itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Ngày thơ Việt Nam lần 6: Vui cùng trình diễn thơ

Ngày thơ Việt Nam lần 6: Vui cùng trình diễn thơ

Hàng nghìn người yêu thơ đã đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội sáng 21.2 (rằm tháng giêng) dự Ngày thơ. Sân thơ trẻ năm nay được chú ý nhiều hơn bởi một sân khấu trình diễn thơ được chuẩn bị chu đáo.

Không khí sân Thái học nóng lên khi nhóm nhảy The Big Toe khởi đầu như một lời chào của những người trẻ với màn trình diễn: Hãy là chính mình. Người xem tò mò chờ xem với các loại hình nghệ thuật khác, liệu các nhà thơ có biết "diễn" trò hơn không. Chu Thị Minh Huệ gùi thơ từ Hà Giang lạnh giá xuống sân thơ trẻ với 2 bài thơ được đựng trong gùi và trình diễn bằng hai thứ tiếng Mông và Kinh.

Trang Thanh kết hợp những hình nhân mặc quần áo chữ, trình bày với một nong chữ do chính tay mình sàng sẩy, và ngữ nghĩa như mây bụi, như vỏ trấu của tư duy bay lên. Lê Ngân Hằng mở đầu bằng một câu thơ được ngâm theo lối truyền thống, tác giả tự soạn và biến tấu cho các nhịp thơ của mình bằng cách diễn đạt khác nhau.

Ấn tượng là những màn trình diễn thơ không quá cầu kỳ, nhưng đạt được hiệu quả thị giác và âm thanh. Nhà thơ Dạ Thảo Phương với tác phẩm trình diễn "Giấc mơ của một đơn âm" gồm bài thơ "Cây bàng, buổi chiều" do tác giả tự thể hiện cùng trình diễn acapella của các nghệ sĩ Minh AÁnh và Hải Yến. Sự kết hợp với âm nhạc khiến bài thơ được sống trong từng con âm thông qua các cao độ và sắc thái biểu đạt của thanh nhạc, lay thức những khắc khoải, những tâm trạng cá nhân.

Nhà thơ Dương Tường kết hợp với Dạ Thảo Phương và Phan Huyền Thư tạo điểm nhấn giác quan người thưởng thức khi trình diễn chữ được viết trên một cuộn giấy vệ sinh và tự quấn quanh người mình đồng thời những âm thanh của hai bài thơ "Bella" và "Kỷ niệm đàn bà" vang rõ, hối thúc, như gợi cảm thức sám hối... Dương Tường quả đã chứng tỏ chất trẻ của mình và sự lạ lùng của hành vi trình diễn dẫn gợi những ý tưởng, những diễn giải khác nhau nơi công chúng. Người xem có thể thấy lạ, quái, thậm chí "rờn rợn" khi băng giấy bị xé rách và vo viên.

Nhà thơ Hoàng Hưng xuất hiện với phong cách "cổ điển": Đọc thơ với đoản khúc trio soạn riêng cho nội dung và ý tưởng của tác phẩm. Tác giả "Người đi tìm mặt", theo một cách giản dị đã minh chứng một quan niệm riêng về trình diễn thơ: Sự lay động cảm xúc thơ ca trước hết không phải bằng những hình thức ngoài thơ, mà bằng chính sự vang động của chữ, của những kết cấu chữ trên nền âm thanh hỗ trợ.

Tuy nhiên, một lối trình diễn thơ nặng tính minh họa theo hình ảnh, ý tưởng của bài thơ vẫn còn thấy rõ ở nhiều tiết mục (như trình diễn thơ - hình thể của tác giả Hồ Huy Sơn và nghệ sĩ hình thể), cảm giác "nhàm chán" cũng đến, khi những bài thơ được trình diễn thiếu sức nặng của ý tưởng và câu chữ.

Sự đa dạng về độ tuổi và phong cách trình diễn thơ, những phương tiện hỗ trợ thơ nhiều màu vẻ (với trống phách, đàn violon, ca trù, chèo cổ và thậm chí là âm nhạc điện tử cho thấy niềm hào hứng với những loại hình mới và nhiệt tâm đưa thơ đến gần công chúng. Nhưng dù thế nào, ấn tượng về thơ trình diễn không thể nằm ngoài sức sáng tạo thơ ca từ bản thân câu chữ và ý tưởng. Đó có thể vẫn là một chờ đợi, nhất là chờ đợi những người trẻ.

Ngày thơ Việt Nam ở HN  

Khi kết thúc vẫn có cảm giác hụt hẫng với người xem khi các tiết mục trình diễn thơ chỉ diễn ra một chiều, không có sự giao lưu với những người yêu thơ. Vì vậy, dù năm nay có nhiều điểm mới trong cách trình diễn thơ, nhưng nhiều người xem không hiểu hết cái hay của những bài thơ cũng như cách trình diễn này. Hy vọng rằng, tại Ngày thơ VN năm sau, sự giao lưu giữa nhà thơ và người yêu thơ sẽ được thể hiện rõ hơn. Sơn Lâm

Bến Tre: Đêm thơ VN dưới cội bạch mai cổ thụ 

Tối 21.2, Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre đã tổ chức Đêm thơ VN dưới cội mai cổ thụ 300 tuổi tại đình Phú Tự, ấp Phú Hào, xã Phú Hưng, thị xã Bến Tre. Cũng nhân dịp này, Phòng VHTT thị xã Bến Tre và UBND xã Phú Hưng đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích văn hoá cấp tỉnh cho cội bạch mai cổ thụ và đình Phú Tự. Kỳ Quan

Phú Yên: Tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 28 

Tối 21.2, đông đảo bạn yêu thơ trong và ngoài tỉnh đã lên núi Nhạn (TP.Tuy Hoà) để thưởng thức những câu thơ chan chứa niềm tin yêu cuộc đời, con người... Nét mới của thơ Nguyên tiêu truyền thống ở Phú Yên năm nay là số lượng tác phẩm gửi về tham gia rất đông, chất lượng cũng được các tác giả chăm chút hơn. Không chỉ những người viết trong tỉnh, mà đêm thơ còn thu hút nhiều cây bút ở Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, Bình Định, Texas (Mỹ)... Trong 297 thi phẩm gửi về Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên tham dự đêm thơ, Ban tổ chức đã tuyển chọn 64 bài, in thành tập "Thơ Nguyên tiêu 2008" trình bày rất ấn tượng. Lưu Phong

Nhã Thuyên / Laodong