itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Du học Anh dưới góc nhìn của người trong cuộc

Du học Anh dưới góc nhìn của người trong cuộc

Mỗi cơ hội là một thử thách. Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại xứ sở sương mù ngày càng đông đúc, và cũng giống như những bạn trẻ đang học tập tại những nước khác, họ cũng học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội…

Ngày 23/03/2005, với sự tham gia bỏ phiếu của đại diện sinh viên- là những thành viên ban Chấp hành, hoặc những người có kinh nghiệm phong trào từ các chi hội SV Việt Nam của các trường ĐH và CĐ, hội Học sinh Sinh viên Việt Nam tại Anh chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, bên cạnh việc tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ lành mạnh, hội cũng đã duy trì và phát triển trang web chính thức dành cho các bạn du học sinh Việt Nam tại Anh. “…chúng tôi sẽ tập trung vào những vấn đề được các bạn du học sinh quan tâm như nhà ở, travel-visa, việc làm và những sân chơi mang tính giải trí như CLB Văn thơ, CLB Âm nhạc, CLB Điện ảnh…”, anh Dũng chia sẻ với chúng tôi về phương hướng hoạt động trong tương lai của các thành viên ban quản trị trang web.

Khoảng mười năm trở về trước, trong từ điển của nhiều người, “du học” quả thật còn quá mới lạ và được xem như một thứ “xa xỉ” chỉ có ở những gia đình trung lưu và có khả năng tài chính. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội, con đường du học ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các bạn trẻ và là một trong những mối quan tâm của các bậc phụ huynh. Những người có điều kiện thì cho con em đi du học tự túc bằng thu nhập từ gia đình; những người không đủ điều kiện thì tìm đến các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau như vay ngân hàng, thế chấp tài sản, nợ dài hạn trả góp, nợ ngắn hạn; những bạn có thành tích học tập xuất sắc thì nộp đơn xin học bổng từ các cơ quan, Nhà nước, các trường Đại học và dự bị Đại học. Những ảnh hưởng tích cực từ sự hội nhập kinh tế, văn hóa toàn cầu làm cho con đường du học ngày càng phong phú và rộng mở hơn, trải đều khắp các châu lục trên thế giới. Không chỉ du học ở các quốc gia trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,…du học Anh đang từng bước trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho các bạn học sinh sinh viên Việt Nam.

Mỗi cơ hội là một thử thách. Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại xứ sở sương mù ngày càng đông đúc, và cũng giống như những bạn trẻ đang học tập tại những nước khác, họ cũng học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội... Để có một cái nhìn cụ thể hơn về du học Anh ngày nay, bạn Đặng Việt Dũng- cựu Chủ tịch hội Học sinh sinh viên Việt Nam tại Anh (gọi tắt là SVUK), niên khoá 2005/2006, sẽ chia sẻ và bộc bạch những kinh nghiệm cũng như cái nhìn về du học sinh Việt Nam tại Anh. Cuộc trò chuyện từ London xa xôi hy vọng sẽ giúp các bạn có những khái niệm bao quát về những con người trẻ tuổi đang sống, học tập và làm việc tại xứ sở sương mù.

Thưa anh, với tư cách là cựu Chủ tịch Hội Học sinh Sinh viên Việt Nam tại Anh (2005/2006), anh đánh giá thế nào về đời sống của giới du học sinh Việt Nam tại Anh trong những năm gần đây ?

Theo mình thấy thì học sinh sinh viên Việt Nam bên này nói chung thông minh và năng động lắm. Không những việc học tốt, các bạn còn chịu khó tìm các công ty thực tập vào mùa hè và làm các công việc bán thời gian trong năm học để bổ sung kinh nghiệm cũng như gíúp đỡ về mặt kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, các bạn còn rất tích cực tham gia các hoạt động sinh viên của các trường Đại học cũng như của hội SVVN. Hàng năm, Ban chấp hành hội SVVN tại Anh đều tổ chức các đêm hội ca nhạc (năm 2006 là live show Glamour, năm 2007 là live show L’Elegance), và giải bóng đá SVUK mỗi năm một lần ở một thành phố khác nhau. Bên cạnh đó, hội sinh viên của các trường đại học khác như LSE, Oxford, Cambridge, Leeds, Nottingham, Warwick, UCL…cũng thu hút du học sinh Việt Nam trên khắp nước Anh bằng những sân chơi ca nhạc mang đậm nét truyền thống nhưng vẫn rất trẻ, rất sinh viên. Ngoài mục đích chính là quyên góp cho các quỹ từ thiện tại Việt Nam như quỹ Tấm lòng vàng (báo Người lao động), Nối vòng tay lớn (Đài truyền hình Việt Nam)..., những hoạt động giải trí này còn giúp cho các bạn đỡ nhớ nhà hơn, tạo điều kiện để cộng đồng sinh viên được liên kết và gắn bó với nhau.

Có ý kiến cho rằng, du học ngày nay đang trở thành một trào lưu chung của các bạn trẻ 8X, 9X. Họ tìm đến con đường du học ở các nước khác khi nghĩ rằng việc du học trong nước không đáp ứng những yêu cầu cơ bản trong việc dạy và học. Theo cách nhìn của người trong cuộc, một du học sinh đã từng theo học tại Anh, anh nghĩ sao về ý kiến này?

Du học là một xu hướng tất yếu khi giới trẻ hiện nay có điều kiện hơn để đi du học (cả về cơ hội, thông tin và sự hỗ trợ về kinh tế của gia đình). Không chỉ cung cấp một nền giáo dục chất lượng và hiện đại, môi trường du học còn cho học sinh sinh viên nhiều kiến thức và kinh nghiệm văn hóa xã hội bổ ích, ngoài ra còn giúp cho các bạn sinh viên tự lập và năng động hơn khi xa gia đình.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là nền giáo dục trong nước chưa tốt. Theo mình nghĩ, nền giáo dục nào cũng có cái hay cái dở riêng. Thực tế, đa phần sinh viên khi sang đây đều có một nền tảng kiến thức chắc chắn, đấy là cả một quá trình được thu thập, truyền đạt và tích lũy từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường ở Việt Nam. Điều quan trọng không phải là học ở đâu, học với ai, mà theo mình nghĩ là học như thế nào và hiệu quả, phương pháp học tập ra sao.

Học tập và làm việc tại Anh trong một khoảng thời gian tương đối dài, anh nghĩ gì về nước Anh ? Tại sao anh lại chọn nước Anh mà không phải một quốc gia nào khác?

Mình sang Anh từ 01/2001. Sau hơn 6 năm sống ở xứ sở sương mù, mình thấy đất nước và con người Anh có nhiều điểm rất hay như: làm việc rất nghiêm túc và hiệu quả, họ có cách nhìn và đối xử thoáng với người nước ngoài và rất hài hước, mặc dù khi mới tiếp xúc ban đầu thì có cảm giác hơi khó gần. Khi tốt nghiệp Đại học ở Úc, mình có hai lựa chọn: ở lại Úc hoặc sang Anh làm PhD. Cuối cùng, mình quyết định sang Anh vì hai lý do:

Thứ nhất, khoa học công nghệ ở Anh phát triển hơn (mình may mắn được sự hướng dẫn của người thầy là một trong những người đầu ngành trong lĩnh vực mình đang theo đuổi - Trí tuệ nhân tạo phân tán (Distributed Artificial Intelligence))

Thứ hai, mình muốn đến một nước khác nhằm trau dồi và làm phong phú thêm kinh nghiệm xã hội của bản thân.

Em được biết, ngoài tư cách là một cựu Chủ tịch hội du học sinh VN tại Anh, anh còn là admin của trang web chính thức cho du học sinh VN tại đây (www.svuk.org.uk). Tuy nhiên, trang web này gần đây không còn thu hút sự chú ý của các bạn học sinh sinh viên như trước kia. Anh có thể cho biết những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này? Ban quản trị nói chung và bản thân anh nói riêng có những đổi mới gì để duy trì lại sân chơi ảo này cho các bạn du học sinh?

Một lý do khiến trang Web SVUK ít người truy cập hơn so với giai đoạn đầu vì dạo gần đây, internet ngày càng phát triển với sự ra đời của hàng loạt các sân chơi cho giới sinh viên học sinh như facebook, Yahoo 360, … và những website riêng do hội sinh viên Việt Nam của các trường Đại học khác lập nên. Lý do thứ hai là về mặt kỹ thuật. Cuối năm ngoái, trang web và diễn đàn SVUK bị một nhóm hacker tấn công liên tục dẫn đến tình trạng ngưng hoạt động trong vài tháng.

Tuy nhiên, ban quản trị chúng tôi đã và đang cố gắng khắc phục vấn đề kỹ thuật cũng như nội dung. Phương hướng trong tương lai của nhóm là sẽ cải thiện thêm về web security, tăng cường phần tin tức và hoạt động của hội sinh viên các trường Đại học và dự bị Đại học, là cầu nối để cộng đồng sinh viên Việt Nam khắp nơi có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và chia sẽ lẫn nhau về học tập và cuộc sống sinh hoạt.

Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung vào những vấn đề được các bạn du học sinh quan tâm như nhà ở, travel-visa, việc làm và những sân chơi mang tính giải trí như CLB Văn thơ, CLB Âm nhạc, CLB Điện ảnh…Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ cố gắng duy trì và phát triển các hoạt động online như giải cờ vua trên mạng, cuộc thi MTV most wanted, Miss SVUK, …Ngoài ra, CLB Âm nhạc đang dự tính sẽ tổ chức những buổi sinh hoạt định kỳ giữa các thành viên, tạo một phòng thu nho nhỏ để các bạn sinh viên có thể đến ghi âm, các bạn ghi âm này sẽ được posted, archieved và thảo luận trên forum SVUK.

Cuối cùng là một câu hỏi hơi mang tính cá nhân một chút, anh đã đi qua rất nhiều thành phố tại Anh, anh thích thành phố nào nhất và vì sao ạ?

Thật ra, mỗi thành phố đều có những nét đẹp riêng, có thành phố thì cổ kính và yên tĩnh như Cambridge, Oxford, York; có thành phố thì đông đúc và náo nhiệt như London, Birmingham, Manchester. Bản thân mình thì thích các thành phố lớn và sôi động, nên ở Anh mình thích nhất là London.

Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này và chúc anh một cuối tuần vui vẻ.

Đôi nét về ĐẶNG VIỆT DŨNG 

Sinh ngày 21-11-1978

Hoàn tất chương trình tiến sĩ ngành Khoa học máy tính năm 2004 tại ĐH Tổng hợp Southampton, Anh.

Chủ tịch Hội học sinh sinh viên Việt Nam đầu tiên tại Anh (23/03/2005)

Đồng sáng lập và là admin trang web chính thức của hội SVVN tại Anh

Thành viên ban nhạc Full Delay- ban nhạc sinh viên được các bạn du học sinh VN rất yêu thích tại xứ sở sương mù.

Sở thích: âm nhạc (đặc biệt là guitar, tất cả thể loại nhạc, trừ jazz), điện ảnh, thể thao (snowboarding), dancing (hehe).

Câu nói yêu thích nhất: "If you fail to plan, you plan to fail ".

Cuốn sách đặc biệt yêu thích: “The Da Vinci Code”.

Huyền Trang