itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao trong nước / Thất bại kép của ông tổng thư ký VFF

Thất bại kép của ông tổng thư ký VFF

Một số ý kiến cho rằng LĐBĐ VN (VFF) thất bại trong chiến dịch vận động đăng cai Giải Vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) 2008 vì Hội đồng Thường trực AFF phải chiều lòng nhà tài trợ Nike - đối tác chiến lược của AFF và cũng là nhà tài trợ của các đội tuyển Thái Lan, Indonesia (trong khi tài trợ trang phục cho đội VN là Li-ning – Trung Quốc).

Dù gì đi nữa, đây có thể coi là thất bại kép của ông Tổng Thư ký (TTK) VFF Trần Quốc Tuấn, cũng là trưởng đoàn của bóng đá nam U23 VN tại SEA Games 24.

Hứa công khai rồi... bận đi họp

Với lý do “bận họp”, ông Tuấn đã vắng mặt tại “phiên điều trần” mổ xẻ thất bại của đội U23 VN, dù đáng ra ông phải là người cần có mặt hơn cả, nhất là trước đó đã rất nhiều lần ông hứa: “Đến buổi tọa đàm tôi sẽ nói tất cả về trách nhiệm của mình”. Nhưng dù sao vẫn phải thông cảm cho ông vì với cương vị TTK, ông Tuấn phải đi lo chuyện “vận động đăng cai AFF Cup cho bóng đá VN”.

Nhưng kết quả từ cuộc họp của AFF ở Bali (Indonesia) do ông Tuấn báo về đã không như mọi người trông đợi, dù trước đó lãnh đạo VFF đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đưa bằng được AFF Cup về VN với mục đích “phục thù” cho SEA Games. Ông Tuấn vẫn vớt vát rằng: “Dù sao chúng ta cũng giành được quyền đăng cai Giải Vô địch Bóng đá nữ Đông Nam Á. Hơn nữa, nếu Thái Lan và Indonesia không đáp ứng được yêu cầu, chúng ta vẫn còn cơ hội!”.

Cách vận động chưa chuyên nghiệp

Thất bại trong chiến dịch đăng cai AFF Cup khiến cho ngay cả một vị phó chủ tịch VFF cũng phải ngao ngán thốt lên: “Các anh ấy làm ăn như vậy thì tệ quá!”. Còn dưới con mắt của một cựu TTK VFF - ông Phạm Ngọc Viễn - thất bại ấy là có thể hiểu được vì tầm nhìn và cách làm của người đi vận động vẫn còn nghiệp dư và thiếu thuyết phục. Từng hai lần góp phần giành quyền đăng cai Giải Vô địch Bóng đá Đông Nam Á về cho VN vào các năm 1998 (Tiger Cup) và AFF Cup 2004, ông Viễn là người rất giàu kinh nghiệm trong việc vận động đăng cai. Vì thế, cựu TTK tỏ ra đôi chút thất vọng sau thất bại vừa rồi tại cuộc họp ở Bali: “Tiger Cup 1996, Singapore được chọn là nước đầu tiên đăng cai bởi đại bản doanh của nhà tài trợ Tiger nằm ở nước này. Nhưng đến năm 1998, rất nhiều đối thủ nặng ký khác là Malaysia, Indonesia, Thái Lan cũng nhảy vào cuộc đua. Để thuyết phục được các nhà điều hành và tài trợ, mình phải nhiệt tình và có quyết tâm rất cao. Hồi đó, tôi mang đi vận động cả hình ảnh của VN, nhiều video clip về cơ sở vật chất rồi kế hoạch tổ chức rất chi tiết mới thuyết phục được họ”.

Về vấn đề nhà tài trợ có tác động và gây ảnh hưởng giúp quốc gia này, quốc gia kia giành được quyền đăng cai, ông Viễn cho biết: “Đó là chuyện có thật, nhưng vấn đề là mình phải lường trước để mà chinh phục nhà tài trợ. Đi vận động mà không biết cách thuyết phục thì nói làm gì!”. Theo thông lệ, AFF không bao giờ ký trực tiếp với một quốc gia đăng cai mà luôn thông qua một nhà tài trợ. Năm 1998, chính ông Viễn bằng ảnh hưởng và uy tín cá nhân đã phải đi tắt đón đầu vận động từ đơn vị trung gian là Công ty AML. Còn năm nay, tại sao ông Tuấn không lường trước việc Nike sẽ có khả năng thay đổi “cán cân” cuộc đua để mà vận động trước? Rõ ràng về những chuyện này, ông TTK VFF đương nhiệm còn phải học người tiền nhiệm...

Theo NLĐ