôi đã tìm đến với bài ca như đó là phương cách duy nhất hữu hiệu để làm lắng dịu đi những nỗi bấn loạn nội tâm của tôi” “Tôi viết xuất phát từ những rung động, những xúc cảm của mình. Không hiểu sao những rung cảm ấy lại thường là những rung cảm về tình yêu. Dường như tôi không có khả năng rung cảm về những đề tài khác. Bảo tôi yêu nhiều quá cũng đúng, mà bảo là tôi không được yêu cũng chẳng sai. Với tôi, yêu thật hay mơ được yêu thì cũng là yêu. Tôi đã sáng tác trên nền nhũng tình yêu có thật và cả những ảo tưởng về tình yêu của mình...” Có lẽ chính vì thế mà âm nhạc của Phú Quang luôn có một dấu ấn, một phong cách riêng đầy chất tự sự, da diết pha lẫn những thanh âm vút cao, đầy kịch tính?

Phú Quang có nhiều tác phẩm có thể nói là “để đời” được. Những bài như: “Em ơi Hà Nội phố”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Nỗi nhớ mùa Đông”, “Hà Nội ngày trở về”... là những nhạc phẩm hết sức quen thuộc đối với chúng ta. Đó là lý do người ta thường gọi Phú Quang là nhạc sỹ của Hà Nội. Nhưng bên cạnh đó còn có một Phú Quang có lúc rất sâu lắng, tinh tế có lúc rất dữ dội, quyết liệt trong những bản tình ca. Nghe nhạc Phú, đặc biệt là những lúc buồn, ta thường có cảm giác như tìm được một người bạn tri kỷ, một người bạn sẵn sàng chia sẻ mọi buồn đau, mất mát. Những bài ca như là một niềm an ủi, “ai vỗ về ai bằng nỗi đau mình” và sau mỗi lần tìm sự vỗ về ở chốn tựa nương mà Phú Quang đã tạo ra qua những lời ca, dường như tôi nhận được một nguồn động viên mới, một sinh lực mới như Phú Quang đã từng viết: “..Em lặng lẽ cầu xin/ Lặng lẽ chờ mong/ Lặng lẽ vỡ oà/ Lặng lẽ khô cạn/ Lặng lẽ hồi sinh..”

Hầu hết những tác phẩm của Phú Quang bắt nguồn từ thơ, phổ nhạc cho thơ. Lần đầu nghe người ta hát “Em ơi, Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ), thấy sững sờ với những cảm giác. Bắt đầu với những cung bậc trầm, như kể lể, như tự sự, như chia sẻ: “... em ơi, Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan... ta còn em mùi hoa sữa. Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ... ai đó chờ ai... tóc xoã vai mềm...”. Rồi bài hát chợt vút cao, say mê, quyến luyến “...ta còn em... ta còn em...” để khúc cuối cùng của khuông nhạc lại trở về những tiết tấu tình tự, tha thiết... Cũng giống như cảm xúc của mỗi có người, có lúc thăng hoa lên chất ngất thì cũng có lúc trầm lắng, đọng lại một nỗi tiếc nhớ mông lung.

Hay như bài hát “Đâu phải bởi mùa Thu” được nhạc sỹ viết từ năm 1976, phổ thơ của nữ sĩ Giáng Vân.

“Em ru gì, lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian.

Em ru gì, lời ru cho biển khơi, biển khơi có bao giờ ngừng lặng.

Em ru gì, lời ru cho anh, một đời đam mê, một đời giông tố.

Em ru gì cho ta, qua bao ngày phôi pha...”

Vốn dĩ bài thơ được phổ nhạc ấy mang một tâm trạng khác chứ không phải phân biện về những lỗi lầm, những day dứt vốn không - thuộc - về - ai như trong bài hát. Nhạc sỹ Phú Quang đã từng tâm sự: “ Tôi mượn những câu chữ lóng lánh của Giáng Vân để viết. Lúc đầu tôi không biết nói thế nào, chỉ sợ tác giả thơ sẽ giận. May mắn, Giáng Vân đồng tình một cách thích thú...”

Vẫn biết là có sự đổi thay nhiều như thế nhưng những lời ru tha thiết ấy đã được ru trên môi bao người từ khi nó được tái sinh? "Em ru gì..." Có chút gì đó như là xót xa, có điều gì đó như là sự cam chịu, như là tự vấn, tự trải và tự trả lời?

“...Câu hát ngân lên, bỗng tắt nửa chừng...

Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt... “

Tiếng ai vừa hát lên cao rồi đột nhiên im lặng? Mi mắt nặng cay như muốn khóc. Câu hát u uẩn đó dường như không “tắt nửa chừng” mà dâng oà lên trong trái tim một niềm yêu, niềm nhớ và mong manh như những kỷ niệm. Ừ nhé, “... lá trút rơi nhiều... đâu phải bởi mùa thu...”

Câu hát âm vang trong những giai điệu dìu dịu như tiếng lá rơi... Không hiểu nữa, tiếng lá rơi hay là tiếng ru? Là tiếng của ngày xưa vọng về trong ký ức? Trái tim chùng xuống trong một niềm hoài niệm... Đừng nhé, đừng đổ lỗi cho ai cả, cũng đừng trách than... Ai trong đời không một lần lầm lỡ, cuộc sống vốn đâu có khi nào dễ dàng, vì thế lỡ lầm chẳng phải tại ai. Cũng như “lá trút rơi nhiều” đâu tại “bởi mùa thu”?

“ Bài ca của tôi bao giờ cũng được hoài thai từ những giấc mơ tự cứu mình thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ, thoát khỏi những kỷ niệm từng đêm đeo bám, réo gào được hồi sinh bằng âm nhạc. Mà kỷ niệm thì cứ nhiều mãi theo thời gian...”

Đôi khi, nghe nhạc Phú Quang chợt nảy ra cái ý nghĩ muốn mình trở thành một triết gia để suy ngẫm về cuộc đời. Ai đó đã từng nói “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” và dòng sông đã trôi đi sẽ không bao giờ trở lại nữa. Thời gian, biết là đã qua thì sẽ chẳng còn gì để níu kéo vậy mà ngoảnh lại vẫn thấy mình không nguôi khát vọng.(!!) Tiếng hát Quang Lý bỗng dưng như xoáy sâu vào tâm thức, như muốn trút cả tâm tư và sự chiêm nghiệm vào câu hát:

Có những dòng sông không trở lại bao giờ

Có những tình yêu dật dờ theo từng con sóng

Có những chiều chuyếnh choáng – tình yêu thở qua kẽ tay

Cuộc đời là dòng sông chứa đầy nghịch lưu

Ai lường được vòng xoáy dòng sông ấy..” (?)

....

(Dòng sông không trở lại – thơ Vi Thuỳ Linh)

Tôi thích nhạc Phú Quang vì âm hưởng trầm buồn, yêu nhạc Phú Quang vì những ca từ đơn sơ, giản dị mà vẫn không thiếu chất thơ và hình ảnh.

Có nhiều khi tôi quá buồn.

Tôi ước mong tìm về dưới gốc cây xưa

Em có gửi điều gì theo lá rụng

Nỗi đau nào đậu khẽ vào tôi?”

(Nỗi buồn)

Con người, trách sao bây giờ khi phút đầu tiên nhìn thấy cuộc đời đã cất lên tiếng khóc. Nỗi buồn, vì thế, dường như không thể nào thay khác? Những lúc vấp ngã, ai cũng muốn tìm về những thời khắc êm đẹp, về với cội rễ bình yên xưa, về với những kỷ niệm ngọt ngào như mật quyện... Mong là thế, khát khao là thế... nhưng người đã đi rồi, đã xa lắm rồi. Những kỷ niệm như chiếc lá rụng chạm khẽ vào đôi bờ vai trĩu oằn theo năm tháng.

“...Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng... Bóng ai như tôi đi qua cõi đời...” ...” Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá... tôi gục đầu trong bóng tôi... Không còn nghe ai nói cười... Tôi còn ngồi chi đây một mình... từng ý nghĩ mong manh...”

.... Cảm giác cô đơn đến tột cùng khi chiều dần tàn trong những giai điệu mênh buồn của “Nỗi buồn”... “Ngoảnh lại” mà xem xen lẫn giữa thực tại và ảo ảnh là hững hờ cái bóng của chính mình thênh thang trên trần thế. Ta là cái bóng. Cái bóng là Ta! Lầm lũi đi lại. Còng lưng kiếm tìm. Nhặt nhạnh những kỷ niệm như ảo ảnh chập chờn nơi quá khứ, gom góp lại dệt thành tổ ấm cho chính mình, nơi nương náu cho cái bóng cô lẻ...

“... như một con chiên nguyện cầu trước Chúa bằng tấm lòng chân thành nhất. Không đợi chờ một ân sủng bất ngờ nào mà chỉ viết để làm vợi đi những hệ luỵ của một đời sống đầy bất an và khi những tác phẩm của tôi thấy được sự cảm thông của mọi người, tôi coi đó là hạnh phúc...”

((Album 7 - Ngoảnh lại)

Chiều đã tàn trên những con phố nhỏ... nghe xao xác trong gió lời thì thầm...

Cẩm Hà