itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Sự hồi sinh của nghệ thuật hát xẩm

Sự hồi sinh của nghệ thuật hát xẩm

Tối thứ Bẩy, cái lạnh buốt của trời đêm Hà Nội những ngày cuối năm Đinh Hợi như được hâm nóng bởi dòng người xuôi về chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân.

Chị cũng giống như bao người, đến chợ đêm, chỉ có điều, chị tới không phải để mua sắm hay thưởng thức các món ăn dân tộc mà để hát xẩm. Chị cất tiếng hát, lúc là những giai điệu buồn man mác hoà cùng tiếng đàn bầu, tiếng nhị réo rắt, lúc lại vui với nhịp trống phách rộn ràng.
Khách bộ hành qua đây đã nghe quen giọng hát của chị, nhưng ít ai biết rằng chị, nghệ sĩ Thanh Ngoan, là một trong những người đầu tiên sáng kiến đưa hát xẩm trở lại góc chợ Đồng Xuân với hy vọng gìn giữ loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này.

Vào thời kỳ cực thịnh của xẩm, chợ Đồng Xuân là một trong những điểm dừng chân của các nhóm xẩm từ khắp nơi đổ về trong đó có cả bốn gánh xẩm thường chia nhau hát ở bốn góc hồ Hoàn Kiếm. Đó là trước năm 1945, sau giai đoạn này, nạn đói đã xóa sổ gần hết các nhóm xẩm. Nghệ nhân xẩm cuối cùng của Việt Nam còn sống đến nay là nghệ nhân Hà Thị Cầu, tuổi ngoài 80, sống tại tỉnh Ninh Bình.
Qua giọng hát của bà, người ta có thể mường tượng ra một kiếp người phiêu bạt, đầy sóng gió. Người ta có thể thấy nỗi buồn da diết, lòng thương nhớ cha mẹ vô hạn khi nghe bà hát Xẩm Thập Ân và cảm nhận lòng yêu nước sâu sắc khi thưởng thức “Con ơi theo Đảng trọn đời”. Mỗi một nhạc cụ sử dụng trong hát xẩm có chùm tiết tấu riêng, ấy vậy mà bà vừa hát, vừa kéo đàn, gõ sênh và đánh trống.
Dưới hình thức kể chuyện có nhạc điệu, nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng như những người hát xẩm nói chung tự sự về thân phận của mình, đôi lúc, bằng sự sáng tạo tài tình qua lời ca và nhịp điệu mà trên cùng một làn điệu, họ mang đến những chuyện vui hay bài châm biếm thói hư tật xấu ở đời, lên án ngoại bang xâm lược hoặc nêu cao tấm gương anh hùng liệt sỹ. “Sức hấp dẫn của xẩm chính là khả năng sáng tạo của những người nghệ nhân”, nghệ sĩ Thanh Ngoan nói.
Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, nhiều người thường nói có xẩm tàu điện, xẩm bến đò, xẩm chợ, nhưng đó không phải là những tiêu chí phân loại. Ông Ngữ cho rằng, xẩm có 7 bài đặc trưng gồm Xẩm Chợ, Chênh Bong, Riềm Huê, Ba Bực Nhịp Bằng, Phồn Huê, Hát Ai và Xẩm Thập Ân.
Hát xẩm là một trong những thể loại hát rong của người Việt thuở xưa và là thể loại đặc trưng của những người khiếm thị. Họ thường đi từng tốp từ hai đến năm người, có khi là thành viên trong một gia đình.
“Người hát xẩm là những nghệ sĩ chân chính, kiếm sống bằng tài năng nghệ thuật của mình. Họ không phải là những người ăn mày,” nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.
Theo ông Hiền, không một cuốn sách nào ghi thời gian xẩm ra đời mà chỉ có Truyền thuyết kể lại rằng, cuối đời Trần, nhà vua truyền lệnh cho hai hoàng tử Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh đi tìm ngọc, ai mang về trước sẽ được nối ngôi. Đĩnh tìm thấy ngọc nhưng Toán lừa lúc Đĩnh ngủ say, trọc mù hai mắt em, cướp ngọc mang về. Trong cơn bĩ cực, Đĩnh lần ra cửa rừng, nhặt được hai mảnh tre khô, gõ vào nhau giả tiếng chim để chúng tha thức ăn về, rồi quờ được sợi dây rừng, Đĩnh buộc vào cây song mây làm đàn. Ra khỏi rừng, chàng kiếm sống bằng lời ca tiếng đàn. Tiếng đồn về người nghệ sĩ mù lan đến kinh thành, nhờ đó, nhà vua tìm được Đĩnh và trừng trị Toán. Nghệ thuật hát xẩm nước Nam bắt đầu từ đây.
Truyền thuyết về hoàng tử Đĩnh đã trở thành bài học đầu tiên cho bất kỳ sinh viên khoa âm nhạc dân gian nào muốn nghiên cứu về hát xẩm, nghệ sĩ Thanh Ngoan nói và cho biết thêm chị cùng với thầy Minh Khang, nghệ sĩ Thao Giang, NSND Xuân Hoạch, Nhạc sĩ trẻ Quang Long đang phối hợp với Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương mở một khoa dân tộc học.
Nhóm nghệ sĩ này còn thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc nhằm nghiên cứu, gìn giữ môn nghệ thuật này. Họ đều có chung một nỗi niềm là sợ tới một ngày hát xẩm bị thất truyền. Ý tưởng mở ra một chiếu xẩm ở chợ Đồng Xuân cũng xuất phát từ nỗi lo ấy.
Bà Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa đang dự tính sẽ thiết kế một mô hình giống như câu lạc bộ để gìn giữ xẩm. “Tôi muốn áp dụng với hát xẩm một mô hình như thế, tôi tin rằng điều này khả thi và bền vững,” bà Lý nói.
Hiện tại, Cục đã tiến hành tư liệu hóa các bài hát xẩm và đưa về các ngân hàng dữ liệu. Tuy nhiên, theo bà Lý “đây không phải là biện pháp cuối cùng của bảo tồn, mà quan trọng là làm sao phải có người kế thừa. Do vậy, chương trình quốc gia đến 2010 là hướng đến phục hồi, trao truyền, kết nối và phổ biến”.
Trời càng về khuya càng lạnh, những người nghệ sĩ vẫn miệt mài với từng câu hát. Góc chợ Đồng Xuân kín ghế ngối xem hát xẩm. Thanh Ngoan đu đưa theo nhịp hát: “Hà Nội như động tiên sa. Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần. Vui nhất có chợ Đồng Xuân. Mùa nào thức nấy xa gần đến mua …”.
Người ta thấy chị vui khi hát nhưng tôi biết trong lòng chị luôn day dứt một điều làm sao để xẩm sống mãi trong lòng người nghe./.

Theo TTXVN