itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Mỗi năm sẽ có một cuốn danh mục ca khúc được phổ biến

Mỗi năm sẽ có một cuốn danh mục ca khúc được phổ biến

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa đưa ra giải pháp để kiểm soát các ca khúc trước năm 1975. Đó là sẽ xây dựng một danh mục được in thành sách, xuất bản mới hằng năm giống như cuốn "Tuyển sinh Đại học".

Nhằm mục đích "soi rọi" đường đi nước bước, tránh trường hợp giới ca sĩ - nhạc sĩ lựa chọn nhầm ca khúc bị cấm lưu hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, quyết định xuất bản tập sách Danh mục các ca khúc trước năm 1975 được phép phổ biến. Năm 2007, Cục đã cung cấp danh sách cấp phép biểu diễn khoảng 1.000 tác phẩm. Để tạo thuận lợi hơn trong việc tra cứu, năm 2008, Cục sẽ tập hợp chi tiết các tác phẩm, tác giả thuộc diện được phép biểu diễn và in thành sách. Dự án được triển khai đã hơn một năm, và theo lời những người quản lý, thì sách sẽ được xuất bản vào quý IV năm nay.

Ông Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng in danh mục thành sách là việc nên làm, bởi đó là một thứ văn bản "giấy trắng mực đen". Ngoài ra, song song với sách in, danh mục này cũng được cập nhật liên tục trên mạng Internet để những người quan tâm có thể dễ dàng truy cập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, Cục có cách giải quyết như thế nào để "giấy trắng mực đen" không trở nên lỗi thời, bởi chắc chắn sẽ phải thường xuyên thêm hay bớt ca khúc vào danh sách.

"Mỗi năm, Cục sẽ chỉnh sửa, thêm bớt vào danh mục những ca khúc cần thiết", ông Cường đưa ra giải pháp. Theo đó, cuốn danh mục này cũng được xuất bản mới hằng năm, giống như cuốn "Tuyển sinh Đại học" dành cho học sinh trung học.

Có ý kiến cho rằng nên xuất bản danh mục "Những ca khúc bị cấm lưu hành" vì số ca khúc cấm thường ít hơn lượng ca khúc được phép. Tuy nhiên, theo ông Cường, danh sách này có thể để lọt những tác phẩm nhạc sĩ sáng tác trước 1975 nhưng chưa công bố. "Nhỡ ca khúc ấy thuộc diện 'có vấn đề', chúng tôi sẽ há miệng mắc quai, không bắt lỗi được họ bởi tác phẩm đúng là không có trong danh mục bị cấm", ông phân tích.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM - vẫn kiên quyết phản đối việc in thành sách. Theo bà, công việc truy tầm, thẩm định các ca khúc ra đời giai đoạn này phải chia ra thành nhiều đợt, nên chỉ cần một văn bản được đăng trên website của Cục Nghệ thuật biểu diễn là được. Hình thức này sẽ giúp việc cập nhật, thay đổi, bổ sung danh sách dễ dàng và linh động hơn. "Một khi chúng ta chắc chắn công tác truy tầm, thẩm định tất cả tác phẩm âm nhạc (hay sân khấu, điện ảnh, văn học...) đã hoàn thành thì hãy in sách tại thời điểm đó cũng không sao", bà Thanh nói.

'Có danh sách cụ thể là tốt, nhưng cần giải pháp linh hoạt hơn'

Về phía giới hoạt động âm nhạc, một số đơn vị sản xuất băng đĩa và các nghệ sĩ đang chờ đợi sự ra đời của "cẩm nang" này. Bà Phan Mộng Thúy, đại diện Phương Nam Film - đơn vị độc quyền giới thiệu tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy tại Việt Nam - cho rằng, việc có một cuốn sách tập hợp nhạc phẩm trước năm 1975 được phép sử dụng là tốt, bởi đây sẽ như một cơ sở dữ liệu chính thức để người sử dụng có thể dựa vào, đối chiếu.

Trường hợp muốn sử dụng một số ca khúc trước thời điểm đó không nằm trong danh mục đã ban hành, thì hãng phim Phương Nam vẫn tiếp tục thực hiện động thái như trước đây - đưa chúng đi thẩm định để xin phép sử dụng theo các quy định hiện hành.

"Nếu Cục Nghệ thuật biểu diễn phát động một cuộc tổng thẩm định trước khi ban hành cuốn sách, chúng tôi sẵn sàng hợp tác, đem những tác phẩm mà hãng muốn sử dụng cho hội đồng đánh giá. Việc này sẽ giúp danh sách ca khúc được cấp phép đầy đủ hơn", bà Thúy nói.

Ca sĩ Đức Tuấn - người chuyên hát những ca khúc nhạc xưa - cũng hoàn toàn ủng hộ dự án của Cục: "Có danh sách này, những ca sĩ như tôi đỡ lo mắc lỗi". Không e ngại về chuyện một số ca khúc "hit" mà anh thành công trước đó có thể sẽ bị bỏ sót khi lập danh mục, Đức Tuấn cho rằng, số lượng bài hát trước 1975 là "mênh mông", không được hát bài này thì cũng còn vô số lựa chọn khác.

Tuy nhiên, theo chàng ca sĩ sinh năm 1980, Cục nên nghĩ nhiều hơn về giải pháp thực hiện danh mục những ca khúc bị cấm: "Với một số lượng khá lớn ca khúc trước 1975, nếu in thành sách thì chỉ riêng việc ngồi tra cứu bài nào được hát thôi có lẽ chúng tôi cũng mất cả ngày". Theo anh, "đằng nào Cục cũng đã chấp nhận việc phải chỉnh sửa danh mục mỗi năm rồi thì nên tập trung vào những tác phẩm bị cấm, ngắn gọn hơn nhiều".

Ca sĩ Đức Tuấn: "Tôi thấy lợi nhiều hơn hại khi Cục Nghệ thuật
biểu diễn quyết định xuất bản tập danh mục này". Ảnh: ductuan.

'Kiểm duyệt ca khúc khiến nghệ sĩ chịu nhiều thiệt thòi'

Trong khi đó, ca sĩ Ánh Tuyết - người thành công với những tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao - lại trình bày thẳng thắn về thiệt thòi mà nghệ sĩ trong nước phải "gánh" khi các nhà quản lý quyết định thắt chặt kiểm tra các sáng tác trước năm 1975. Chị vừa từ chối tham gia một chương trình lớn ở hải ngoại chỉ vì ca khúc ban tổ chức yêu cầu nằm trong danh sách cấm tại Việt Nam. "Trong khi các ca sĩ hải ngoại vẫn thản nhiên hát và băng đĩa lậu phục vụ tràn lan khán giả thì ca sĩ trong nước lại bị bó hẹp ‘mảnh ruộng để cày’, dù nội dung bài hát hoàn toàn trong sáng", Ánh Tuyết bức xúc.

Giọng hát "chuyên trị" nhạc tiền chiến cho rằng, sáng tác hay trước 1975 rất nhiều và rất khó để gói gọn trong một cuốn sách. Chị đưa thêm ví dụ về nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Nhiều ca khúc ca ngợi vẻ đẹp, tình yêu và cuộc sống thanh bình chốn thôn quê của ông đi vào lòng nhiều thế hệ nghe nhạc nhưng lại bị cấm, đó là điều đáng tiếc.

"Vấn đề thẩm định ở ta còn nhập nhằng vì liên quan đến quá nhiều yếu tố như: tư tưởng của cha đẻ ca khúc gắn với thời cuộc ra sao, hoàn cảnh sáng tác thế nào… Điều này dẫn đến việc sơ sót, bỏ mất số lượng đáng kể những ca khúc tiền chiến hay, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển âm nhạc", Ánh Tuyết nói.

Ca sĩ Ánh Tuyết: "Còn nhiều ca khúc tiền chiến hay
chưa được phép biểu diễn". Ảnh: NS.

Đại diện quyền lợi phía người sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho biết, dù hầu hết sáng tác của ông đã được cấp phép biểu diễn, vấn đề này cũng gây không ít hoang mang. Bởi theo ông, nhạc sĩ không phải lúc nào cũng đủ minh mẫn để có thể nhớ chính xác thời gian sáng tác hoặc lời bài hát của mình có vi phạm quy định hay không.

"Chỉ vì không rõ thời gian sáng tác trước hay sau 1975 mà phải xác định lại nguồn gốc, bối cảnh ra đời hay thẩm định lời hát một ca khúc ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước… điều đó rất mất công và gây lúng túng cho tác giả. Đó là chưa kể, liệu danh sách liệt kê trong cuốn sách có đầy đủ hay không?", Nguyễn Ánh 9 băn khoăn.

Theo Kiến Huy - Lê Bảo (VnExpress)