itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao trong nước / Ông Thượng với những cô gái chân dài

Ông Thượng với những cô gái chân dài

Đất miền Nam không mạnh về bóng chuyền nữ. Thế mà lại nổi lên một đội Long An nằm trong tốp ba của bóng chuyền nữ VN suốt 15 năm nay. Người đã viết nên câu chuyện khác thường này là HLV Lương Khương Thượng, với những câu chuyện trở thành giai thoại trong môn thể thao của các cô gái chân dài...

Anh bộ đội Thành cổ và nghiệp bóng chuyền

Năm 1972, chàng trai quê Quảng Ninh tên là Lương Khương Thượng lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Sau vài tháng huấn luyện ở quân trường, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ sư đoàn 308 oai hùng, tham chiến tại chiến trường khốc liệt nhất năm 1972, đó là Thành cổ Quảng Trị.

Sau đó, sư đoàn 308 kéo về đóng tại Vĩnh Linh, và trong thời gian này họ được tiếp xúc với đội bóng chuyền Thể Công vừa đi tập huấn từ Triều Tiên về (làm nhiệm vụ giao lưu với cơ sở). Chính những tay đập nổi tiếng thời đó như Nguyễn Hữu Dông, Trần Văn Thư... của Thể Công đã làm mê mẩn Lương Khương Thượng. Và chàng trai Quảng Ninh này đã mày mò theo bóng chuyền từ những tay đập nổi danh đó.

Đến năm 1975, một bộ phận của sư đoàn 308 nhập vào sư đoàn 341 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng này trở thành một bộ phận của Quân đoàn 4. Để tham gia một giải bóng chuyền trong nội bộ quân đội năm 1976, Quân đoàn 4 tổ chức tuyển người và Khương Thượng, với những bài học từ các tay đập lừng danh, đã vinh dự được đứng vào đội ngũ đội Quân Đoàn 4, mà sau đó nhanh chóng trở thành một đội cực mạnh của bóng chuyền VN. Trong thời gian này, anh tranh thủ đi học Trường TDTT đóng ở trường đua Phú Thọ (tiền thân của Trường ĐH TDTT 2). Đến năm 1981 khi hoàn thành khóa học, anh ra quân và được giữ lại trường.

Năm 1985, Khương Thượng đang là phó phòng tuyên huấn quản lý sinh viên của Trường ĐH TDTT 2 và được biệt phái về giúp đội bóng chuyền nam Long An. Vừa hoàn thành chỉ tiêu giúp đội này trụ hạng A1, ông Bảy Nô (lúc ấy là giám đốc Sở TDTT Long An) đã đề nghị anh gầy dựng phong trào bóng chuyền nữ.

Sau này ông Bảy có kể rằng bản thân ông thấy lạ khi tại sao bóng chuyền nữ toàn dồn về phía Bắc, trong khi con gái đất Long An của ông không thiếu người cao lớn, chân dài! Vì vậy, ông muốn thử “lật ngược” một cú xem sao! “Vốn” làm ăn đầu tiên mà ông Bảy giao cho anh Thượng là đội nữ Dệt Cầu Voi. Nhưng vừa tiếp xúc với đội, Thượng đã lắc đầu và bảo: “Đây là đội phong trào, làm sao chơi được đội mạnh? Nếu muốn, anh hãy để cho tôi gầy dựng từ đầu”.

Việc đầu tiên mà anh Thượng làm sau khi được ông Bảy Nô “bật đèn xanh” ủng hộ hết mình là... tìm đến Công an tỉnh Long An! Để làm gì? Anh cười bảo: “Thì nhờ mấy ảnh khoanh vùng cho mình biết được vùng nào có nhiều người cao lớn. Dựa vào đó, tôi lùng sục ở các vùng như Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa... Chứ ngay tại Tân An hay Mộc Hóa thì khỏi đi tìm mất công!”.

Cách tìm của anh Thượng là về các vùng đất có nhiều người cao lớn, lang thang ngoài chợ, đi vào từng trường. Và kết quả anh tuyển mộ được 16 cô gái trong độ tuổi 16-17, có tố chất thích hợp với bóng chuyền.

Quá trình đi săn lùng “chân dài” đã vất vả, nhưng cũng chẳng nhằm nhò gì với nỗi khó khăn là thuyết phục gia đình chấp thuận. Anh nhớ lại trường hợp Nguyễn Thị Hộ - sau này là chủ công số 1 của đội tuyển VN, có những cú đập tay trái “thần sầu quỉ khốc”: “Tôi thấy Hộ ngoài chợ là ưng liền và cứ đi theo thuyết phục. Hộ khi ấy 16 tuổi, cao 1,72m và sau này đến 1,78m. Ban đầu cô ấy hơi ngại, nhưng cuối cùng cũng xuôi. Tuy nhiên khi thuyết phục gia đình thì không dễ chút nào.

Tôi nhớ hôm đến nhà Hộ là vào buổi chiều. Trời mưa tầm tã nhưng bà cụ thân sinh của Hộ đuổi ra khỏi cửa ngay lập tức, khi nghe tôi trình bày chuyện xin cho con gái bà lên thị xã Tân An tập trung đội năng khiếu bóng chuyền. Ra khỏi nhà nhưng tôi cứ đứng lì dưới cây cóc trước nhà Hộ. Hơn cả tiếng đồng hồ, bà cụ thấy tôi ướt như chuột lội nên thương tình cho vào nhà trú mưa. Nhưng cũng chỉ thế thôi chứ dứt khoát không nghe tôi nói. Có điều, nhờ được trú mưa mà tôi biết được bố của Hộ là bí thư chi bộ xã. Và thế là tôi tức tốc về nhờ ông Bảy Nô tác động gia đình trên tinh thần đồng chí đồng đội. May làm sao, ông Bảy Nô thành công, và bóng chuyền VN giữa những năm 1990 đã được chứng kiến một cô chủ công tay trái tuyệt hay”.

Rồi câu chuyện của Kim Thoa ở Thủ Thừa - một tay phụ công rất giỏi - cũng đầy thú vị. Anh Thượng kể: “Ông cụ của Thoa cho tôi vào nhà nhưng nói thẳng rằng: Chú là người ngoài Bắc vào, tôi chẳng biết gốc gác thì làm sao tin được. Bây giờ chú uống với tôi để xem có thực bụng không. Thế là tôi với ông cụ đối ẩm cho đến khi tôi xỉn chẳng còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy ra về ông cụ cũng chẳng nói gì. Nhưng hôm sau đích thân ông dẫn con gái lên sở TDTT giao cho tôi và nói rằng thấy chú uống thiệt tình là tôi biết thực bụng nên giao con cho chú”!

Cứ thế, cuối cùng anh Thượng cũng tìm đủ 16 cô để huấn luyện, sàng lọc và trong nguyên thập niên 1990, đội nữ Dệt Long An đã cung cấp cho tuyển VN một loạt VĐV giỏi như Hộ, Vàng, Bích Liên, Kim Thoa, Thu Dung... Trong số này giờ đây chỉ còn mỗi Bích Liên ở vị trí chuyền hai. Nhưng nhờ cái đà ấy, bóng chuyền nữ Long An vẫn giữ được vị trí một trong ba đội hàng đầu VN hiện nay.