itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Sắc thu cố đô Đại Cồ Việt

Sắc thu cố đô Đại Cồ Việt

Du khách đi thuyền vào Tam Cốc.

Sau những cơn mưa bão và những trận lũ nước ngập trắng trời, nắng thu vàng như mời gọi bạn ra khỏi nhà và đi đâu đó để khỏi phí tiết trời thiên nhiên hào phóng ban tặng. Và tôi đến cố đô Đại Cồ Việt - Hoa Lư (Ninh Bình) vào một ngày thu đẹp...

Những tưởng sau bão lũ ít du khách về đây, nhưng vừa ra khỏi Hà Nội, hướng về quốc lộ 1A, đã thấy hàng đoàn xe bus của các hãng du lịch chở khách nước ngoài đi Ninh Bình. Gần 100km đường đi hai bên đường màu của lúa chín hoà sắc nắng như thảm vàng, xa xa là dòng sông uốn lượn ôm ấp những chân núi xám mờ, vài chiếc thuyền nhỏ bồng bềnh, vài cánh cò chao nghiêng.

Cố đô Hoa Lư, nay chỉ còn vài dấu vết như tường Đông, tường Vàu, thành Dền, thành Bồ, thành Bin... Và hai đền Vua Đinh - Lê được dựng ở nền cũ của cung điện xưa. Theo sử sách, Hoa Lư - Ninh Bình vào những năm 968-1010 là kinh đô nước Đại Cồ Việt do hai triều vua Đinh - Lê sáng lập sau gần 1000 năm dưới ách đô hộ phong kiến phương Bắc. Cũng theo sách sử thì khi Vua Lê Đại Hành lên ngôi đã cho xây ở Hoa Lư một quần thể cung điện nguy nga như Bách Thảo Thiên Tuế, điện Phong Lâu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc, Trường Xuân, Long Lộc... 1000 năm qua, tất cả chỉ còn lại bóng dáng mờ ảo trong những câu chuyện, huyền thoại, cổ tích ở nơi này. "Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".

Đường vào đền Vua Đinh hai bên cỏ lau trắng hoa mọc đầy, trước đền có mấy con trâu cũng cắm hoa lau, chợt như cảm thấy vọng lại trong gió có tiếng lao xao của lũ trẻ chăn trâu dùng cờ lau tập trận từ nghìn năm trước, và một ông vua uy nghiêm tự xưng Đại Thắng Minh Hoàng Đế của nước Đại Cồ Việt... Cách đền Vua Đinh khoảng 500m là đền Vua Lê Đại Hành - một ông vua văn võ song toàn và có một tình sử sóng gió mà nghìn năm sau vẫn như một dấu hỏi cho hậu thế với Thái hậu Dương Vân Nga, từng là Hoàng hậu Vua Đinh.

Nằm trong vòng thành cố đô Hoa Lư, ngược lại về phía dãy núi Trường Yên, đến với danh thắng đẹp nhất của vùng này Tam Cốc - Bích Động, một vùng tiên cảnh non nước sơn thuỷ hữu tình như một "Hạ Long cạn" của thiên nhiên ban tặng. Bích Động - động xanh, tương truyền là do thân sinh đại văn hào Nguyễn Du đặt tên, còn Vua Tự Đức khi tới đây vào thế kỷ 19 cũng đã đặt bút viết: "Nam thiên đệ nhị động" - Động đẹp thứ nhì ở trời Nam. Đến Bích Động là đến với ngôi chùa cổ nằm nửa chìm nửa lộ trong hang động trên vách núi. Để vào được chùa, phải đi thuyền nhỏ men theo chân núi. Chùa gồm quần thể chữ "tam" - Hạ, Trung, Thượng.

Chùa Hạ với bức đại tự "Mạo cổ thần thanh" từ thế kỷ 17, leo 80 bậc đá là tới chùa Trung, thêm 20 bậc nữa vào động Tối, có chiếc chuông đồng cổ của Vua Lê Dụ Tông ban tặng năm 1707. Chùa Trung hấp dẫn chính là sự huyền ảo của hang động, những nhũ đá được nước đẽo gọt thành những hình thù tuyệt đẹp như tiên ông, tiên nữ, tiên đồng, rồng, rùa, chim muông... ngoài ra có 3 pho tượng Phật bằng đá uy nghi ngay gần cửa động. Thêm 30 bậc đá nữa lên chùa Thượng, phóng tầm mắt ra ngoài xa, màu nắng vàng trong vắt cho thấy cả miền Hoa Lư, xa xa là núi Chồng Sách, núi Voi, gần hơn là năm ngọn núi như năm cánh hoa sen - Ngũ Nhạc Sơn quây lấy Bích Động.

Rời Bích Động, đi bằng thuyền tới Tam Cốc, tuy có xa hơn bến chính, nhưng lại được ngắm cả một kỳ quan hang động cổ tích, động Cô Tiên, động Hoa Sơn..., những dãy núi mang hình đủ loài tuỳ theo góc nhìn và cảm nhận của người ngắm. Người chèo thuyền cho tôi biết có hơn 1.000 thuyền của các gia đình trong khu này. Vào mùa khách đông có ngày đi 2 chuyến, nhưng cũng phải kết hợp bán thêm hàng lưu niệm mới có đủ ăn.

Tiền vé tham quan, tiền bảo hiểm, cả đi lẫn về là 50.000đ/người, trong đó nhà thuyền được trả 30.000đ/người. Tam Cốc - 3 kỳ quan thiên nhiên được nước tạo lập bằng sự miệt mài qua hàng triệu năm với những nhũ đá mềm mại rủ xuống khi vào hang phải nằm rạp cả người xuống thuyền vì vòm hang thấp, nước đầy, nhưng trong cái mờ ảo lung linh của hang động, trong tiếng nước róc rách và thi thoảng vài giọt nước mát lạnh nhỏ xuống người, cái cảm giác như khám phá một cái gì đó lạ lẫm của thiên nhiên sẽ mang lại niềm khoái cảm.

Có một nơi nữa ở dưới dãy núi Trường Yên, khi đã lên bờ sau Tam Cốc, tuy chưa hình thành một khu du lịch thắng cảnh, nhưng thu hút khá nhiều khách tham quan: Chùa Bái Đính, đang được xây với những quy mô chưa từng có trong các công trình xây dựng chùa ở Việt Nam. Ba ngôi chùa lớn với diện tích hàng nghìn mét vuông có thể chứa hàng nghìn người trong đại sảnh khi làm lễ, một chiếc chuông đồng hàng chục tấn, và pho tượng Phật Thích Ca 100 tấn đồng uy nghi cao như ngôi nhà ba tầng lầu. Đặc biệt là mọi người đều chiêm ngưỡng hơn 500 vị La Hán được tạc bằng đá to bằng người thật đang trong giai đoạn hoàn thiện với đủ sắc diện dáng vẻ khác nhau.

Trọn một ngày thu nắng đẹp, trên đường từ cố đô Đại Cồ Việt trở về Hà Nội bỗng tự hỏi: 1000 năm trước khi dời đô từ Hoa Lư, Vua Lý Thái Tổ đã đi như thế nào, chắc chắn là đường sông - như sách sử đã chép, nhưng có ai trong số đoàn tuỳ tùng, quan quân lính tráng... của Vua là người đi trên con đường hôm nay - quốc lộ 1A để về kinh thành Thăng Long - Hà Nội?

Việt Văn (Theo LĐCT)