itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Nhạc sĩ Dương Thụ: Chờ đợi mùa Xuân

Nhạc sĩ Dương Thụ: Chờ đợi mùa Xuân

Sống ở một nơi không có mùa Đông, không xem lịch, không nghe radio, không xem tivi, thật khó biết bao giờ mùa Xuân đến. Tôi xa mùa Đông tròn ba mươi năm, đã mất dần cái cảm giác chờ đợi mùa Xuân trong giây phút Giao thừa thủa nào.

Không lạnh giá, không mưa phùn, không bóng tối đặc quánh đêm ba mươi, không tiếng pháo nổ, không mùi hương thắp đặc biệt của miền Bắc pha trộn một chút thôi mùi quả chín trên mâm ngũ quả và sự tĩnh mịch đến lạ lùng của đêm trừ tịch. Mai cũng thế, mốt cũng thế, nhiệt độ vẫn từ hai mươi bảy đến ba mươi độ C và có thể còn hơn nữa. Ngày giống nhau cứ thế trôi qua. Phút dừng để biết mình đã có, đã được, đã mất những gì trong cái cảm giác háo hức của chờ đợi mong mỏi đi liền với những nao nao buồn, những tiếc nuối mơ hồ, phút dừng ấy nay đã mang yếu tố phi thời tiết.

Đêm Giao thừa đến, vẫn ngồi im lặng để lắng nghe, để chờ đợi một cái gì đó, nhưng mỗi năm mỗi khác đi một tí, càng ngày ít buồn hơn không phải vì đã đỡ khổ hơn mà vì hoàn cảnh chung quanh cũng đổi khác đi nhiều và với tuổi tác, cái nhận ngày càng lấn át cái cảm.

Hơn 30 năm trước, trong cái lạnh của những ngày cuối Đông, tôi viết "Bài hát ru mùa Xuân1", rồi "Bài hát ru mùa Xuân 2", rồi lại "Ước ao mùa Xuân"…

Giờ lại viết "Hơi thở mùa Xuân", "Mặt trời mùa Xuân", "Lắng nghe mùa Xuân về", "Phút Giao thừa lặng lẽ"… nhưng trong những bài hát ấy, tôi đã bỏ lại mùa Đông cùng cái cảm giác chờ đợi mùa Xuân trong nỗi khắc khoải của ba mươi năm trước. Có một mùa Xuân khác và một cách chờ đợi khác.

Nhớ lại khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ trước, sau ngày kết thúc cuộc chiến tranh dài trọn hai thập kỷ, khi còn ở ngoài Bắc, đêm Giao thừa nghe "Em ơi mùa Xuân đến rồi đó" của anh Trần Chung, tôi muốn khóc. Cái mùa Xuân mình ước ao đã đến, mùa Xuân được chờ đợi của cả đời người, của nhiều thế hệ đã đến. Không còn bom đạn, không còn cảnh sinh ly tử biệt và cái không còn này có thể sẽ là vĩnh viễn. Nhưng cuối thập kỷ 70 đầu 80, bài hát ấy đã đi vào quên lãng.

Thời hậu chiến gian khổ ăn đói mặc rách, vật lộn làm thêm đủ thứ nghề để kiếm sống, lẽ ra phải chán chường tuỵêt vọng, vậy không hiểu sao đêm về với đàn, nhìn qua cửa sổ, tôi lại thấy trong bóng tối đêm ba mươi có "con chim bồ câu bé nhỏ, bay qua vùng trời, vùng trời mùa Xuân" lại bỗng dưng "cho anh khát khao, khát khao em khi mùa Xuân về. Cho anh nắm tay nắm tay em khi mùa Xuân về"… Những nốt nhạc, hình ảnh, câu chữ sinh ra trong đêm ấy giờ nghe lại tôi vẫn không hết ngạc nhiên. Ngày xưa chậm rãi, dịu dàng, buồn. Lẽ ra bây giờ phải ủ ê, phải buồn hơn mới đúng chứ sao lại nhanh, lại mạnh mẽ, lại như có vẻ vui thế. Có ai bảo mình viết như thế đâu? Viết vì tự nhiên muốn viết, viết vô mục đích. Viết như thế vì lúc ấy nó như thế. Rất nhiều điều chúng ta không thể giải thích vì chúng ta không ý thức được.

Giờ đã là những ngày cuối năm, vì viết bài cho báo Tết nên tôi bỗng dưng có cảm giác như đang sắp sửa tới Giao thừa. Nhắm mắt lại để hình dung những gì sẽ đến, để những cảm xúc mà ngày thường đã bỏ quên trở lại đầy dần lên trong nội tâm ngày càng nhiều khoảng trống vì tuổi tác.

Ngoài kia đường xá ồn ào, xe cộ ùn tắc. Ngoài kia những khu phố ngập nước triều cường đang có chung số phận với những vùng lũ. Ngoài kia những công trình bị rút ruột, ngổn ngang, dang dở nằm phơi mình trong nắng mưa. Ngoài kia giá xăng dầu, giá gas lên đẩy các mặt hàng khác lên giá theo tạo thành cơn bão giá, liệu người nghèo có đủ tiền sắm tết?

Còn ngay trước mặt tôi những bài viết trên báo ngày về việc một cô bảo mẫu dán băng keo lên miệng một cháu bé lớp mầm non khiến cháu tắc thở, về vụ tham nhũng tuyệt đối trong Dự án 112 của Chính phủ, về sự thác loạn trong lối sống của một bộ phận giới trẻ đang có nguy cơ lan rộng thành một thứ bệnh dịch… Vậy thì "con chim bồ câu bé nhỏ" có còn "bay qua vùng trời mùa Xuân bình yên" nữa không?

Thế mà lạ lùng thay hình như vẫn có còn bay đấy!

Điều diễn ra trong lòng ta không đúng như những gì đang có ở ngoài đời, có phải đó mới là sức sống thật sự, cái thanh Xuân của tâm hồn mà ta vẫn giữ được qua nhiều biến cố của thời cuộc, của đời mình?

Hãy nhắm mắt lại, hãy lắng nghe từ trong sâu thẳm lòng ta hơi thở của một ngày mới, một mùa Xuân mới. Bởi vì dù trong hoàn cảnh nào thì mỗi khi năm hết Tết đến, ai chẳng bỗng dưng mơ về một cái gì đấy, chờ đợi một cái gì đấy và cái gì đấy bao giờ chả là mùa Xuân.

"Và chúng ta lại đón Giao thừa

Phút giây lặng lẽ mong chờ

Lắng nghe mùa Xuân về"…

Theo Thời trang trẻ