itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Boléro hồi sinh?

Boléro hồi sinh?

Như một mạch ngầm - lặng lẽ nhưng mãnh liệt, bất chấp khó khăn, dòng nhạc boléro đã có cuộc tái ngộ đầy ngoạn mục với công chúng mộ điệu.

Nhận định về thị trường nhạc Việt năm 2011, ca sĩ (CS) Đàm Vĩnh Hưng nhấn mạnh đến sự trở lại của dòng nhạc boléro. Anh có lý khi chỉ trong một thời gian ngắn trước Tết đã có hàng loạt album boléro ra mắt khán giả. Nếu không kể Mr. Đàm hay Cẩm Ly với nhiều album nhạc xưa từng thực hiện thì mới đây nhất, nữ CS Thanh Thảo đã khiến nhiều người bất ngờ khi giới thiệu đĩa nhạc Hoàng tử trong mơ theo phong cách boléro. Thảo cho biết, ngày mới vào nghề, cô từng đi hát nhà hàng, tiệc cưới và hầu hết đều là những bản nhạc xưa. Thấm thoát 15 năm, ít người còn nhớ một Thanh Thảo thuở nào mà chỉ biết cô qua hình tượng "búp bê", những bản nhạc trẻ, nhạc dance sôi động, dù với cô thì “boléro vẫn là niềm đam mê”. Hóa thân vào hình ảnh cô gái miệt vườn, Thảo cùng Thái Châu, Quang Dũng, Quang Linh, Ngọc Sơn, Đan Trường, Trường Vũ… đã thể hiện lại những bản tình ca một thời như Sầu tím thiệp hồng, Em về kẻo trời mưa, Gặp nhau làm ngơ

Không sinh trưởng trên dải đất phương Nam và trước nay vẫn được biết đến như giọng ca chuyên trị nhạc trẻ, Lệ Quyên cũng hòa cùng không khí boléro qua đĩa nhạc Khúc tình xưa gồm 12 ca khúc của một thời kỷ niệm. Cũng tương tự Thanh Thảo, Lệ Quyên cho biết cô đã tiếp xúc với nhạc xưa từ năm 12 tuổi và những ca khúc này đã “ăn sâu vào tiềm thức, trở thành niềm đam mê mãnh liệt của Quyên”.

CS “chịu chơi” Triệu Trang, người từng bán nhà làm album, mới đây lại tiếp tục chứng tỏ sự táo bạo của mình khi tung ra thị trường bộ đĩa ngũ hành gồm năm DVD chủ đề Tôi là cô gái Bắc, phá kỷ lục CS ra cùng lúc nhiều đĩa nhất. Ngoài R&B, hip-hop, dance, pop, Trang không quên boléro khi trân trọng xếp nó ở vị trí thứ hai - đĩa gồm 16 ca khúc, tràn sang cả đĩa qua những bản tình ca xứ Huế.

Bất ngờ lớn nhất đối với khán giả có lẽ là hai giọng ca Thành Lê, Mỹ Dung qua hai album LặngTừ lúc em đi. Như một sự khám phá bản thân, quán quân dòng nhạc dân gian của Sao mai 2007 Thành Lê đã phiêu cùng boléro và “những tình khúc sống mãi với thời gian” như Người ngoài phố, Thương hoài ngàn năm, Đám cưới trên đường quê… Mỹ Dung, cô CS gợi cảm của Sao mai Điểm hẹn mùa 2004, đã quyết định đổi tên thành Mỹ Dzung cho ra kiểu Nam bộ trong album trên, hợp tác với công ty Tiếng Hát Việt.

Giải thích cho nguyên nhân hồi sinh của dòng nhạc này, nhiều nhạc sĩ nhấn mạnh đến yếu tố dễ gần, dễ cảm của nó. Giai điệu đơn giản, ca từ mộc mạc, tự nhiên và tập trung chủ yếu vào cảm xúc tự thân thay vì các yếu tố nặng kỹ thuật, boléro có thể được hát bởi bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Mỗi bản boléro Việt là một câu chuyện, hầu hết đều buồn, được tác giả và CS kể lại riêng cho những tâm hồn đồng điệu, nên đôi khi người ta cũng gọi boléro là những bản tình ca về thân phận.

Bị cưỡng bức xếp vào dòng nhạc "sến", thậm chí từng bị nhiều người gọi là nhạc “bến xe”, “kẹo kéo”, “ăn xin” và nhiều từ ngữ không hay, boléro vẫn cứ sang trọng, điệu đà, nhẹ nhàng chiếm lấy cảm tình người hâm mộ ở mức độ phổ biến đầy mơ ước so với mọi dòng nhạc khác đến mức Duyên dáng Việt Nam 23 phải dành phần lớn thời lượng để tôn vinh.

Tuy nhiên, không phải ai hát boléro cũng hay, trong các album kể trên của các nữ CS, chất boléro chỉ mới thấp thoáng trong cách họ xử lý tác phẩm. Điều khó chịu là sự lạm dụng tiếng đàn cò và lối hòa âm õng ẹo đầy cố ý khiến cho những ca khúc vốn chẳng có gì là "sến" trở nên “sến chảy nước” và quá đỗi xa lạ với công chúng. Dường như các CS tuy miệng hát boléro nhưng tâm cảm lại không có nó nên tiếng nức nở bi ai nghe cũng thiếu hồn.

Trong bối cảnh nhạc Việt thiếu hụt trầm trọng những tác phẩm giá trị thì việc mang những bản tình ca vang bóng trở lại là chọn lựa khôn ngoan của các CS bởi sự ủng hộ của khán giả dành cho chúng đã sẵn có, chỉ cần CS cất tiếng là đã được hoan nghênh. Song nếu chỉ là ca từ, giai điệu và nỗi ai oán nặng tính kỹ thuật trình diễn thì thật tội nghiệp cho boléro và cả cho khán giả.

Phạm Thành Nhân/ PNO