itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Hậu Đề án 112: Rất khó cho việc kế thừa

Hậu Đề án 112: Rất khó cho việc kế thừa

TT tích hợp dữ liệu Lào Cai.

Một trong những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông tiếp nhận xử lý, giải quyết các công việc tiếp theo của đề án tin học hoá cải cách hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó là tổ chức đánh giá lại 3 phần mềm dùng chung (PMDC) và 45 PM đang xây dựng để khai thác, sử dụng tránh lãng phí. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó.

Hạ tầng

Theo thống kê thì tính đến cuối 2005, Đề án tin học hoá cải cách hành chính nhà nước (ĐA112) đã xây dựng được 115 trung tâm tích hợp dữ liệu - TTTHDL); 1.613 mạng LAN cấp sở, huyện; mua 2.451 máy chủ và 26.990 máy trạm. Tuy nhiên, đối với hầu hết trung tâm dữ liệu và mạng nội bộ mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin cơ bản giới thiệu tỉnh, thành phố, cơ quan tổ chức mình. Thậm chí, ngay cả những nơi đã tích hợp thì cũng... chẳng theo chuẩn dữ liệu nào. UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhận định, công tác tích hợp dữ liệu mới chỉ ở giai đoạn đầu; chưa tích hợp được thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; chưa phục vụ và thúc đẩy cải cách hành chính.
Đối với hệ thống đường truyền và mạng, hầu hết các nơi có đường truyền tốc độ thấp hoặc chỉ là dial-up (qua điện thoại cố định). Đối với giao diện, các website chưa thiết kế theo chuẩn. Thậm chí, Bộ GDĐT đã chi 300 triệu đồng mà đến nay vẫn... chưa có web. Đặc biệt, theo tính toán thì hầu như các nơi đều đầu tư tới 80 - 85% cho phần cứng; tuy nhiên trên thực tế, Đồng Nai mua máy rồi... bỏ xó; Hải Phòng mua máy hơn 1,1 tỉ đồng của Mexico, nhưng biến thành của Đài Loan; nhiều cơ quan bộ, ngành mang tài sản của ĐA112 sang cho đơn vị khác... Những điều này cho thấy tài sản của ĐA112 còn lại đã rất cũ kỹ, lạc hậu; hoặc đã bị ăn bớt, kê khống hoặc hết khấu hao.

Con người

Có thể nói: Để giải ngân, quyết toán vượt đơn giá, chi khống... nên việc đào tạo nguồn nhân lực của ĐA112 là rất ồ ạt và chẳng theo nguyên tắc nào. Thực tế, ĐA chỉ triển khai hơn 2 năm; thế nhưng các cơ quan, tỉnh, TP đã triển khai tới 2.651 lớp đào tạo với hơn 51.300 học viên. Nếu toàn VN có 116 đầu mối (bộ, tỉnh, thành) thì tính ra bình quân mỗi đầu mối đã lập ra tới hơn 22 lớp đào tạo, với con số gần 440 người/đầu mối. Đây thực sự là con số đáng nghi ngờ.
Theo KTNN thì Phú Thọ đào tạo sai 82 người; Lào Cai 148 người và Hà Giang 100 người. Tuy nhiên, khi đi khảo sát thực tế tại các địa phương thì hầu hết nguồn nhân lực này đều là kiêm nhiệm chứ ít ai là chuyên trách. Bên cạnh đó, việc đào tạo cũng không chú trọng về chất lượng. Chính vì thế mà Lạng Sơn đánh giá rằng 50% ; Thái Nguyên 60% cán bộ quản trị mạng không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, khi ĐA112 ngừng lại thì hầu hết nguồn nhân lực này cũng chuyển công tác hoặc... giải tán. Như vậy, con số hơn 51.300 học viên đã đào tạo thực chất chỉ là con số ảo.

Phần mềm và giáo trình

Theo kiến nghị của KTNN thì nên đánh giá lại 3 PMDC và 45 PM đang xây dựng để khai thác, sử dụng tránh lãng phí. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia và các nơi đã ứng dụng thì đều cho rằng điều đó là rất khó hoặc không thể. Đối với 3 PMDC, dù chi phí tới 87 tỉ đồng, nhưng thực chất đây là những PM không đạt chuẩn.
Bản thân KTNN cũng đã nhận định PM này không phù hợp, chưa thống nhất và chuẩn hoá thông tin, quy trình. Thậm chí nhiều địa phương kiên quyết từ chối PM này, vì nó... đắt hơn mà lại không bằng mua ở chợ. Thậm chí cho đến hiện nay, khi cơ quan quản lý tuyên bố "cho không" những PM này; song hầu như chẳng đơn vị nào lấy. Đối với các PM còn lại thì hoặc đang trong quá trình xây dựng, hoặc cũng đã.. bỏ xó hay mua đắt. Cụ thể PM "Quản lý văn bản E-office" của BKAV chào giá có 231 triệu đồng, nhưng Ban điều hành mua 970 triệu đồng 1 PM tương tự. Hay như Bộ GDĐT mua của Cty CMC 1 PM giá 444 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm...
Đối với nguồn tài liệu đã in ấn, mặc dù Ban điều hành cho rằng đây là tài liệu đạt "chuẩn quốc tế"; tuy nhiên nếu soi lại chính nguồn nhân lực yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu thì cũng đủ thấy những tài liệu này khó mà đạt chất lượng. Cũng tương tự như PM, nguồn tài liệu này đang... cho không ai lấy. Vì thế cho đến nay hàng trăm triệu đồng chi phí in ấn; gần 2,5 vạn giáo trình tồn kho cũng đủ thấy nguồn tài liệu này vô dụng đến mức nào.
Từ những phân tích trên, câu kết luận cho vấn đề "kế thừa" ĐA112 là rất khó. Thậm chí, nhiều nơi và nhiều "tàn dư" như tài liệu, PM của ĐA112 có thể bị xoá trắng.

Hậu ĐA112: 

- Hoàn tất bàn giao kết quả ĐA112 trong tháng 11.2007: Bộ Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) tiếp nhận kết quả và tiếp tục khai thác, sử dụng cho các chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước (yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ).
- ĐA112 sẽ đổi tên cho đúng chức năng, nhiệm vụ: "Hậu 112" sẽ được đối tên đúng với chức năng nhiệm vụ là ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và chính phủ điện tử. Hiện tại, chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010 đã được trình Chính phủ (Bộ TTTT).
- Lấy dân làm gốc của tin học hoá cải cách hành chính: Sau 5 năm thì có bao nhiêu dịch vụ công được cung cấp trực tuyến. Để cung cấp dịch vụ này, trước tiên cơ quan nhà nước phải tin học hoá nội bộ, liên kết hệ thống mạng và người dân cũng được tạo điều kiện kết nối mạng. Không thể xóa trắng ĐA112. (TS Mai Anh - nguyên Uỷ viên UB KHCN & MT Quốc hội)

Phạm Anh - Minh Đồng