itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Cuộc lên đường của thơ trẻ

Cuộc lên đường của thơ trẻ

Nói như vậy là vì với bất cứ thời đại nào, văn chương cũng đều có những cuộc lên đường của nó. Cuộc lên đường này rất dài và không có kết thúc, có chăng chỉ là sự kết thúc của một chặng đường này để rồi nối tiếp hoặc mở ra một chặng đường khác.

Thơ trẻ hôm nay cũng đang có những bước đi đầu tiên trong cuộc lên đường và trở thành một chủ đề đàm luận khá hấp dẫn đối với giới văn học, nhà nghiên cứu lí luận phê bình cùng đông đảo những người quan tâm đến văn học nước nhà. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng “Thơ trẻ” ở đây được hiểu là những người đại biểu cho một khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo và đổi mới về sáng tác. Họ có thể là những người sinh trước hoặc sau năm 1975, chứ không hẳn cứ phải là những người sinh sau ngày đất nước thống nhất.

Diện mạo thơ trẻ

Khi văn học bước vào guồng quay hội nhập thế giới, khi những trào lưu văn học của nước ngoài tìm đến giao lưu với văn học trong nước thì người viết trẻ bao giờ cũng là người tiếp cận nhanh nhất. Ngoài tác động của yếu tố thời đại, họ còn là lớp người năng động, sáng tạo, thích tìm tòi khám phá những điều mới lạ. Chính vì thế, vấn đề làm mới thơ là mối quan tâm đầu tiên của họ. Chúng ta cũng chẳng lạ gì những từ ngữ luôn luôn được gắn với các nhà thơ trẻ như cưỡi đạp, bứt phá, cách tân, đổi mới... Đó là những Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Bình Phương, Trương Quế Chi, Đinh Thị Như Thuý, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thuý Hằng, Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Ly Hoàng Ly... Mỗi người một giọng điệu, một cách thể hiện tạo nên diện mạo mới cho văn học.

Hê-ghen từng nói: “Nhà thơ là người đầu tiên làm cho dân tộc mình mở miệng và thiết lập mối quan hệ giữa biểu tượng và ngôn ngữ”. Thơ trẻ trong diện mạo mới đã có những thay đổi cả về hình thức lẫn nghệ thuật đáng được ghi nhận. Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá cho rằng thơ trẻ hiện nay đang đi theo một số hình thức tìm tòi cách tân thơ như phân mảnh, sắp đặt, đó là sự nối tiếp những nhà thơ tiền bối nổi tiếng trong đổi mới với thơ “dòng chữ” của Trần Dần, thơ “bóng chữ” của Lê Đạt, thơ “âm bồi” của Dương Tường, thơ “vụt hiện” của Hoàng Hưng, thơ “dòng ý thức” của Đặng Đình Hưng... Nhưng về cơ bản họ đã biến đổi các hình thức biểu đạt cho phù hợp đời sống hội nhập hiện đại… Đa thanh, đa sắc và đa diện trong thơ cùng nghệ thuật ngôn từ mang tính biểu tượng cao, kết hợp với nghệ thuật thị giác, mở rộng biên độ thơ là những đặc trưng của cách tân thơ trẻ. Một hình thức thơ trẻ nữa là vẫn nương theo thơ tự do truyền thống nhưng có chủ trương làm mới nội dung. So với thơ tự do truyền thống thì câu chữ trong thơ trẻ đã được giản lược một cách tối đa, đặc biệt là những liên từ, quan hệ từ; cảm xúc cũng được tiết chế nhằm lộ phát ý tưởng. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì cho rằng thơ trẻ đang thịnh hành theo hai khuynh hướng là thơ mông lung, thơ khẩu ngữdòng thơ tân-cổ- điển. Thơ mông lung lấy tiêu chí ý tưởng hoá, lập thể hoá nhằm tôn vinh sự va đập hình ảnh chốc lát để tạo thành một tứ thơ đa nghĩa; thơ khẩu ngữ lấy tiêu chí phản tu từ, đề cao lối nói thường nhật. Dòng thơ tân - cổ - điển vẫn giữ được ưu điểm thơ Việt là nhịp điệu và nhạc điệu nhưng ngôn ngữ thơ đã khác, tư duy thơ cũng khác... Dù đưa họ vào một hình thức biểu đạt nào, khuynh hướng nào, thực tế đã chứng minh những nhà thơ trẻ đang tạo ra những đợt sóng ngầm của thời đại.

Thơ trẻ cũng có những đóng góp không nhỏ về mặt nội dung, đó là tiếng nói phản ánh đời sống hiện thực. Mặc dù còn có nhiều hoài nghi về vấn đề này khi người ta cho rằng: các nhà thơ trẻ hiện nay đào bới quá sâu vào cái tôi cá nhân, tôi chỉ là tôi, không có sự kết hợp cái tôi với cái ta theo kiểu “chúng tôi” hay “chúng ta” như thế hệ đi trước; đề cao quá mức dục vọng cá nhân, không chú tâm vào sự thay đổi thời cuộc… vì thế khó có thể trở thành tiếng nói của thời đại. Tôi nghĩ rằng người làm thơ nói riêng và sáng tác văn học nghệ thuật nói chung đều có một mục đích duy nhất là cống hiến cho xã hội, cho nên cần đánh giá đúng những đóng góp tích cực của họ, và sẽ không có bất kì một sự ngăn cách nào giữa thơ trẻ và “người thư kí trung thành của thời đại”.

Dư âm và hoài vọng cho một cuộc cách tân thơ trẻ

Cuộc lên đường của thơ trẻ vốn không âm thầm lặng lẽ nhưng cũng không có nhiều những hàng “trống rung, cờ phất” dọc hai bên đường đi. Những nhà thơ trẻ bước vào con đường văn chương bằng nhiệt huyết sôi nổi, bằng sự khao khát đổi mới và khẳng định mình. Bản thân họ và tác phẩm của họ là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống xã hội, nên dần dần thơ trẻ đã tạo dựng được niềm tin cho các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lí luận phê bình của thế hệ đi trước, cùng đông đảo công chúng yêu văn chương nước nhà. Đó là một động lực không nhỏ thúc đẩy quá trình cách tân sáng tạo, đổi mới nghệ thuật ở họ. Trên các diễn đàn văn học nghệ thuật hay những cuộc toạ đàm, hội thảo văn chương, chúng ta đều đã lắng nghe nhiều ý kiến nhận xét cổ suý cho thơ trẻ từ những người đi trước như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Văn Giá, Chu Văn Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Quốc, Inrasara... Báo Văn Nghệ Trẻ đã dành hẳn một chuyên mục: “Thơ tìm tòi và đổi mới” để giới nhiệu những nhà thơ cách tân hiện đại không biết mệt mỏi, mà trong đó đa phần là những nhà thơ trẻ hiện nay. Đặc biệt khi ngày thơ Việt Nam ra đời và được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào rằm tháng giêng hàng năm, Hội nhà văn dành hẳn một sân khấu riêng cho các nhà thơ trẻ nhằm tôn vinh họ. Cách tổ chức rất riêng và rất trẻ, cũng như luôn có sự khuyến khích những cách thể hiện sáng tạo độc đáo. Trong ngày thơ lần thứ VI năm nay, sân thơ trẻ đã đưa một hình thức thể hiện thơ khá mới mẻ là “Thơ Trình Diễn”. Sự tương tác, kết hợp giữa thơ và các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, kịch câm, ca trù, chầu văn, hát xẩm, nghệ thuật sắp đặt... đã tạo được ấn tượng khá tốt trong lòng đông đảo công chúng yêu thơ. Giữa lúc thơ đang ngày càng bị thu hẹp bởi các loại hình nghệ thuật, các phương tiện truyền thông, các kênh giải trí khác.... thì việc trình diễn thơ chính là đem thơ trở lại với không gian nghệ thuật.

Bất cứ trào lưu thơ hay diện mạo thơ nào đều phải được đánh giá và kiểm nghiệm từ công chúng. Nếu được công chúng chấp nhận thì đó là thành công. Trên con đường đi của mình, văn chương sẽ không có một đích đến cụ thể nào cả và đối với thơ trẻ lại càng khó khăn. Nhưng tôi tin vào cuộc lên đường của họ. Tin vào một đỉnh cao thơ trẻ đầy hứa hẹn.

Xin được nhắc lại những lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Trí Huân về văn chương trẻ trong Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VII diễn ra tại Quảng Nam (tháng 5 - 2007) như sau: “Tôi rất mừng vì thời gian qua trên văn đàn đã xuất hiện những cây bút trẻ, có tác phẩm gây xôn xao dư luận, tạo được sự quan tâm tới độc giả như Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thuỳ Linh... Tôi cho rằng thời gian tới văn học sẽ thuộc về những người viết trẻ như họ. Nhìn cách họ sống và viết, có thể nhận thấy họ đang tìm ra những con đường mới trong văn chương, Chủ động và mới mẻ, trong số đó có những người dám thách thức cả với chính mình”.

Bài, ảnh: Thành Nam