itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Gửi xe.... trần ai ký

Gửi xe.... trần ai ký

Sau khi UBND TPHCM chỉ đạo dẹp

các bãi giữ xe lấn chiếm vỉa hè, những

bãi giữ xe như thế này tại Q.1 đã được

sắp xếp ngăn nắp hơn.

Tính cả dân nhập cư và dân vãng lai lúc đến lúc đi, TPHCM có tới 8 triệu người. Hỏi, cả thành phố có bao nhiêu bãi giữ xe? Chắc khó ai đếm xuể.

Nhưng nếu hỏi, khu trung tâm thành phố có bao nhiêu bãi giữ xe, thì chắc không ít người có thể kể ra được. Quận 1 - nơi tập trung nhiều cao ốc, khách sạn sang trọng nhất nước; nơi hàng ngày vẫn diễn ra hàng chục cuộc họp, hội thảo lớn - nhỏ, thu hút người xe tấp nập; thế nhưng nhiều lúc để gửi được chiếc xe máy cứ phải chạy lòng vòng trên phố.

Lo gửi xe như lo con mọn

Anh Tố có cơ quan nằm trên đường Lý Tự Trọng, quận 1. Nhiều năm qua anh được cái sướng là làm ở khu trung tâm, muốn đi mua sắm hay chợ búa gì cũng dễ và nhanh, đường sá lại sạch sẽ, thanh lịch. Nhưng từ ngày bãi giữ xe trên vỉa hè ở góc đường Thủ Khoa Huân-Lý Tự Trọng gần cơ quan anh bị dẹp, anh bắt đầu nếm nỗi khổ của việc gửi xe máy. Từ đây, anh phải chạy lòng vòng khoảng nửa cây số đến bãi giữ xe của thương xá Tax. Nhưng ngặt nỗi, phải đến 8 giờ sáng, bãi xe thương xá Tax mới mở cửa đón khách. Thế là anh Tố lại phải chạy đến bãi giữ xe đối diện toà cao ốc Saigon Center. Nhìn anh ăn mặc chỉnh tề, người giữ xe đã đoán ra anh là CB-CNVC.

Anh ta lưỡng lự một hồi rồi hỏi: "Gửi đến mấy giờ? Ở đây chỉ giữ tới 11 giờ trưa thôi, không chịu thì cứ kiếm nơi khác mà gửi...". Dằn lòng lắm để gửi cho được chiếc xe máy và cuốc bộ nửa cây số đến sở làm. Đến 11 giờ trưa, dù chưa đến giờ nghỉ nhưng anh Tố vẫn phải thu xếp để ra lấy xe. Nếu không lấy đúng giờ, e người giữ xe khó chịu và hống hách kia lại đẩy chiếc xe mình vào xó xỉnh... Lấy xe rồi lại phải lo đi gửi nơi khác.

Đệ nhất... cửa quyền

Muốn gửi được chiếc xe máy để đến sở làm, để dự hội thảo v.v... phải trần ai khổ sở là chuyện đã xảy ra nhiều năm nay tại khu trung tâm TPHCM. Cái sự ăn mặc chỉnh tề của anh Tố chính là một trong những yếu tố để người giữ xe không xếp anh vào nhóm khách hàng dài lâu hay tiềm năng. Bởi nếu giữ xe cho anh suốt 8 tiếng trong ngày, cũng chỉ thu được 3.000 đồng (là đã vượt quy định 1.000 đồng). Cho nên anh ta ra thời hạn 11 giờ trưa là thế, để cái vị trí ấy buổi chiều còn xe vào xe ra, tăng thêm nguồn thu gấp 2-3 lần số tiền giữ xe cho anh.

Các bãi giữ xe gắn máy ở khu vực trung tâm TPHCM đều chung một tính toán như thế cả, cố tạo vòng xoay giữ càng nhiều lượt xe càng tốt để kiếm tiền. Vì thế tại nhiều bãi xe - như bãi xe trước nhà hàng bia Lion trên Công trường Lam Sơn, hay bãi giữ xe trước KS Sheraton... - mấy người giữ xe đều chung một câu hỏi khi tôi vừa trờ xe đến: "Gửi đến mấy giờ?". Mấy lần đầu còn non kinh nghiệm, tôi thật thà: "Họp đến 11h30...". Họ liền lắc đầu phớt tỉnh: "Hết chỗ rồi...", dù tôi thấy rõ vẫn còn vài chỗ trống đấy. Những lần sau, tôi kinh nghiệm hơn. Thỉnh thoảng đi họp trong khách sạn Caravelle phải gửi xe ngay bãi xe trước nhà hàng bia Lion, phải vờ nhìn đồng hồ (9 giờ sáng) và nhanh nhẩu "10 giờ lấy!".

Đôi lần tôi nghĩ mình đã... "lừa" được người giữ xe trước nhà hàng bia Lion và KS Sheraton. Tôi chơi đúng bài nhìn đồng hồ và nhanh nhẩu "10 giờ lấy!" một cách dứt khoát, nhưng mãi gần 12 giờ mới ra lấy xe. Những lần sau đó, vừa thấy tôi trờ xe tới, anh ta còn nhanh nhảu và dứt khoát "hết chỗ rồi!" còn hơn cả tôi. Thế là phải đành xuống nước nói nhỏ nhẹ, thậm chí năn nỉ. Cán bộ, công chức tại các cơ quan công quyền nếu có thái độ hách dịch làm khó dân, trăm vụ cũng có vài vụ bị nhà báo chúng tôi đưa lên báo phê phán, có khi phải bị kiểm điểm hoặc kỷ luật. Nhưng đến cái cửa... quyền của mấy người giữ xe ở khu vực trung tâm TPHCM thì cánh nhà báo cũng phải bó tay!

Hiện nay hầu hết các khách sạn, nhà hàng trên các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi v.v... hoặc những đường cắt các trục đường này, chỉ giữ xe cho khách trọ hoặc đến ăn uống. Còn những người đến dự họp báo, lễ lạt, không được xem là khách của những nơi này, cho nên họ không thu xếp nơi giữ xe cho. Cánh quan chức, doanh nghiệp thì không phải lo vì có xe con và tài xế đưa rước. Chứ cánh nhà báo, mỗi lần đi họp là mỗi lần trần ai với việc gửi xe.

Nắm bắt được nỗi khổ này nên mới đây ngày 19.11, trong giấy mời dự hội thảo tại khách sạn Continental (132-134 Đồng Khởi, quận 1) Cty HP VN đã đưa ra "Một số điểm gửi xe tham khảo: 18 Cao Bá Quát (bên cạnh Cty điện lực 2), ngã tư Thi Sách-Nguyễn Siêu, toà nhà Pakson-41 Lê Thánh Tôn, bãi giữ xe của Eden Mall...".

Đã muốn gửi xe ở các bãi trong khu vực trung tâm TPHCM thì xin đừng so đo, thắc mắc vì sao giá 3.000 đồng hay 5.000 đồng vượt quy định. Thấy mình trờ xe tới, mấy người giữ xe không nhanh nhảu và dứt khoát "hết chỗ rồi!" đã là may lắm!

Không thể chỉ "dẹp", "cấm"...

Lâu nay, các bãi giữ xe ở dưới tầng hầm của các khách sạn, khu thương mại... tại khu trung tâm TPHCM không đủ để kham chứa hết lưu lượng xe phải gửi/giữ trong ngày. Tuy nhiên, nhiều cao ốc, khách sạn, nhà hàng chủ trương chỉ giữ xe cho khách hàng của mình khiến cho nơi gửi xe càng thiếu trầm trọng. Cho đến giữa tháng 10 vừa qua, khi UBND TPHCM chỉ đạo dẹp hết các bãi giữ xe trên vỉa hè, không cấp phép mới và không cấp phép lại cho những bãi giữ xe đã hết phép, cấm các cửa hàng buôn bán, nhà hàng... để xe trên vỉa hè, thì tình trạng thiếu bãi giữ xe càng bị đẩy đến đỉnh điểm.

Vấn đề chấn chỉnh, dẹp những bãi giữ xe trên vỉa hè gây luộm thuộm và mất mỹ quan đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ hết "dẹp" lại "cấm" mà không mở ra những bãi giữ xe được quy hoạch và hoạt động đúng quy định, thì chính lệnh "dẹp" và "cấm" kia lại trở thành gọng kìm siết vào nhu cầu cuộc sống của người dân sống và làm việc tại khu trung tâm TP.

TPHCM đang có rất nhiều dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm được phác hoạ một cách đẹp đẽ ở khu vực trung tâm. Song rất tiếc là trên thực tế chưa có dự án nào được khởi công xây dựng. Chờ cho đến khi những dự án này hoàn thành có khi phải năm, ba năm hoặc mười năm nữa. Trong khi, tình trạng khủng hoảng thiếu bãi giữ xe giữa lòng thành phố đã bộc lộ cả chục năm nay và ngày càng thiếu trầm trọng. UBND TPHCM phải có hướng mở, quy hoạch tạm một số địa điểm thuận tiện để đáp ứng nhu cầu giữ/gửi xe của người dân!

Theo Thẩm Hồng Thụy (Lao Động)