itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Nhạc trẻ 2007 nhìn từ bên trong

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Nhạc trẻ 2007 nhìn từ bên trong

Gia đình nhạc sĩ Đỗ Bảo

Đã có hiện tượng rất nhiều liveshow, băng, đĩa nhạc thường xuyên xuất hiện trên thị trường nhưng hiện tượng này đã được khai cuộc ở những khúc sông heo vắng tâm hồn con người, như đang tuột dần những kẻ tri âm.

Nhẩm tìm xem, năm 2007 không dễ tìm những tác phẩm hay, chương trình âm nhạc có tiếng vang xa như những năm trước, cũng không thấy sự xuất hiện của những nghệ sĩ nổi danh hay những nghệ sĩ mới. Nhạc nghệ thuật, nhạc thị trường, nhạc xanh, nhạc đỏ... nếu thực sự có những nhánh âm nhạc này, đều không xuất hiện điểm nhấn mà chỉ diễn ra từng nơi, từng fanclub, hoặc cộng đồng nhỏ. Liệu có khi nào chúng ta nhầm tưởng về nhạc trẻ Việt Nam, rằng nó đã từng có một lối đi hoặc một dòng chảy thực sự?

Nhiều người cho rằng năm 2007 nhạc nhẹ Việt Nam vẫn phát triển, hoặc ít ra nó không thụt lùi so với những năm trước. Song sự tồn tại của nó có vẻ lạc điệu, âm nhạc lúc này tựa hồ đã nằm phía sau dòng người đang vội vã bước đi về nhiều hướng hấp dẫn khác.

Nghệ sĩ và khán giả đều đang bế tắc

Khoan hãy bình luận về những hệ quả để lại từ sự thành công hay thất bại của các nhạc sĩ, ca sĩ Việt trong quá khứ, khoan hãy nói tới tương lai. Chỉ riêng hôm nay, mỗi chúng ta đều có thể thấy nền tảng cuộc sống, nơi âm nhạc trú ngụ, đang có quá nhiều biến động, đời sống nhân tình, thời sự trên thế giới và Việt Nam đang ngày càng phức tạp hơn và ít nhiều nó làm loạn nhịp mọi trái tim nhạy cảm. Giả sử sự quan tâm của mỗi chúng ta nằm trong một vòng tròn, vòng tròn đó đang trở nên chật chội bởi biết bao vấn đề sống, bao thông tin và đòi hỏi chồng chéo lẫn nhau, vị trí của âm nhạc ngày nay nhỏ bé hơn.

Thời đại công nghệ thông tin và kinh tế thị trường, với sự đa dạng của nhiều kênh truyền hình, nhiều trang thông tin trên mạng, chưa kể các kênh radio cung cấp liên tục bổ sung vào thực đơn tâm hồn những món giải trí âm nhạc thời thượng. Nghe nhạc online, tải nhạc chuông, các trò chơi âm nhạc, các cuộc thi ca hát dành cho đại chúng... sự thưởng thức âm nhạc của công chúng đương nhiên là một khái niệm có khả năng bị biến dạng. Thẩm mỹ của công chúng tất nhiên cũng chịu sự phân hóa, mỗi chúng ta sẽ có những cách đánh giá khác nhau về âm nhạc trong nhịp sống mới này.

Khi công nghệ sản xuất âm nhạc, công nghệ số hóa mang âm nhạc quốc tế với nhiều cách làm và cách quy chiếu xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây, để tiếp tục dòng chảy thì phần lớn nghệ sĩ và khán giả Việt Nam phải bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa.

Trước những câu hỏi, nhạc Rock phải mang tư duy phản ứng dữ dội, nhạc Rap với những đề tài gây shock, nhạc Electronic, Newage đã chọn những âm thanh kì quặc để biểu lộ cảm xúc hay Chillout gây sự quyến rũ với kết nối những vòng lặp tẻ nhạt, nhạc Pop lấy những giai điệu trữ tình là điểm hấp dẫn, nhạc đương đại thì coi giai điệu là thứ yếu... nghệ sĩ Việt Nam ít nhiều đều hoang mang, tư duy và hành động theo đó không thuyết phục, khiến mọi sản phẩm âm nhạc trở nên thiếu màu sắc cá nhân, nhàn nhạt, ngay cả những cá nhân vượt trội (nếu thực sự có) vẫn phải hòa chung với một môi trường chung vốn không thể thoát ly.

Những nghệ sĩ tài năng, có bản lĩnh đa phần tự tách mình khỏi nhịp sống ấy và đương nhiên chịu bước chậm theo nhịp tiến của thời đại so với người khác để giữ lấy cảm xúc, hoặc họ đứng lại phía sau đoàn người, cũng có thể họ chỉ như một con sóng nhỏ vỗ bờ ở những khúc sông vắng.

Bên cạnh sự bùng nổ thông tin, khoảng cách giàu - nghèo, thành thị - nông thôn, khả năng tiếp cận cái mới, âm nhạc quốc tế đang ào ạt... như tôi đã nói, tâm lý người yêu nhạc sẽ bớt đi sự đồng nhất. Khác với thời chiến, tâm hồn con người hướng đến một lý tưởng chung và âm nhạc đa phần phục vụ lý tưởng ấy.

Ngày nay âm nhạc rất nhiều chủng loại, cũng như nơi cái đẹp nhất, cái đồi bại nhất đều có thể dễ dàng tìm thấy, thì thẩm mỹ trong việc tìm gặp nghệ thuật càng trở nên phong phú. Không được chuẩn bị cho một hoàn cảnh như thế, âm nhạc tất nhiên sẽ xáo động, bão hòa, xoáy tròn bế tắc như nằm trong một khúc sông cụt, không chảy về đâu.

Âm nhạc là một loại hàng hóa không thể chộp giật

Trong khi hàng hóa ngày càng đắt đỏ, lương thực thực phẩm và các chỉ số giá cả leo thang chóng mặt, thì âm nhạc lại là một thứ hàng hóa ngày càng rẻ, nếu không muốn dùng từ “rẻ mạt”.

Những người hay lướt internet, đặc biệt là giới trẻ sẽ thấy rõ điều này nhất. Một album mới của một ca sĩ, nhạc sĩ thông thường được upload lên mạng sau 1 - 2 ngày sau ngày album phát hành. Người ta nghe miễn phí, gửi cho nhau, đính vào trang web, blog cá nhân, sử dụng các dịch vụ gia tăng của các hãng cung cấp dịch vụ viễn thông để tìm đến âm nhạc.

Qua thời gian, thói quen mới được định hình trong xã hội rằng âm nhạc là miễn phí, hoặc là loại hình thuần giải trí khá rẻ tiền. Ở ngay thành thị, việc mua vé xem một buổi hòa nhạc vài trăm ngàn đã bị coi là tốn kém. Bên cạnh đó, nạn băng đĩa lậu tràn lan, với giá khoảng từ 4.000 - 7.000 VNĐ cho một album và được cập nhật nhanh chóng, các cơ quan bảo hộ bản quyền cho nghệ sĩ chưa phát huy tác dụng tích cực do nhiều nguyên nhân.

Những điều này nhanh chóng dẫn đến thị trường băng đĩa CD/DVD vài năm trở lại đây bắt đầu đóng băng, các liveshow phải dựa vào tài trợ của những công ty kinh doanh với mục đích quảng cáo.

Năm 2007, việc ca sĩ ra album riêng bán được 3.000 - 4.000 album đã là điều mơ ước so với con số 10.000 - 20.000 bản ở những năm đầu 2000. Trong giới âm nhạc, thật khó tìm gặp một ca sĩ nào tự tin để nói rằng đĩa nhạc của họ làm ra sẽ chắc chắn thu lãi, đa phần họ cho rằng làm album hay liveshow là để giữ khán giả, đánh dấu mỗi bước đi trong sự nghiệp, vì lòng yêu nghề, chứ trông chờ ở tiền bán âm nhạc là điều khá xa vời.

Như vậy, nghệ sĩ là những người phải đầu tư sản xuất trong giai đoạn giá caoe thị trường tăng nhanh, trong khi đó sản phẩm họ làm ra lại rẻ ê chề. Không cần nghi ngờ gì, chắc chắn đây là một bi kịch của âm nhạc.

Khi không tìm được sự khích lệ, sự công bằng về vật chất theo lẽ tự nhiên, nghệ sĩ dễ dẫn đến sa sút tinh thần, lao vào bất mãn và dần dần vô cảm. Bao trùm lên tất cả những điều nhỏ lẻ kể trên, vẫn là một cơ chế làm ăn đầy xáo trộn trong đó không thiếu những kiểu làm ăn chộp giật, những ngón nghề đầu cơ nghệ thuật hết sức tinh vi trong một giai đoạn tranh tối, tranh sáng của thị trường kinh doanh nghệ thuật.

Người nghệ sĩ chẳng những bị quen dần với việc phải bán rẻ những đứa con tinh thần của mình mà còn khiến cho cả một cộng đồng người hâm mộ và các khán giả phải trả giá cho sự vô cảm của mình. Cuối cùng, ai sẽ quý trọng âm nhạc nếu sự trả giá cho việc thưởng thức lại là sự vô cảm? Khi xã hội thiếu vắng sự trân trọng âm nhạc, ai sẽ làm âm nhạc vang lên đắm say nữa?

Ở giữa, vẫn chỉ là những công ty buôn nghệ thuật hưởng lợi và những người buôn lậu, đầu cơ tích trữ nghệ thuật còn hưởng lợi hơn nữa. Cứ thế, dòng chảy âm nhạc thêm bão hòa, hứa hẹn rất nhiều hệ lụy từ trong dòng nước đầy tạp chất ấy.

Theo Cẩm Nang Mua Sắm