itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Ca sĩ trẻ hát nhạc xưa: Cuộc “chơi” quá sức?

Ca sĩ trẻ hát nhạc xưa: Cuộc “chơi” quá sức?

Ca sĩ Đức Tuấn

Không thể phủ nhận một điều, “nhạc xưa” đã thật sự trở lại. Một dòng nhạc với rất nhiều năm tồn tại qua nhiều thế hệ vẫn luôn dễ dàng đi vào lòng người. Khác chăng chỉ là cách hát, cách thể hiện của ca sĩ thời nay mang hơi thở hiện đại, mới mẻ hơn để thổi vào bài hát một tinh thần mới, một sức sống mới hơn.

Việc nhiều ca sĩ đến với dòng nhạc xưa cũng là một điều dễ hiểu, bởi trong tình hình thị trường âm nhạc như hiện nay, việc có được một ca khúc hay, đủ “chất” để có thể sống được lâu trong lòng khán giả không phải là một điều dễ làm, dễ có trong khi đó những ca khúc cũ thường là những ca khúc đã trở nên quá quen thuộc với khán giả nên chuyện nó được đón nhận hơn những ca khúc mới bây giờ cũng là chuyện đương nhiên.

Không phải ai cũng có nhiều may mắn như Mỹ Tâm, bắt đầu nổi tiếng là có rất nhiều ca khúc hay đều tạo thành “hit” suốt cả một thời gian dài, cũng không phải ai cũng có may mắn như Lê Quyên, chỉ với Thôi đừng chiêm bao, Hãy trả lời em là bật lên thành một giọng ca được rất nhiều người yêu thích…

Với các ca sĩ trẻ bây giờ, việc lựa chọn ca khúc để làm ra được một album bao giờ cũng là một vấn đề rất nan giải. Cũng có rất nhiều những album của các ca sĩ trẻ sau khi phát hành xong, luôn rơi vào tình trạng “ném đá ao bèo” và bị lạc giữa rất nhiều những album ca nhạc khác mà chẳng ai nhớ nổi vì chất lượng album đều chỉ ở thường thường bậc trung, thậm chí nếu không muốn nói là dở. Và giải pháp an toàn là nhạc xưa được lựa chọn.

Không phủ nhận đã có rất nhiều ca sĩ đã thành công khi tìm đến với nhạc xưa, có thể kể đến Đức Tuấn với những tình khúc Phạm Duy, Đoàn Chuẩn… Với sự lựa chọn này, Tuấn định hình cho mình một phong cách, một hướng đi rất rõ ràng và chinh phục không ít khán giả.

Sự kết hợp giữa Đức Tuấn- Hồ Ngọc Hà trong album Ảo Ảnh cũng là một thành công với nhạc xưa của hai ca sĩ trẻ này, hay ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong live show Thương hoài ngàn năm với những ca khúc cũ được làm mới lại đã thuyết phục tuyệt đối với khán giả và cả báo chí và nhận về rất nhiều lời khen. Album Hạnh phúc lang thang của anh được phát hành cùng dịp live show cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía khán giả…

Tuy nhiên, không phải ai lựa chọn nhạc xưa cũng có thể thành công và được đón nhận. Có rất nhiều album của các ca sĩ “dán mác” nhạc xưa đã đem lại cho khán giả không ít sự bực bội, thất vọng vì cách hát, cách xử lý ca khúc quá non của người hát. Những album nhạc xưa của những cái tên còn khá mới mẻ với thị trường âm nhạc năm qua như Tuấn Hùng- Tiếng hát bắt nguồn từ đất khô; Lưu Việt Hùng- Tình khúc Trịnh Công Sơn- Phú Quang…đến những cái tên đã trở nên quen thuộc với khán giả như Khánh Ngọc- Nhật Tinh Anh- Giọt lệ đài trang; Quang Hà- Cỏ úa,Thy Dung- Xưa…hay gần đây nhất là Phương Thanh – Chanh Bolero đều không thật sự ấn tượng.

Không phủ nhận những cố gắng của nhiều ca sĩ khi muốn làm mới mình với dòng nhạc xưa nhưng việc suy nghĩ nhiều ca sĩ tìm đến với nhạc xưa như một “mốt thời thượng” cũng là điều không tránh khỏi

Ngoài việc làm riêng những album nhạc xưa nhiều ca sĩ cũng chọn giải pháp hát “kèm” thêm những bài hát cũ trong “menu” âm nhạc của mình và ít nhiều tạo được những ấn tượng tốt với khán giả, có thể nhắc đến Hiền Thục với Ngàn thu áo tím, Bảy ngày đợi mong; Kasim Hoàng Vũ với Niệm khúc cuối, Tùng Dương với Mùa thu cho em… Có lẽ đây sẽ là một cách làm tốt và khôn ngoan với những ai biết rõ điểm yếu và thế mạnh của mình.

Khi được hỏi đến lý do vì sao quay trở lại với những ca khúc cũ, hầu như các ca sĩ đều bày tỏ mong muốn mang đến cho ca khúc một tinh thần mới, một phong cách mới mẻ qua cách hòa âm, phối khí mới nhưng hình như nhiều người cũng đã bỏ qua việc họ sẽ phải vượt qua một cái “đỉnh” khác- đó chính là sự thành công với những ca khúc đó của những thế hệ đi trước- để được chấp nhận. Và nếu thật sự mong muốn khẳng định và chinh phục, hơn ai hết người ca sĩ luôn hiểu họ cần gì và sẽ phải làm gì?

Châu Nguyên (TGTD)