itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / “Mốt” văn học online

“Mốt” văn học online

Sáng 21/3, một hội thảo về Văn học mạng đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, các nhà văn trẻ, dịch giả, nhà phê bình và những người yêu văn chương đã bàn luận về đời sống văn học mạng cũng như phần tiếp sau của nó - in thành ấn phẩm theo truyền thống... Với xu thế công nghệ, văn học online dường như đã trở thành "mốt" trong giới trẻ.

Khách mời của hội thảo là các cây bút văn học mạng nổi bật hiện nay: Hà Kin, Trang Hạ, Phong Điệp, Vũ Quỳnh Hương, Trần Thu Trang cùng một số cây bút phê bình đáng chú ý: Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Chí Hoan, Inrasara...

Trong xu thế toàn cầu hóa, đời sống văn hoá nghệ thuật trong nước dường như mỗi ngày lại xuất hiện thêm một loại hình, một sản phẩm mới, đặc biệt là của các tác giả trẻ. Tuổi trẻ là tuổi của sáng tạo, của cập nhật những thành quả tiên tiến nhất trong phát minh khoa học công nghệ. Một trong những sản phẩm đáng kể nhất hiện nay chính là văn học mạng.

Sự xuất hiện và lan toả của các tác phẩm văn học mạng trong đời sống thực đã làm đảo lộn khá nhiều khái niệm cố hữu về văn chương, đời sống. Thoạt tiên, văn học mạng đem lại một cảm giác như viết văn thật dễ dàng, ai cũng có thể trở thành nhà văn... sau một cú nhấp chuột. Hoặc như bạn đọc bây giờ thật sướng, ở chỗ có thể gửi thư, tin, thậm chí trực tiếp trò chuyện cùng nhà văn mà bạn yêu thích bất kỳ lúc nào, cũng chỉ cần sau một cú nhấp chuột và quan trọng là nhanh chóng nhận được hồi âm của nhà văn. Không phải như trước đây, kiếm tìm địa chỉ liên lạc, điện thoại, rồi hồi hộp chờ đợi...

Báo chí cũng đã dành cho lĩnh vực văn chương mới mẻ này rất nhiều thời gian, thông qua số lượng bài viết đề cập đến các tác giả, tác phẩm và những chuyện lớn nhỏ xung quanh đời sống của nó. Và cũng như sự hối hả của đời sống thường nhật hiện nay, vẻ như chưa có nhiều bạn đọc thực sự một lần tĩnh trí ngẫm nghĩ lại đôi phần về đời sống văn chương hấp dẫn và đầy biến ảo này, về các tác phẩm mà mình đã say mê, đã khóc cười cùng, về văn phong của chúng, về độ sâu lắng của chúng, về khả năng đi cùng chúng ta trên đường đời như những áng văn thơ mà chúng ta thuộc nằm lòng từ thời phổ thông.

Xuất phát từ giả định nói trên, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Công ty Sách Bách Việt đã tổ chức hội thảo này. Hội thảo có ba chủ đề chính là:

Chủ đề 1: Bối cảnh xã hội của sự ra đời và phát triển của văn học mạng VN và một số nước láng giềng (Trung Quốc); Song hành cùng quá trình phát triển của văn học mạng là quá trình phát triển lớn mạnh của Internet. Đây là điểm khởi nguồn và “bùng phát”, bởi từ khi có các forum, blog, website cá nhân…, văn học có nhiều cơ hội để lớn mạnh và bước chân từ xã hội ảo vào xã hội thật của truyền thông, xuất bản.

Chủ đề 2: Các khía cạnh xung quanh việc xuất bản theo truyền thống tác phẩm văn học mạng: cách nghĩ về cái gọi là THẬT và ẢO; vấn đề bản quyền; tính tương tác khi tác phẩm online và khi đã offline (thành sách in); tự do và tự do quá trớn trong việc gửi bình luận khi tác phẩm online và dư âm của việc này khi tác phẩm offline.

Chủ đề 3: Sự đón nhận của các NXB, các phương tiện truyền thông và bạn đọc đối với các tác phẩm văn học mạng: Vấn đề "chính lưu" và "phụ lưu" của văn học mạng.

Như Quỳnh / VTV