itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao trong nước / Bài toán "làm lại"

Bài toán "làm lại"

Sau thất bại ở SEA Games 24, hai từ "làm lại" được nhắc đi, nhắc lại như kim chỉ nam hành động cho bóng đá Việt Nam. Nhưng thực tế, đây đâu phải là lần đầu bóng đá Việt Nam "làm lại", cho nên một giải pháp để tạo hiệu quả đang là dấu hỏi lớn mà không một quan chức VFF nào dám đoan chắc sẽ thành công...

Đã vượt qua "điểm đen 2005"?

Vụ tiêu cực ở SEA Games 23 đã khiến bóng đá Việt Nam mất đi 7 cầu thủ tài năng. Bởi vậy, ông Riedl sau này hay nhắc đến việc đội bóng của ông mất 7 cầu thủ trụ cột để giải thích, thậm chí biện bạch cho sự khốn đốn, gây thất vọng người hâm mộ bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2007 và SEA Games 24.

Công bằng mà nói, tổn thất từ vụ tiêu cực SEA Games 24 đã làm cho nền bóng đá vốn đã thiếu tài năng như Việt Nam lao đao. Trường hợp không có vụ lùm xùm tiêu cực tại SEA Games 23, U23 Việt Nam sẽ còn có sự phục vụ của Văn Quyến, Quốc Anh và Phước Vĩnh tại SEA Games 24. Đó đều là những cầu thủ cá tính, đẳng cấp hơn hẳn với lứa U23 Việt Nam vừa thất trận trên đất Thái. Chẳng thế mà, dân trong làng bóng đá Việt Nam tếu táo rằng: trường hợp còn có Văn Quyến, Quốc Anh thi đấu thì Vũ Phong, Công Minh, thậm chí cả… Công Vinh cũng có thể bị đày ải trên băng ghế dự bị.
Trong "giai đoạn 1" của công cuộc tái thiết, bóng đá Việt Nam đã có ít nhiều thành công. Chính vì vậy, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng, ông đã rất bất ngờ vì sau chưa đầy 1,5 năm, bóng đá Việt Nam đã gầy dựng lại một đội hình chơi tưng bừng ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 và Asian Cup 2007. Ông Hỷ nói rằng, trong dự tính của ông và VFF, có thể bóng đá Việt Nam mất 5 năm hoặc 10 năm mới gầy dựng được đội bóng có đủ sức chinh phục.

Rốt cục thì ông Hỷ mới đúng ở một vế. Công cuộc làm lại xem ra chẳng dễ dàng như vị Chủ tịch VFF nhìn nhận, bởi chính bộ khung mà ông Hỷ khen tới tấp ấy đã thảm bại ở SEA Games 24. Ngay ở ĐTVN, sau thành công ở Asian Cup 2007, chúng ta lập tức thảm bại trước UAE ở vòng loại World Cup 2010 sau khi yếu tố sân nhà, bất ngờ không còn. Điều đó cho thấy hậu quả của "điểm đen 2005" vẫn còn hiển hiện ở bóng đá Việt Nam chứ không thể xóa nhòa bằng những thành tích nhất thời.

AFF Cup 2008 có quá sớm?

Việc "làm lại" sau thất bại ở SEA Games 24 không đơn giản và càng không thể làm qua quýt cho xong chuyện. Hơn thế nữa, nếu nghĩ đơn giản đội bóng nhanh chóng lành bệnh và tỏa sáng trong một vài thời điểm là đã xóa mờ được những vấn đề tồn tại thì xem ra không ổn. Một khi làm lại từ tro tàn thì càng phải kiên nhẫn, thận trọng chứ không thể sớm tự mãn, huyễn hoặc mình sau vài thành tích nho nhỏ.

Đội tuyển U23 Việt Nam được làm mới sau cơn bão tiêu cực năm 2005,
nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Ảnh: Hoàng Hùng

Thế thì việc VFF sớm đặt mục tiêu trở lại bằng một khuôn mặt đẹp, toàn diện ở AFF Cup 2008 có "ép tiến độ"? Trong chừng mực nào đó, lấy lại hình ảnh bằng "đội lớn" chứ không phải đội Olympic hay U23 thì sẽ thuận chiều hơn. Bởi cái nền của tuyển Việt Nam hiện tại dẫu sao không đến nỗi quá mong manh dễ vỡ như đội U23 Việt Nam.

Theo tiết lộ của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, kế hoạch tái thiết của VFF sẽ tiến hành ở việc lựa chọn tân HLV trưởng. Công việc ấy chắc chắn được tư vấn bởi Hội đồng HLV quốc gia. Tuy nhiên, xài lại Hội đồng HLV quốc gia thì người ta cũng phải hỏi, vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn sẽ đóng góp được những gì?

Sau thời Phó Chủ tịch Lê Thế Thọ, vai trò cố vấn chuyên môn của ông Tuấn hay Phó Chủ tịch chuyên môn đương nhiệm Dương Vũ Lâm xem ra quá mờ nhạt nếu không muốn nói là gần như không hiện hữu. Ở SEA Games 24, ông Lâm xuất hiện tại Korat nhưng giống như khách du lịch đến thăm hỏi U23 Việt Nam hơn là mang nhiệm vụ cố vấn kỹ thuật. Thế cho nên, tuyên bố lấy lại hình ảnh tại AFF Cup 2008 đã có vai trò tư vấn của ông Phó Chủ tịch chuyên môn hay chưa? Hay đấy mới là biện pháp... trấn an dư luận của VFF sau chuỗi thất bại đau đớn?
Hãy đợi VFF chứng minh bằng thực tế vậy!

Ngọc Linh / SGGP

Hậu SEA Games 24: Hệ lụy của tuyển ! 

Thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 24 đã đẩy bóng đá Việt Nam chìm vào những tháng ngày u ám. Hệ lụy thất bại của tuyển U23 Việt Nam có thể tác động tiêu cực đến nhiều đội bóng, nhất là khi V-League và giải hạng Nhất 2008 chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa sẽ khởi tranh...

Cứ về là xìu

Ảnh: Hoàng Vy

Việc cầu thủ "xìu" sau mỗi lần trở về từ đội tuyển dường như đã trở thành... thói quen của bóng đá Việt Nam. Sau SEA Games 22, hào quang tấm HCB của đội U23 Việt Nam lúc ấy đã khiến nhiều đội bóng sống dở, chết dở vì các tuyển thủ bị vắt kiệt thể lực, chấn thương, đặc biệt là tư tưởng "ông sao" của nhiều cầu thủ. Văn Quyến, Quốc Vượng... trượt dài, trong khi Thanh Phương, Hữu Thắng dính chấn thương buộc phải chia tay sân cỏ hoặc không bao giờ trở lại thời đỉnh cao. Trong khi đó, sau SEA Games 23, bốn đội Đà Nẵng, Hải Phòng, SLNA và Huế ngậm đắng nuốt cay vì nghĩa vụ cống hiến cho đội U23 Việt Nam đã khiến họ mất đi 7 trụ cột do dính vào vụ bán độ.

Sau SEA Games 24, căn bệnh tuyển thủ "xìu" khi trở lại CLB có tái phát? Ở V-League 2007, đội trưởng Lê Công Vinh có lúc "ăn đủ" vì bị bào mòn sức lực do cống hiến cho ĐTQG lẫn đội Olympic Việt Nam. Công Vinh chua chát thú nhận, anh đã tính chuyện chia tay sân cỏ chỉ vì rớt phong độ sau khi trở về từ đội tuyển, vì vậy, Công Vinh bị quy là… bán độ, kênh kiệu, chỉ dồn sức cho đội tuyển thay vì CLB. Nói tóm lại, sự cố suýt khiến Công Vinh giã từ sự nghiệp sân cỏ chung quy cũng do hệ lụy của đội tuyển.

Việc U23 Việt Nam thất trận ở SEA Games 24 khiến cho nguy cơ phát bệnh "xìu" trong các tuyển thủ U23 Việt Nam khi trở về CLB càng lớn. Bởi sau 5 trận chiến tại Thái Lan, nhiều cầu thủ đã bị vắt kiệt thể lực. Thậm chí, như TMN.CSG chắc chắn mất sự phục vụ của tiền vệ Minh Chuyên vài tháng vì cầu thủ này tái phát chấn thương đầu gối. Tuy nhiên, điều đáng sợ hơn cả chính thất bại trong cuộc chinh phục tấm HCV đã làm họ kiệt quệ tinh thần.

Có thiệt nhưng đành... chịu

Sau khi trở về từ Thái Lan, nhiều tuyển thủ còn chưa đến trình diện CLB chủ quản mà họ phục vụ. HLV trưởng CLB Bình Dương Lê Thụy Hải than vãn rằng, có một sự kỳ cục là VFF khi triệu tập cầu thủ thì đưa giấy gọi rất cẩn thận, nhưng khi xả trại thì tuyệt nhiên không có giấy trả về. Bởi vậy, ông Hải chỉ còn biết phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp, tự giác của các cầu thủ, bởi cho đến lúc này, thực chất họ vẫn thuộc quân số của... tuyển U23 Việt Nam.

Theo HLV Lê Thụy Hải, ông không ngán những hệ lụy từ việc khoác áo tuyển, bởi ngoài Quang Thanh khá chắc chân trong đội hình chính, Vũ Phong, Công Minh, Anh Đức cũng chỉ giữ suất… dự bị ở Bình Dương. Dẫu sao, ông Hải cũng thừa nhận, nếu muốn sử dụng những cầu thủ vừa trở về từ đội U23 Việt Nam, ông cũng phải làm lại khá nhiều. Theo tính toán của ông Hải, Bình Dương mất khoảng 2-3 vòng đấu đầu để giúp các cầu thủ trên tĩnh tâm và hồi phục trở lại.

Vấn đề là không phải ai cũng tự tin như ông Hải, bởi dẫu sao thì Bình Dương cũng là đội bóng có quân hùng tướng mạnh nên việc tìm giải pháp thay thế trong một vài vòng đấu đầu tiên là không khó. Ngược lại, những đội bóng "nhà nghèo" như Đồng Tháp thì việc Quý Sửu, Việt Cường, Phong Hòa, Tấn Trường, Thanh Bình rớt phong độ quả là điều đáng sợ. Đồng Tháp đâu có nhiều lựa chọn lực lượng như Bình Dương để bù đắp vào khoảng trống do các trụ cột này để lại. Tương tự là H.Thanh Hóa, Khánh Hòa.

Hệ lụy của tuyển U23 Việt Nam đang ám ảnh nhiều CLB. Tuy nhiên, dù có thiệt thòi chăng nữa thì họ cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi cầu thủ trở về từ đội tuyển sa sút đã không còn là trách nhiệm của VFF!

GIA MINH