itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / “Chết lâm sàng” còn vì những lý do cố hữu

“Chết lâm sàng” còn vì những lý do cố hữu

Dù có nhà tài trợ, Unitour của Uyên Linh do Thanh Việt Production thực hiện diễn ra sáu nơi phải chọn phương án tái sử dụng đạo cụ. Ảnh: T.L

Sau bài viết Sân khấu ca nhạc thời kỳ suy thoái: tồn tại cầm chừng trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9.5, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc và giới chuyên môn, góp thêm những lý giải khác để tìm cách vực dậy thị trường giải trí đang trầm lắng. Với nhiều người làm nghề, sự tồn tại cầm chừng của sân khấu ca nhạc bên cạnh lý do bị ảnh hưởng từ khó khăn của nền kinh tế còn là hệ quả tất yếu của sự thiếu sáng tạo và chuyên nghiệp. “Công nghệ giải trí thiếu tính chiến lược và cứ diễn đi diễn lại những chiêu trò cũ thì cũng sẽ đến lúc chết lâm sàng”, nhạc sĩ Quốc Trung.

Liveshow thiếu yếu tố bất ngờ

Nhạc sĩ Quốc Trung, người thành lập công ty âm nhạc Thanh Việt Production, cũng lý giải: làm sao khán giả có thể bỏ tiền triệu mua vé xem liveshow được khi khoảng 5 năm qua, show nào cũng như show nấy, thiếu vắng các yếu tố bất ngờ, hấp dẫn. Trình độ thưởng thức của người xem càng lúc càng cao, họ tiếp cận với công nghệ giải trí của thế giới ngày càng nhiều, vậy thì tại sao họ phải mua vé xem ở sân khấu lớn khi cùng một bài hát đó, lối trình diễn đó, trang phục đó, ca sĩ đã diễn y chang trong một chương trình truyền hình rồi.

Công tác tổ chức sản xuất show diễn thiếu đầu tư chuyên môn khiến khán giả nhàm chán dẫn đến tình trạng khó khăn như thời điểm hiện tại. Các ca sĩ trẻ đầu quân về hàng loạt công ty giải trí với hình ảnh, tóc tai, phục trang và dòng nhạc na ná nhau, hoàn toàn không có dấu ấn cá nhân. Hoặc nhiều ca sĩ tên tuổi một thời nay quay lại làm show, diễn những chiêu trò như bay từ trực thăng mô hình y chang như những ý tưởng bay từ trên bay xuống, bay từ trái qua phải trên sân khấu như cả chục năm cách đây.

Thiếu sáng tạo lại còn không chuyên nghiệp thì sẽ dễ dàng dẫn đến lãng phí. “Ở nước ngoài, nghệ sĩ làm show xong sau đó sẽ tận dụng phục trang, đạo cụ, bối cảnh để cho chương trình tiếp theo. Hầu hết các chương trình đều lên kế hoạch theo kiểu tour diễn. Chính điều này đã làm cắt giảm chi phí sản xuất rất nhiều”, Quốc Trung nói. Riêng Việt Nam, công nghệ sản xuất và chiến lược của nghệ sĩ ít khi chọn các phương án diễn theo tour. Hiếm hoi lắm mới có những tour xuyên Việt, diễn ra tại 5 – 6 thành phố như kiểu Và em sẽ hát của Mỹ Linh, Vui của Lê Cát Trọng Lý, Unitour của Uyên Linh… Bước chân miền Trung là chương trình giải trí tạp kỹ gần bốn tiếng đồng hồ, đầu tư quy mô với sự tham gia của vài chục nghệ sĩ. Nếu chỉ diễn một lần rồi thôi thì chúng tôi cầm chắc lỗ. Nhưng chúng tôi đã liều mình làm luôn hai suất diễn/ngày để tận dụng lại những gì đã đầu tư. Và bài toán tận dụng lại này đã khẳng định chúng tôi thành công khi doanh thu đem về đạt như mong ước”, Đàm Vĩnh Hưng nói về kinh nghiệm làm chương trình của anh vừa rồi.

Sắp tới, đạo diễn âm nhạc Quốc Trung cũng sẽ áp dụng kinh nghiệm tận dụng khâu sản xuất trong liveshow Cầm tay mùa hè 2 của hai “diva” Thanh Lam và Mỹ Linh vào hai ngày 9 và 10.6 tại nhà hát lớn Hà Nội. Êkíp thực hiện liveshow cho biết, họ hy vọng với giá vé từ 800.000 – 2,5 triệu đồng, chương trình được đầu tư tử tế nhưng không lãng phí, sẽ khiến chương trình không phải lỗ vốn.

“Chúng tôi không được luật pháp bảo vệ”

Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Huy Tuấn hết sức bức xúc khi được hỏi về tình trạng tồn tại cầm chừng của nền âm nhạc hiện nay và đứng trước nguy cơ nhiều công ty âm nhạc phá sản. “Kinh tế khủng hoảng chỉ là một phần. Thực tế thì tôi chẳng muốn nhắc lại một lý do ngàn đời, nói hoài nói mãi mà chẳng đi đến đâu là câu chuyện về đĩa lậu, bản quyền âm nhạc và việc thực thi luật pháp trong vấn đề này”, Huy Tuấn bức xúc. Anh lý giải: “Ca sĩ không thể nào bán được đĩa vì nạn ăn cắp bản quyền. Vậy thì làm sao đủ thu hồi vốn, làm sao đủ tiền làm liveshow đàng hoàng, tử tế. Và câu chuyện khó khăn trong thị trường ca nhạc là tất yếu. Pháp luật đã không bảo vệ nổi chúng tôi trước những khó khăn này”.

Nhạc sĩ Huy Tuấn đã chứng kiến rất nhiều lần, ngay sau khi album ca nhạc của ca sĩ vừa được gửi tặng trong buổi họp báo thì ngay trong đêm đó, toàn bộ đĩa nhạc đã tung lên mạng và được người nghe download hoàn toàn miễn phí. Biết bao nhiêu người đã gửi thư, kiện tụng nhưng mọi chuyện vẫn như “ném đá ao bèo”. Sau nửa năm phát hành, album Bộ đội của Thái Thuỳ Linh chỉ bán được chừng 300 bản trong khi tám trang web đăng tải ca khúc của cô miễn phí và số tiền bản quyền nếu đòi được có thể lên đến vài trăm triệu đồng. “Nếu luật bản quyền được thực thi, luật pháp bảo vệ được nghệ sĩ thì làm gì đến mức khốn khó thế này”, Huy Tuấn nói.

Cũng vì những lý do đó mà kế hoạch làm liveshow cho Văn Mai Hương dự kiến từ đầu năm nay cũng phải lần lữa đến cuối năm. Thậm chí ngay lúc này, khi chuẩn bị sản xuất album ca nhạc cho Văn Mai Hương, dự kiến sẽ ra mắt trong ba tháng nữa, nhạc sĩ Huy Tuấn và êkíp thực hiện phải vừa lo việc làm album vừa tính đến việc đối phó được với nạn đĩa lậu, sao chép tràn lan trên mạng.

Nguyễn Trâm Anh/SGTT